Chap 1

3.8K 48 3
                                    

Những ngọn đồi thiên quỳ tử (*) vàng ươm chạy đến tận nơi giao thoa của trời và đất, màu vàng bạt ngạt hòa lẫn vào ánh tà dương man dại chảy khắp không gian một niềm đau đớn. Một bóng dáng nam nhân đứng lặng giữa ngàn hoa, tấm áo bào đỏ của y càng như tan ra giữa bức tranh thiên nhiên chen vàng chen đỏ. Ánh mắt y đau đáu nhìn về nơi mặt trời đang xuống, lòng y khắc khoải một tâm tình. Đã hơn ba năm lẻ, cứ mỗi lần vào mùa những ngọn đồi thiên quỳ tử khoác lên mình lớp áo vàng rực rỡ thì người ta lại thấy có một nam tử cứ ngày ngày đứng trên đồi nhìn hoàng hôn xuống. Y đứng đấy, lặng lẽ hàng canh giờ như một cái bóng đơn côi. Và có một câu chuyện được truyền tụng trong nhân gian...
Thiên Đăng Bảo Quốc là một đế quốc hùng mạnh bậc nhất vùng Bình Châu Đại Lục này. Lãnh thổ trải hàng vạn dặm, dân cư đông đúc, sơn trân hải bảo nhiều không kể xiết, quân đội tinh nhuệ, thiện chiến, nhân tài như rừng, Thiên Đăng Bảo Quốc xứng tầm cường quốc vô địch của Bình Châu Đại Lục. Điều đáng để người ta ngạc nhiên nhất về Thiên Đăng Bảo Quốc chính là vị quốc quân nơi đây. Thường, khi nhắc đến một đế quốc lớn, người ta vẫn nghĩ đến quân chủ là một bậc thần long nam tử, uy quyền tối thượng nhưng quốc quân của Thiên Đăng Bảo Quốc không như người đời hay nghĩ, không phải nam nhân mà là nữ nhân.
Nàng thuộc dòng dõi Hoàng Phủ Đế Tộc bao đời trị vị quốc gia này. Nàng vốn là công chúa của Tiên Đế, nhũ danh Hoàng Phủ Bạch Nguyệt. Bạch Nguyệt công chúa từ lúc sơ sinh đã có dáng vẻ của đại mỹ nhân. Trời lại phú cho nàng thiên tính thông minh, mưu trí. Nàng được Tiên Đế gửi lên núi Tiên Đỉnh Sơn bái sư học đạo nên lúc 18 tuổi đã trở thành một nữ nhân thiên hạ kỳ tài, văn võ đều xuất chúng. Lúc nàng thành tựu mọi tài thì sư phụ của nàng một mực đuổi nàng xuống núi. Trong lòng u uất buồn bã, Bạch Nguyệt công chúa tìm đường trở lại chốn đế kinh mà mình đã xa cách ngót 18 năm trời. Một cảnh tượng không ngờ khi nàng vừa đặt chân đến kinh thành, khắp nơi trùm phủ màu tang tóc, mặt đường, tường thành loang lổ vết máu, thi người ngổn ngang. Cảnh tượng bày ra làm công chúa suýt chút tưởng mình đi lạc vào cõi âm ty. Qua tìm hiểu, cuối cùng nàng cũng rõ, trong quốc có nội phản, quân phản loạn nổi dậy sát hại họ Hoàng Phủ, chiếm cứ kinh thành. Phụ hoàng nàng đã bị ngũ mã phanh thanh, mẫu hậu nàng bị bức treo cổ tự tử, các huynh đệ tỷ muội, thúc bá cậu dì,... của nàng lớp bị giết, lớp bị bắt. Bạch Nguyệt công chúa đau lòng tột độ, nàng không thể ngờ buổi trùng phùng lại thành giờ chia biệt. Sau một hồi than thở kêu trời thì lý trí của nàng thức tỉnh, nàng quyết phải hành động. Nửa đêm canh ba, nàng dùng thân thủ tuyệt luân của mình lẻn vào hoàng cung với hi vọng tìm được người thân nào đó. Hoàng cung tiêu điều xơ xác, thây người rải khắp nơi, mùi tử khí nặc nồng. Nơi uy quyền, tráng lệ nhất của đế quốc giờ đây trở thành bãi tha ma rùng rợn. Bạch Nguyệt cứ dò trong đêm tối mà đi. Không một bóng người, hoàn toàn lạnh lẽo. Nàng đi khắp mọi ngõ ngách trong hoàng cung mà chẳng tìm thấy ai. Bất lực, nản chí, Bạch Nguyệt đứng lặng giữa sân rồng la liệt thi thể, ngửa mặt lên trời tự hỏi chẳng lẽ gia tộc nàng không còn ai thoát được tai biến hay sao. Ngay lúc đó, nàng lại nghe có tiếng động từ phía sau. Nàng tức thì quay mình lại, một bóng người đang cầm đoản kiếm nhắm nàng đâm tới. Nàng bắt lấy tay cầm kiếm của người đó. Nàng nhận ra kẻ đó chỉ là đứa nhóc chừng 9, 10 tuổi. Một đứa bé trai mặt mũi thanh kỳ, trên mình vận lớp áo bào vàng vấy máu, đôi mắt long lên tia căm thù mãnh liệt. Đứa bé bị nàng chụp tay vẫn ngoan cường vùng vẫy, miệng không ngừng gào: "Ác nhân, ta giết ngươi! Ta giết ngươi!". Nàng lấy làm lạ, hỏi rằng:
- Ngươi là ai?
- Ta là thế tử của Thiên Đăng Bảo Quốc. - Lời thoát ra từ miệng đứa trẻ đầy kiêu hãnh nhưng cũng chua xót nghẹn ngào.
Bạch Nguyệt trong khoảnh khắc lặng đi. Thì ra đứa trẻ này là điệt tử của nàng, là con trai của thái tử hoàng huynh của nàng, là hoàng tôn của phụ mẫu nàng. Tuy nàng ở Tiên Đỉnh Sơn nhưng hoàng hậu vẫn thường xuyên gửi thư thăm hỏi và kể gia sự cho nàng nên nàng cũng nắm bắt được. Nàng bất ngờ ôm chầm lầy nó, dùng bàn tay nõn nà vuốt lên mái tóc bờm xờm của nó, xúc động hỏi:
- Con là Vũ Nhi có phải không?
Tiểu thế tử đôi mắt xoe tròn, lắp bắp hỏi:
- Ngươi... ngươi... là... ai?
- Ta là Bạch Nguyệt cô cô của con ở Tiên Đỉnh Sơn vừa về đây. - Bạch Nguyệt nhẹ nhàng đáp.
Tiểu thế tử sững sờ trong đôi chốc rồi lạnh lùng gạt nàng ra, gắt lên:
- Ngươi đừng có gạt ta! Ta đúng là có một cô cô ở Tiên Đỉnh Sơn nhưng cô cô ta không thể nào lại mặc hắc y và che mặt như ngươi được! Ngươi là gian tặc!
Bạch Nguyệt thảng thốt rồi lại mỉm cười, nàng khen thầm rằng: "Thằng nhóc này thật sự rất khôn ngoan, có tố chất của một người cai trị thiên hạ". Nghĩ đến đây, nàng lẳng lặng tháo xuống tấm khăn che mặt, khom người đối diện với đứa bé, hỏi nó:
- Thế này có phải không?
Đứa bé tròn mắt nhìn, đầu óc non nớt của nó tái hiện lại hình ảnh về bức họa mỹ nhân mà bà bà vẫn thường hay ngắm nhìn. Nó chợt bật khóc, ôm lấy cổ Bạch Nguyệt, nói như gào:
- Đúng là cô cô rồi. Sao bây giờ cô cô mới về? Mọi người bị hại thê thảm lắm...
Bạch Nguyệt bất chợt thấy cay xè ở mắt. Nàng bồng điệt tử lên, dỗ dành nó. Nàng phải tìm lời an ủi để nó thôi kêu gào. Lúc này, nàng mới có cơ hội nhìn kỹ nó. Nàng thật không ngờ mình lại có một điệt tử đáng yêu như vậy. Bồng trên tay đứa cháu trai chỉ mới 10 tuổi, nàng công chúa tuổi 18 ấy đã cảm nhận được cả gánh nặng nợ giang sơn, thù gia tộc đang đè lên vai mình. Mối dây tình thân bắt đầu nảy nở, Hoàng Phủ Bạch Nguyệt tự nhủ với lòng: "Ông Trời xui ta tìm được Vũ Nhi chứng tỏ Hoàng Phủ gia chưa tận số. Thù này thề phải báo. Nhất định ta phải khôi phục lại sự nghiệp Đế Gia".
Sau đêm đó, Bạch Nguyệt công chúa bồng theo thế tử Hoàng Phủ Minh Vũ tìm nơi ấn náu. Nàng âm thầm chiêu binh mãi mã, kết giao các mối quan hệ, chờ thời cơ giúp Hoàng Phủ gia "Đông Sơn tái khởi". Kiên trì, nhẫn nại suốt hai năm trời, cuối cùng thời cơ cũng đến. Vào một đêm mưa như trút nước, gió lốc mù trời, sấm chớp vang rền, hoàng cung Thiên Đăng Bảo Quốc đất bằng dậy sóng. Một đoàn hùng binh bất ngờ bao vây lấy hoàng cung, chém giết chẳng lưu tình. Quân phiến loạn năm xưa lật đổ Hoàng Phủ gia tự mình xưng đế giờ đây lại bị tàn sát như chính năm xưa họ đã từng làm. Khi cơn mưa máu gió tanh tạm lắng xuống, người ta nhìn thấy một mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành khoác áo giáp vàng dắt theo một đứa bé uy nghi bước vào đại điện. Đương triều hoàng đế và hoàng hậu bị trói nghiến quỳ giữa điện. Họ chính là kẻ đã đem Hoàng Phủ Đế phanh thây và đem Hoàng Phủ Hậu lên thòng lọng treo cổ năm xưa. Chính tay nàng, Hoàng Phủ Bạch Nguyệt đã kết liễu họ để trả thù cho phụ mẫu.
Sau khi tiêu diệt loạn đảng, Hoàng Phủ Bạch Nguyệt lên ngôi Nữ Đế. Những hoàng thất và cựu thần từ đời Tiên Đế bị giam cầm đều được phóng thích, những người lưu vong tị nạn cũng được tìm về. Hoàng Phủ Đế Tộc hồi sinh, khôi phục lại vị trí của mình, lịch sử Thiên Đăng Bảo Quốc sang trang mới. Dưới sự trị vì của Phụng Ảnh Đế, vị Nữ Đế đầu tiên và cũng là duy nhất nhưng được đánh giá là anh minh sáng suốt hiếm có, Thiên Đăng Bảo Quốc ngày càng trở nên phồn thịnh, phú cường. Hoàng Phủ Bạch Nguyệt đăng cơ năm 20 tuổi và lập tức sắc phong Hoàng Phủ Minh Vũ làm Hoàng Thái Tử, hiệu là Phúc Nam, khi ấy Minh Vũ cũng chỉ mới mười hai. Cô gái tuổi đôi mươi gánh vác cả giang sơn, nàng đã lập lời thề trước linh vị phụ mẫu cũng như liệt tổ liệt tông Hoàng Phủ Gia là nguyện trọn đời không thành thân, toàn tâm toàn ý gìn giữ cơ đồ và dạy dỗ Minh Vũ nên người. Nàng cũng tâm niệm rằng chờ khi Minh Vũ Thái Tử trưởng thành, đủ chính chắn, đủ bản lĩnh trị vì thiên hạ thì nàng sẽ trao lại ngôi báu cho điệt tử còn mình thì trở lại Tiên Đỉnh Sơn tiếp tục đường tu đạo.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi...
Thoáng chốc đã năm năm trời. Hoàng Phủ Minh Vũ đã mười bảy tuổi. Dung mạo ngời ngời, tài ba xuất chúng, bất kể là quốc sự hay quân chính đều trị lý rất xuất sắc, Phúc Nam Thái Tử thật sự là niềm kiêu hãnh của Thiên Đăng Bảo Quốc. Phụng Ảnh Đế có ý lập phi cho thái tử để duy trì hương hỏa cho Hoàng Phủ Tộc nhưng gặp phải trở ngại. Chẳng hiểu sao thái tử không hề ngó ngàng đến nữ nhân, bất kể là thiên kim đại thần hay công chúa lân bang, dẫu có sắc nước hương trời, tu hoa bế nguyệt thế nào thì thái tử cũng chẳng để tâm. Từ hoàng thất, quan viên đến dân chúng đều gọi lén Phúc Nam là "Băng Sơn Thái Tử" vì y quá lạnh lùng, y lạnh lùng đến mức khi đứng gần y người ta phải cảm thấy run rẩy và với nữ nhi y càng lãnh gấp bội phần. Chuyện lập gia thất cho thái tử thật sự là đề tài nan giải của Phụng Ảnh Đế và cả đội ngũ quan lại. Thần dân Thiên Đăng Bảo Quốc vẫn ngày ngày trông ngóng được uống rượu mừng vị Trữ Quân hiền minh bật nhất này mặc dù hi vọng khá mong manh.
Dạo gần đây, khắp ngõ làng thôn xóm của Thiên Đăng Bảo Quốc dậy lên tin đồn rằng ở Thiên Quỳ Khâu xuất hiện kỳ nhân. Thiên Quỳ Khâu là vùng đất miền biên cương phía Nam của Thiên Đăng Bảo Quốc, đây vốn là vùng gò đồi và chỉ mọc duy nhất một loài hoa là Thiên Quỳ Tử nên có tên là Thiên Quỳ Khâu. Kỳ nhân vùng Thiên Quỳ Khâu không ai rõ là ai, chỉ biết y đã nhiều lần cứu giúp bá tánh. Một lần, y ra tay cứu hơn ngàn người khỏi nạn dịch nhờ tài y thuật cao thâm. Một lần, y giúp một thôn trang gần Thiên Quỳ Khâu tiêu diệt một con quỷ chuyên bắt cóc trẻ con và người ta tôn y là pháp sư. Một lần khác, y lại giúp bá tánh cầu một trận mưa lớn sau nhiều tháng ròng nắng hạn. Và một lần nữa, y mách nước cho vị Trấn Nam Tướng Quân của Thiên Đăng Bảo Quốc kế sách ngăn giặc xâm lấn biên cương. Bá tánh tôn sùng y như thần như thánh. Y hành tung cổ quái, thoắt ẩn thoắt hiện, những khi xuất hiện đều đeo một chiếc mặt nạ đồng che từ chân mày đến nửa sống mũi nên không ai biết dung mạo y ra sao. Chỉ biết, khi người ta nhìn thấy trong gió phất phới vạt trường bào trắng xen với vạt áo choàng màu thiên thanh và ngửi được trong gió mùi hương tựa như hoàng đàn thì người ta lại bảo nhau rằng "Thiên Quỳ Tiên Nhân lại đến". Thiên Quỳ Tiên Nhân chính là cái tên người ta vẫn gọi y.
Hoàng cung Thiên Đăng Bảo Quốc. Một nam nhân khoác bào đỏ diềm vàng tao nhã, đầu đội kim quan đính ngọc sáng chói, bước chân tiêu sái đi dọc dãy lan can sơn son tạc rồng quấn ngạt ngào hương hoa quý. Chàng chính là Hoàng Phủ Minh Vũ, Phúc Nam Thái Tử đỉnh đỉnh đại danh xa gần ngưỡng mộ. Chàng hiên ngang bước đi giữa hai hàng cung nhân quỳ rạp. Ở Thiên Đăng Bảo Quốc này, thái tử gia dưới một người, trên mọi người, mặc dù chỉ là Trữ Quân nhưng mọi người từ lâu đã mặc định chàng là vị Quốc Quân thứ hai, một phần vì chàng nắm trong tay quyền hành giám quốc, một phần cũng vì Phụng Ảnh Đế đối với chàng thương yêu nhất mực, quý trọng vô cùng. Hướng chàng đi là tẩm cung của Phụng Ảnh Đế. Đã thành lệ, mỗi ngày chàng đều đến thỉnh an hoàng cô.
Minh Vũ bước lên chín bậc thang đá hoa cương trải thảm đỏ rồi đi miết qua chín lần màn phụng thêu kim tuyến mới đến chỗ an ngự của hoàng cô. Trong gian phòng rực chói vàng son và sực nức hương thơm, trên chiếc ngự sàng thếp vàng lộng lẫy, một nữ nhân mặc hoàng bào nhiều tầng lớp bằng loại tơ lụa thượng hạng đang nằm nghiêng người xoay mặt ra cửa, khuỷu tay chống xuống giường, nắm tay giữ lấy đầu. Bờ mi cong vút khép hờ nổi bật giữa gương mặt trái xoan trắng hồng mịn màng. Bờ môi đỏ thắm như tô điểm chu sa khép kín ý nhị tựa đóa hoa hồng đang thời hàm tiếu. Sống mũi thẳng, chóp mũi thon tao nhã hòa hợp cùng đôi mày trăng non càng làm cho gương mặt nữ tử kiều mị bội phần. Nữ tử đó chính Phụng Ảnh Đế, cũng là Hoàng Phủ Bạch Nguyệt ngày nào. Nữ Đế nằm trên ngự sàng dưỡng thần, có hai cung nữ cầm quạt đứng hầu và xung quanh có rất nhiều cung nữ, thái giám sẵn sàng chờ lệnh. Khi Minh Vũ bước vào, cung nhân có mặt ở đó thảy đều định quỳ xuống hành lễ nhưng đã bị chàng ngăn lại. Thái tử khẽ phất tay, cung nhân đều hiểu ý. Họ nín thở, nhón gót lui khỏi bức rèm châu ngăn cách ngự sàng với bên ngoài. Phụng Ảnh Đế vẫn nhắm mắt im lìm. Dung mạo nàng lúc ngủ vẫn kiêu mị mê hoặc và uy nghi tuyệt đỉnh. Minh Vũ bước đến trước giường, bàn tay phải nắm lại đặt lên vai trái, quy củ hạ một gối xuống đất. Từng động tác hành lễ của chàng đều nhẹ nhàng như gió thoảng, hoàn toàn không phát ra thanh động. Khi đầu gối vừa chạm đất thì chàng nghe thấy giọng nói trong trẻo với âm lượng vừa phải và ngữ khí trầm ổn cất lên:
- Vũ Nhi miễn lễ đi.
Chàng ngẩng nhìn lên. Đôi mi cong vút của nữ tử nằm trên giường từ từ hé mở để khoe ra đôi mắt đan phượng sáng trong như hổ phách. Bờ môi xinh đẹp của Phụng Ảnh Đế vẽ lên một nụ cười ưu mỹ, nhắc lại lần nữa:
- Ta bảo con miễn lễ.
Minh Vũ hơi cúi người, âm thanh bình đạm, uy nhã phát ra:
- Tạ hoàng cô.
Phụng Ảnh ưu nhã ngồi thẳng dậy. Nàng sửa lại mái tóc huyền dài óng mượt rồi chỉ tay vào cái ghế tựa mạ vàng trước ngự sàng, bảo:
- Ngồi đi.
Minh Vũ bây giờ đã đứng dậy, nghe cô cô bảo thì cúi người tạ lễ rồi tiêu sái ngồi vào ghế. Đây là vị trí quen thuộc của chàng, cái ghế này vốn được dành sẵn để chàng ngồi hầu chuyện cô cô và chỉ dành cho một mình chàng thôi. Bàn tay trắng trẻo với những ngón tay thon thả như ngòi bút của Phụng Ảnh Đế ló ra khỏi cổ tay áo diềm kim tuyến chạm đến ly trà sứ trắng vân xanh để trên cái bàn nhỏ bằng ngọc kê cạnh ngự sàng. Nữ Đế ôn nhu nhấp một ngụm trà rồi hướng mắt nhìn thái tử ngồi đối diện. Nàng nhìn rõ ràng từng chi tiết trên gương mặt đứa cháu yêu. Đôi mày kiếm đậm nhưng không thô hơi xếch lên làm đôi mắt càng như sâu hơn. Đồng tử mắt tròn đen lay láy, minh tiệp sáng ngời. Sống mũi cao thẳng tắp như dáng núi Thiên Sơn hùng vĩ của Thiên Đăng Bảo Quốc đi kèm chiếc cằm vuông đầy nam tính làm gương mặt Minh Vũ thêm vạn lần cuốn hút. Khuôn miệng chàng khép chặt trên gương mặt phủ tầng sương lạnh không chứa nụ cười nhưng Phụng Ảnh Đế biết rõ nếu khóe môi đó chỉ cần cong lên một cái thật khẽ thì cũng đủ làm chúng sinh nao lòng. Thong thả đặt lại ly trà xuống bàn ngọc, Phụng Ảnh lên tiếng hỏi:
- Tấu chương của thừa tướng con xử lý xong chưa?
Minh Vũ chắp tay kính cẩn đáp:
- Hồi cô cô, đã xong. Con cũng giao lại cho thừa tướng rồi.
Phụng Ảnh Đế nhẹ gật đầu, lại hỏi:
- Vậy còn chuyện bên Công Bộ?
Minh Vũ tựa lưng vào ghế, đáp:
- Dạ cũng xong cả rồi. Con đã trách mắng Phí Thượng Thư một trận và hạ lệnh chấn chỉnh lại toàn bộ, khắc phục tất cả hậu quả. Giờ này chắc cũng ổn thỏa rồi. - Hơi lộ chút ấm áp nhìn cô cô - chuyện biên cương phía Bắc cũng đã đâu vào đấy.
Phụng Ảnh Đế mỉm cười, từ ánh mắt thoát ra tình cảm:
- Vũ Nhi đúng Vũ Nhi, luôn làm việc rốt ráo, triệt để. Xem ra ta được an nhàn rồi.
Minh Vũ vẫn một mực lễ độ:
- Cô cô quá khen, Vũ Nhi chỉ cố gắng hết sức để đỡ đần cho cô cô thôi.
Phụng Ảnh Đế chỉ tựa vào thành giường mà không nói thêm câu nào. Minh Vũ chợt tỏ ra tần ngần. Thái độ đó không qua khỏi mắt Phụng Ảnh, nàng hỏi:
- Con sao vậy?
Minh Vũ chậm rãi đáp:
- Bẩm hoàng cô, Vũ Nhi thấy dạo này chính sự ổn định nên muốn...
Thấy điệt tử ấp úng, Phụng Ảnh đành mớm lời:
- Muốn gì cứ nói.
- Con muốn xin hoàng cô xuất cung vi hành một thời gian. - Minh Vũ nói thật rõ ràng.
Đôi mày trăng non khẽ nhíu, Phụng Ảnh hỏi lại:
- Con muốn vi hành sao?
Minh Vũ khẽ gật đầu, "dạ" nhỏ. Phúc Nam Thái Tử uy phong lẫm liệt nhưng bây giờ lại tỏ ra rụt rè cũng vì Phụng Ảnh Đế vốn không thích cho Thái Tử xuất cung, nàng luôn lo sợ đứa cháu cưng sẽ gặp bất trắc. Minh Vũ như con chim oanh trong lồng son, mỗi lần muốn xuất cung đều phải năn nỉ rất cực khổ, nhiều lần không cẩn thận chọc giận hoàng cô thì lúc đó cái mông nhỏ lại chịu khổ. Dù Nữ Đế đối với Thái Tử một mực yêu quý nhưng cách dạy dỗ cũng vô cùng nghiêm khắc nên Minh Vũ dù thân là Thái Tử đương triều nhưng cũng như bao con cái nhà bình dân bá tánh khác, hễ làm phật lòng cô cô là y như rằng sẽ bị phạt nằm sấp đánh mông và còn là đánh rất đau nữa.
Phụng Ảnh thoáng nghĩ ngợi. Nàng nhìn Minh Vũ một lượt từ đầu đến chân rồi gật đầu:
- Ừ. Ta phê chuẩn.
Minh Vũ mừng quýnh nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên. Phụng Ảnh biết chàng đang nghĩ gì nên chỉ từ ái nói:
- Con cũng không còn nhỏ nữa, ta không nên giam chân con mãi. Với lại thời gian qua con chuyên tâm xử lý quốc sự, đã lao tâm lao lực, lần này xem như là phần thưởng.
Gương mặt giá lạnh của thái tử có ấm lên đôi chút, Minh Vũ đứng dậy, cúi người đúng lễ:
- Tạ ơn cô cô.
Phụng Ảnh nâng ly nhấp thêm trà rồi nhã nhặn phất tay:
- Nếu con không còn vấn đề gì thì có thể lui.
Minh Vũ liền làm lễ chào rồi lui gót khỏi tẩm cung Nữ Đế.
Khoác lên người lớp thường phục màu ráng chiều, bảo kiếm đeo bên mình ngựa, vai đeo cung tên, Minh Vũ rong ruổi trên lưng bạch mã dạo qua những nẻo đường xã tắc. Vốn dĩ Phụng Ảnh Đế không đồng ý chuyện Thái Tử đi một mình nhưng chàng kiên quyết không chịu cho thị vệ đi theo. Cuối cùng hai bên đã đưa ra thỏa hiệp, thị vệ của Nữ Đế vẫn đi theo bảo hộ Thái Tử nhưng chỉ là đi trong âm thầm, không được làm phiền thái tử. Minh Vũ dừng ngựa nơi vùng Thiên Quỳ Khâu, đang vào mùa Thiên Quỳ Tử nở rộ. Ánh nắng chiều nhàn nhạt, chàng lấy tay che mắt nhìn lên các dãy đồi thẳng tắp màu vàng chạy tít chân trời, thầm cảm thán: "Giang sơn của cô cô thật sự rất đẹp". Rồi chàng lại chuyển ánh nhìn sang hướng có những làn khói tím thôn xóm thổi cơm chiều mỏng tan lãng đãng, thì thầm: "Ta đi chuyến này mục đích chính là muốn tìm cho được người được gọi là Thiên Quỳ Tiên Nhân đã hơn một lần cứu Thiên Đăng Bảo Quốc. Nhân tài như vậy nếu không phò tá cô cô thì thật uổng phí". Nghĩ đến đây, chàng thúc cho ngựa đi tiếp, men theo lối mòn giữa rừng thiên quỳ tử vàng mơ.
Văng vẳng từ xa đưa lại một tiếng sáo du dương.
Minh Vũ lần theo tiếng sáo mà đi. Chàng đi đến khi trong tầm mắt nhìn thấy vạt áo bào trắng xen lẫn vạt áo choàng màu da trời chao đưa trong gió của một người đang thổi sáo giữa đồi hoa thiên quỳ rực rỡ sắc vàng mới dừng lại. Minh Vũ ngây ngất nhìn. Thiên quỳ tử bạt ngàn, vàng mơn mởn bao lấy tấm thân nam tử như nét điểm xuyến trong bức họa. Tiếng sáo im dịu, ngọt ngào mà sâu lắng. Tiếng sáo làm tan đi ưu phiền và làm thanh tịnh tâm hồn. Mái tóc của người thổi sáo đu đưa theo gió, một lọn tóc nhỏ bị gió hất tung vướng lại trên hoa quỳ làm chủ nhân của nó càng thêm vài phần ưu mỹ. Minh Vũ nhìn thấy lấp loáng trong nắng chiếc mặt nạ đồng che đi nửa gương mặt kẻ thổi sáo nhưng qua hình dáng cằm và khóe môi màu anh đào bóng ướt của y thanh nhã đặt trên thân sáo thì Minh Vũ đoán chắc y có dung mạo xuất chúng, có thể là dung mạo của một cô nương xinh đẹp. Minh Vũ nghĩ như vậy thì thoạt đầu chàng cứ nghĩ kẻ thổi sáo là nữ nhi, dù rằng tiếng sáo của y chứa đựng khí phách rắn rỏi của đấng mày râu nhưng vóc dáng y cùng mái tóc cột thấp bồng bềnh của y thật khiến người ta liên tưởng đến một cô gái, nếu không nhờ bộ y phục y đang mặc là của nam nhân thì Minh Vũ sẽ khẳng định ngay y là nữ tử.
Minh Vũ đang say sưa thưởng thức tiếng sáo và chìm đắm ánh mắt vào người thổi sáo thì chợt tiếng sáo ngừng bặt. Chỉ thấy người thổi sáo quay nhìn kẻ cưỡi bạch mã một cái thật nhanh rồi tung người lên cao. Bóng người mất hút giữa sắc vàng mênh mông...
"Thái tử đang nghĩ gì mà chăm chú quá vậy?", một tiếng nói thanh tao êm ái bất ngờ vọng lên. Minh Vũ bị cuốn khỏi hồi ức, ngước nhìn lên. Một bàn tay búp măng trắng nõn trắng nà gợi cảm giác mềm mại chậm rãi đặt xuống cái bàn mà Minh Vũ đang tỳ tay một chén chè nóng tỏa khói. Hai đồng tử Minh Vũ lúc này chỉ chứa đầy gương mặt của chủ nhân bàn tay đó. Gương mặt đó là một gương mặt hoàn mỹ không khiếm khuyết. Một đôi mày thanh thoát như lá liễu cong cong uốn lượn bao lấy đôi mắt bồ câu xoe tròn, óng ánh. Chóp mũi nhỏ thanh thanh nằm cân xứng trên đôi môi phớt màu hoa đào tô điểm cho gương mặt tròn phúc hậu và chiếc cằm nhỏ nhắn thon thả. Những đường nét đó vốn chỉ có thể đặt trên người một nữ nhân tuyệt sắc nhưng ở đây lại thuộc về một nam nhân, chính xác là một mỹ nam tử. Người mà Minh Vũ đang nhìn đó chính là vị nhất đại quân sư được sùng bái nhất của Thiên Đăng Bảo Quốc, Cổ Thần Thiên Du.
- Ăn đi cho nóng, chè nấu hạt thiên quỳ tử đó. - Cổ Thần quân sư ngọt ngào mời mọc.
- Đa tạ. - Phúc An thái tử đáp rồi nâng chén lên.
Minh Vũ ưu nhã múc một muỗng chè, thổi qua rồi đưa lên miệng hớp. Vị ngọt thanh của đường phèn hòa cái bùi bùi béo béo của hạt thiên quỳ quyện nơi đầu lưỡi. Minh Vũ vừa ăn vừa lén nhìn vị quân sư đại thần đang chăm chú vào mấy quyển tấu chương, hình ảnh cũ lại hiện về...
Năm đó, lúc người thổi sáo trên đồi hoa bất ngờ phi thân biến mất thì Minh Vũ lập tức đuổi theo. Chàng đuổi mãi, đuổi mãi, người thì chẳng thấy mà chỉ thấy mình càng đi càng lạc. Trời sụp tối. Minh Vũ đã đi qua hết những đồi hoa và lạc giữa rừng sâu hoang vắng. Chàng vừa mệt vừa đói, chàng phải xuống ngựa tìm gốc cây đốt lửa sưởi. Lương thực mang theo đã cạn, đến nước cũng không còn, bụng réo ầm ĩ, cổ họng bỏng rát, Minh Vũ chỉ còn biết tựa lưng vào gốc cây chịu trận. Mi mắt chàng nặng dần.
Ánh nắng ấm áp chiếu vào mặt làm Minh Vũ bừng tỉnh. Chàng bàng hoàng nhận ra mình đang ở một nơi rất lạ. Một căn phòng trong lều tranh trang nhã, sạch sẽ. Trong phòng bài biện rất đơn giản, một bộ bàn trà bằng gỗ với bộ ấm chén bằng đất nung, một cái bàn viết và cái ghế vừa tầm cũng bằng gỗ nhưng lên nước bóng kê cạnh ô cửa sổ, một cái tủ gỗ được đóng rất khéo, cái giường gỗ trải nệm trắng chàng đang nằm và mấy tấm màn sa trắng nhã nhặn. Đặc biệt, trong phòng có nhiều kệ sách và kệ nào cũng đầy ắp sách. Minh Vũ nhìn ra xa hơn, ngoài cửa sổ treo một chiếc chuông gió làm bằng những miếng kim loại hình hoa thiên quỳ kết thành chuỗi treo xung quanh một vòng kim loại, tận cùng mỗi chuỗi có treo một túm lông chim ngũ sắc; những chuỗi hoa kim loại này bị gió thổi va đập vào một mảnh kim loại vẽ bát quái treo ở trung tâm tạo thành tiếng kêu vui tai. Bên ngoài khung cửa sổ nắng vàng mơn man, Minh Vũ thấy ngập trong đáy mắt mình màu vàng mê mị của thiên quỳ tử bao lấy căn nhà tranh. Con bạch mã của chàng đang cúi đầu giữa hoa lá tìm cỏ gặm. Chàng lại nhìn lại chỗ mình đang nằm, tay nải để ở đầu giường, kiếm để bên cạnh, cung tên được treo lên vách ngay sát giường. Minh Vũ thầm kinh ngạc trong lòng. Giữa lúc chàng đang thắc mắc thì màn che được vén lên, một bóng người bước vào. Minh Vũ sửng sốt, chiếc mặt nạ đó, bộ y phục đó, mái tóc đó... chính là người thổi sáo trên đồi hoa. Ra là chính hắn đã cứu chàng. Thế là Minh Vũ ở lại ngôi nhà tranh cùng người đó. Kẻ đó đối với chàng không tệ, hắn biết nấu ăn ngon lại còn ăn ở rất ngăn nắp. Qua trò chuyện, thái tử nhận ra y là người có kiến thức rất uyên bác và sâu sắc lẽ đời. Tuy không chắc chắn nhưng thái tử vẫn khẳng định y chính là người mình đang tìm kiếm, Thiên Quỳ Tiên Nhân.
Minh Vũ và gia chủ ngày một thêm thân và mọi hoạt động trong ngày của y chàng đã nằm lòng. Cũng chỉ là mấy việc quanh đi quẩn lại, sáng sớm y thức dậy nấu điểm tâm sáng rồi cùng thái tử ăn. Ăn điểm tâm xong thì y bắt thái tử rửa chén, đây là cái y gọi là "công đạo", kẻ nấu cơm người rửa bát. Thái tử điện hạ đang ở nhờ nhà người ta thôi thì đành "ngậm đắng nuốt cay" cho qua chuyện. Lúc Minh Vũ rửa bát thì y lại đeo giỏ ra ngoài, cũng chẳng biết y đi đâu, chỉ biết y luôn về đúng giờ chuẩn bị cơm trưa. Cơm trưa xong cũng vẫn là thái tử gia rửa bát và y thì vào phòng ngủ. Minh Vũ rửa bát xong cũng đi ngủ và bao giờ cũng thế, khi chàng thức dậy cũng là lúc gia chủ đang đọc sách trong phòng riêng, đọc đến khi đến giờ làm cơm chiều thì mới dừng. Bữa cơm chiều khỏi cần nói cũng biết là Minh Vũ lại rửa bát. Mỗi buổi tối, gia chủ hay thơ thẩn nơi khoảng sân ngập tràn thiên quỳ tử đón gió ngâm thơ, cao hứng thì cùng Minh Vũ đối câu luận đạo hay so tài kỳ tửu đến khuya mới ngủ. Cuộc sống cứ thế đạm bạc qua ngày. Minh Vũ ngày càng cảm thấy yêu mến y kỳ lạ. Tình cảm của hai người ngày một thân thiết nhưng có một điều y luôn đeo mặt nạ, ngày cũng như đêm, không bao giờ cho Minh Vũ thấy mặt. Cái khát khao được nhìn mặt y ngày đêm âm ỉ cháy trong lòng Minh Vũ.
Đêm khuya thanh vắng, vạn vật chìm vào tĩnh mịch. Thiên quỳ tử cũng đã rũ cánh ngủ say. Minh Vũ ngồi bó gối trên giường, tư lự. Bên ngoài nhà tranh tiếng côn trùng rả rích. Minh Vũ cảm thấy trong lòng có cái gì đó nôn nao khó chịu. Chàng xỏ giày, bước xuống giường, thắp lại ngọn đèn và cầm đèn ra khỏi phòng. Rón rén, nhẹ nhàng, Minh Vũ bước đến phòng của chủ nhà. Chàng tựa vào cánh cửa gỗ lạnh lẽo và thầm nghĩ đằng sau cánh cửa này có một bí mật đang chờ chàng khám phá. Với võ công thiên hạ ít địch thủ của mình, thái tử gia dễ dàng phá cửa phòng trong yên tĩnh. Chàng bước nhẹ, thật nhẹ, tim đập thình thịch. Y đang ngủ trên giường, ngủ rất say. Minh Vũ bước lại, soi đèn vào mặt y. Sửng sốt, ngỡ ngàng. Ánh đèn phản chiếu một gương mặt tuyệt mỹ. Minh Vũ còn tưởng mình nhìn lầm, y đẹp như một cô gái. Bất chợt, kẻ đang ngủ mở bừng mắt. Y bắt gặp Minh Vũ đang trân trân nhìn mình với ngọn đèn cháy sáng.
- Huynh... - Gia chủ tức nghẹn không nói nên lời.
"Phụt", Minh Vũ đột nhiên thổi tắt ngọn đèn. Rồi tiếng ném đèn xuống đất vang lên. Trong bóng đêm có kẻ nhảy phốc lên giường của gia chủ, thì thầm: "Chỗ ta lạnh quá, đêm nay ta ngủ với huynh".
Sau cái đêm gọi là "định mệnh" đó thì đôi bên đã hiểu rõ nhau. Minh Vũ biết rằng người đó chính là Thiên Quỳ Tiên Nhân mà dân gian đồn đại và y họ Cổ Thần, tên là Thiên Du. Hai người đồng sàng cộng chẩm trò chuyện rất ý hợp tâm đầu. Và sau nhiều đêm "chung chăn chung gối" thì Thái Tử đã thuyết phục được y đầu thân cho triều đình.
Vào ngày đó, Thiên Đăng Bảo Quốc vui như mở hội. Phụng Ảnh Đế ra lệnh trải thảm đỏ, rải hoa thơm chào đón nhân tài nhập triều. Cổ Thần Thiên Du đến kinh đô bằng một chiếc bè tre nhỏ, y chỉ mang theo một tay nải, một thanh kiếm bén cùng một cây đàn cổ. Phúc Nam Thái Tử ra tận bờ sông đón y, nắm tay y kéo y lên bờ và cho người dùng kiệu rước đi về cung để cô cô phong chức. Ganh tỵ cũng nhiều, gièm pha cũng nhiều nhưng rồi tất cả triều thần đều phải câm miệng trước tài năng xuất chúng của vị kỳ nhân trẻ tuổi. Sau nhiều lần vượt qua khảo nghiệm và lập công lớn, Cổ Thần Thiên Du đường đường chính chính ngồi lên cái ghế nhất đại quân sư cao quý nhất trong lịch sử quan lại của Thiên Đăng Bảo Quốc. Quân sư nắm trong tay quyền hành quản lý mọi quốc sự, vị trí đứng trên tất cả quần thần và chỉ phải cúi mình trước hai người, một là Phụng Ảnh Đế, một là Phúc Nam Thái Tử. Tuy không nói ra nhưng trong lòng ai cũng rõ, vị quân sư tuổi chỉ vừa bằng thái tử này chính là vị Quốc Quân thứ ba, người có quyền định đoạt mọi chuyện lớn nhỏ của Thiên Đăng Bảo Quốc. Và còn một điều không ai dám nói ra nữa chính là mối quan hệ không bình thường giữa thái tử và quân sư. Hai người quyến luyến lẫn nhau như hình với bóng. Cùng nhau bàn bạc quốc sự, có lúc còn cùng nhau ăn, cùng nhau dạo chơi, săn bắn,... Thái tử cũng thường xuyên bỏ cung chạy đến phủ quân sư mà ngủ qua đêm và cũng hay triệu quân sư vào cung để cùng mình "nghị chính" thâu đêm.
Và hiện tại, Minh Vũ đang ở tại phủ quân sư để cùng nhau xử lý đống tấu chương rối rắm. Thiên Du đã nấu chè hạt thiên quỳ cho chàng ăn.
Minh Vũ ăn một mạch hết chén chè, tấm tắc khen ngon. Thiên Du vẫn không rời mắt khỏi tấu chương, chỉ buông tiếng nói: "ngon thì cứ ăn thêm, dưới bếp còn nhiều lắm". Minh Vũ đứng dậy, bước tới giật lấy bản tấu chương trên tay Thiên Du, cau có:
- Hừm, đọc gì mà đọc mãi thế, nghỉ chút đi.
Thiên Du chỉ nhíu mày một cái, giật lại tấu chương rồi nói:
- Thái tử à, ngài không làm thì cũng đừng phá chứ. Để ta xử lý chính sự nào.
Minh Vũ chặc lưỡi:
- Làm từ sáng giờ không mệt sao? Nghĩ chút đi. Lát nữa ta chia với khanh phân nửa là xong ngay mà.
Thiên Du chăm chú viết viết vào tấu chương, hờ hững nói:
- Thái tử ăn xong rồi thì nghiêm túc làm việc đi, bệ hạ mà nổi giận đánh vào mông ngài thì quân sư ta không cứu được đâu.
Minh Vũ thè lưỡi, nói lẫy:
- Tiểu Du ngươi đáng ghét nhất chính là điểm này đấy.
Rồi chàng lặng lẽ quay về vị trí của mình phê duyệt tấu chương. "Tiểu Du", chính là như vậy. Những lúc thượng triều hay trước mặt người khác thì một tiếng "Cổ Thần quân sư" nhưng những lúc chỉ có hai người thì Minh Vũ lại gọi Thiên Du là "Tiểu Du", chàng tự cho đó là "đặc quyền của thái tử" mà "quân sư chỉ được nghe theo chứ cấm ý kiến". Thiên Du dẫu có phật lòng cũng chẳng thay đổi được gì, chỉ còn biết cười cười cho qua. Và thái tử mặc nhiên gọi vị đại thần vạn dân tín phục của quốc là "Tiểu Du", ngọt ngào, thân mật như thể gọi một người thương mến.
Minh Vũ và Thiên Du đang tập trung xử lý tấu sớ của các quan thì gia nhân trong phủ báo là có công công ở chỗ Nữ Đế trong cung đến. Hai chàng bèn ra tiếp. Sau khi lễ nghi chào hỏi thì công công báo là Nữ Đế triệu kiến quân sư khẩn cấp. Thiên Du đành phải nhanh chóng thay quan phục rồi ngồi kiệu vào cung. Bản thân Minh Vũ tự nhiên có linh cảm chuyến đi này của y có sự bất tường nên khi kiệu quân sư vừa khuất cổng thì thái tử cũng vội vã hồi cung.
Tại Ngự Thư Phòng. Phụng Ảnh Đế trầm lặng gõ nhịp ngón tay lên án thư phủ thảm vàng. Một cô gái thanh tú, trang nhã đứng ngay bên cạnh. Cô gái mình vận quan phục màu đỏ, gương mặt thon thả ưa nhìn với đôi mày mỏng nhạt, đôi mắt nhung huyền đoan chính và bờ môi mỏng nhưng rất đỏ. Nàng chính là đương triều thừa tướng. Vì Phụng Ảnh là nữ tử xưng đế nên nàng cũng cho phép nữ tử làm quan, miễn có thực tài, tất sẽ trọng dụng. Đương triều thừa tướng tên là Hoàng Sảnh Vân, là con gái độc nhất của lão thừa tướng vừa qua đời không lâu. Từ nhỏ nàng được cha dạy dỗ chu đáo nên đủ tài kinh bang tế thế. Cha nàng là lão thừa tướng từ thời Tiên Đế, sau gặp quốc biến mà lưu lạc nhân gian, đến khi Phụng Ảnh lên ngôi đã cho người tìm ông về phò tá. Hoàng lão thừa tướng tận trung tận tụy phò tá tân đế đến lúc tuổi già qua đời được Phụng Ảnh ban lệnh làm quốc tang, truy phong công thần. Và con gái ông, vốn là quan Gián Nghị được cất nhắc lên thay thế cha, nắm quyền tướng quốc. Hoàng Sảnh Vân không làm hổ mặt họ Hoàng, nàng trị chính đâu ra đó khiến cho triều thần tín phục. Từ hoàng thất đến quan lại đều biết tỏ tường rằng nàng có tình ý với Thái Tử. Trai tài gái sắc, nữ thừa tướng tài mạo song toàn như nàng nếu trở thành thái tử phi rồi sau này thành mẫu nghi thiên hạ thì đúng là chuyện tốt đáng mừng cho quốc, cả Nữ Đế cũng có vẻ rất thuận lòng. Nhưng "Băng Sơn Thái Tử" vẫn hờ hững như không. Ngoại trừ dính líu quốc sự ra thì hầu như Minh Vũ luôn hạn chế gặp mặt Sảnh Vân, điều này làm Sảnh Vân buồn bực không ít.
Thiên Du tay cầm chiết phiến, mình vận quan phục trắng bằng tơ tằm thêu chỉ vàng, đầu đội mũ đính ngọc trang nhã bước vào Ngự Thư Phòng.
- Vi thần Cổ Thần Thiên Du khấu kiến bệ hạ. Vạn tuế vạn tuế, vạn vạn tuế. - Quân sư theo đúng quy tắc quỳ gối hành lễ.
Nếu là thường ngày thì Phụng Ảnh Đế sẽ mỉm cười và nói "ái khanh bình thân" nhưng hôm nay thì không. Lạnh lùng, nữ đế ném xuống trước mặt vị quân sư đang quỳ một bản tấu chương, gắt gao nói:
- Quân sư hãy xem đây là cái gì!
Thiên Du vẫn một mực điềm tĩnh nhặt lấy tấu chương mở ra xem. Chỉ thấy chàng xem xong thì nhẹ nhàng xếp tấu chương lại mà sắc mặt không hề biến chuyển. Phụng Ảnh Đế nhấp một ngụm trà, giọng lành lạnh bảo:
- Giải thích đi.
Thiên Du nói rất nhẹ:
- Vi thần không có gì giải thích. Là do vi thần bất cẩn, hành sự thiếu chu đáo dẫn đến hậu quả. Cam tâm chịu tội. - Cúi đầu làm lễ.
Khóe khôi đỏ thắm của vị nữ đế uy nghi nhếch lên, giọng nói lộ rõ sự kiềm chế cơn nóng giận:
- Hay cho câu không có gì giải thích! Thiên Du ơi Thiên Du, ngươi là quân sư của trẫm, là đầu triều nhất đại danh thần mà trẫm hết lòng tin tưởng, thần dân hết lòng tôn kính mà lại có thể phạm sai lầm như vậy hay sao?
Thiên Du vẫn bình bình đạm đạm:
- Bệ hạ, Thiên Du không phải thánh thần mà chỉ là người bình thường như bao người. Đã là người thì phải có lúc sai lầm. Lúc đó thần nhất thời tâm trạng bất ổn, thiếu tập trung vào công việc dẫn đến phán đoán sai...
Phụng Ảnh Đế nói như gắt:
- Giỏi! Ngươi cũng giỏi lắm! Một câu tâm trạng bất ổn là xong sao? - Ngón tay nhịp lên mặt bàn - Cũng may Hoàng Thừa Tướng đã xử lý ổn thỏa, không gây hậu quả lớn, nếu không thì ta quyết lấy đầu ngươi xuống. - Nâng ly trà - Ngươi thân là quân sư chấp chính mà lại sơ suất như vậy thật đáng nghiêm phạt. Ngươi nói ngươi tâm trạng bất ổn, thiếu tập trung vậy hôm nay ta sẽ giúp ngươi bình ổn, tập trung. - Truyền gọi - Người đâu?!
Hai thị vệ tức thì bước vào chờ lệnh. Phụng Ảnh không chút tình cảm, phán:
- Đem quân sư ra ngoài đánh 100 trượng thật mạnh cho ta!
Hai thị vệ tần ngần do dự. Phụng Ảnh nhướng mày hỏi họ:
- Hai ngươi muốn phản sao?
Một thị vệ cúi đầu tâu:
- Bẩm bệ hạ, chúng nô tài làm sao có thể đánh quân sư đại nhân được?
- Ta bảo đánh thì cứ đánh! - Phụng Ảnh Đế nghiêm nghị - dù có là quân sư đại nhân thì cũng là thần tử của Thiên Đăng Bảo Quốc, làm sai phải phạt! Kẻ nào dám chống lệnh xử trảm không tha!
Hai thị vệ đâm hoảng liền vâng dạ tuân lệnh. Tuy nhiên, họ không dám sổ sàng mà chỉ dám đến gần Thiên Du, nhã nhặn nói: "Quân sư, mời". Thiên Du cũng không làm khó họ, lẳng lặng khấu bái cho trọn lễ rồi theo thị vệ ra ngoài.
Giữa sân rồng rộng lớn, thị vệ cầm sẵn trượng hình trong tay nhưng tần ngần chưa dám hành sự. Thiên Du điềm đạm nói:
- Bệ hạ bảo đánh thì cứ đánh, cứ làm tròn nhiệm vụ. Là ta đáng phạt.
Nói rồi, chàng tự tháo mão quan, cởi quan phục đưa kèm theo chiết phiến trên tay cho thị vệ giữ giúp, tự động nằm sấp xuống sân. Thị vệ trong cung đối với quân sư một lòng kính trọng vì quân sư không chỉ tài ba xuất chúng mà cư xử với mọi người cũng rất ôn hòa giữ lễ, không vì quan cao tước lớn mà kênh kiệu, với những nô tài thân phận nhỏ bé như họ vẫn hết lòng chiếu cố. Nay bảo họ phải ra tay đánh người họ tôn kính thì thật làm khó cho họ. Hơi gạch lạnh buốt thấm vào ngực, Thiên Du thúc giục:
- Đánh nhanh đi, bệ hạ nổi giận là tất đều tiêu. - Pha chút đùa cợt - Võ công của ta chẳng kém thái tử, sẽ không bị đánh chết đâu.
Một thị vị nói khẽ: "Xin quân sư thứ lỗi" rồi giơ gậy giáng xuống. Từng tiếng bôm bốp đều đều vang lên. Thiên Du xiết chặt nắm tay, mím chặt môi chịu đựng. Trượng đánh quả thật rất lực, thị vệ trong cung người nào cũng võ công cao cường nên dù Thiên Du có vận nội công, trân người chịu đòn thì cũng bị đau đến tim gan mật phổi đều run rẩy. "Bốp... bốp... bốp... bốp... bốp..." không nhanh không chậm, đều đều một nhịp như tra tấn thần kinh người khác. Tay vẫn nắm chặt, môi vẫn mím chặt nhưng mồ hôi trên trán Thiên Du bắt đầu tuôn dòng, sắc mặt chàng đã dần thay đổi.
"Dừng tay lại!", một âm thanh uy mãnh cất lên. Tiếng bôm bốp của trượng hình im hẳn. Tất cả thị vệ đều quay nhìn về hướng phát ra tiếng nói và họ đồng loạt quỳ xuống. "Điện hạ thiên tuế", tiếng tung hô đồng loạt rền vang. Minh Vũ bước nhanh tới trước, bộ lễ phục thái tử phất phới vạt áo và chiếc mũ hoàng kim trên đầu cũng sáng lấp lánh. Minh Vũ thấy rõ ràng cảnh tượng trước mắt, chàng nghiêm sắc mặt trách:
- Các ngươi cũng thật to gan, cả quân sư cũng dám đánh.
Một thị vệ đầu cúi sát đất, run rẩy nói:
- Hồi thái tử, thái tử bớt giận. Chúng thần chỉ là phụng mệnh hành sự.
- Phụng mệnh của ai?! - Minh Vũ lộ ra ba phần nộ khí.
"Là của ta đó", giọng nói nữ nhân lạnh lùng cất lên. Minh Vũ hướng mắt nhìn. Cô cô của chàng đã ra đây từ lúc nào không ai biết và đang khó chịu nhìn chàng. Tiếng tung hô lại vang lên: "Bệ hạ vạn tuế". Minh Vũ đành theo quy tắc, khom người hành lễ. Phụng Ảnh Đế phất tay áo, bảo:
- Tất cả bình thân.
Thị vệ đồng loạt đứng dậy. Không để cho Minh Vũ kịp lên tiếng, Nữ Đế hỏi ngay đám thị vệ:
- Các ngươi đã đánh đủ chưa hả?
Một thị vệ bẩm:
- Muôn tâu, vẫn chưa đủ.
- Đã đánh bao nhiêu rồi?
- Bẩm, ba mươi.
Nghe đến đây, nữ đế lạnh nhạt bảo:
- Tiếp tục đánh, đánh cho đủ, một trượng cũng không được thiếu.
Thị vệ ái náy đưa mắt nhìn vị thái tử điện hạ đang đứng. Phụng Ảnh Đế hiểu ý, hắng giọng hỏi Minh Vũ:
- Thái tử đến đây làm gì?
Minh Vũ nhìn sắc mặt của cô cô biết là không phải trò đùa nên chàng bước về trước mấy bước rồi hạ một gối quỳ xuống đất. Thị vệ thấy thái tử quỳ thì cũng không dám đứng. Phụng Ảnh vẫn giữ vẻ uy nghi bình tĩnh như không. Minh Vũ cung kính nói:
- Bệ hạ, thần điệt cầu xin người đại lượng ban ơn. Quân sư dù sao cũng là trọng thần của triều đình, công lao như núi, dẫu có phạm sai lầm lớn thế nào cũng không thể phạt như vậy được.
Phụng Ảnh Đế cười nhàn nhạt, lạnh giọng nói:
- Thái tử, công thưởng tội phạt, đạo lý này lẽ nào thái tử còn không hiểu? Chính vì quân sư là trọng thần nên càng phải nghiêm khắc. Bất kỳ ai sai lầm ta đều có thể tha thứ nhưng quân sư thì ta không thể tha vì quân sư không được phép sai lầm.
- Bệ hạ... - Minh Vũ liền nói ngay - như vậy không công bằng.
- Có gì mà không công bằng? - Phụng Ảnh Đế chậm rãi bước xuống sân - Cổ Thần quân sư nắm trong tay vận mệnh quốc gia, ta tin tưởng giao cho khanh ấy thay ta duyệt tấu chương của các quan thì nên biết bất kỳ quyết định nào của khanh ấy cũng ảnh hưởng đến quốc. Vì vậy, ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng quân sư thì không thể! Nếu y sai lầm thì phải phạt nặng. Ta đã dành cho quân sư quá nhiều đãi ngộ, ta không tiếc vì tài năng của y xứng được đối đãi như vậy nhưng nếu làm sai mà ta cũng xem như không biết thì mới là không công bằng với triều thần. Nếu ta cho qua chuyện này thì thái tử bảo ta làm sao phục chúng đây?
Minh Vũ biết là tình hình không thể cứu vãn được nữa nên đành xuống nước, chàng dập đầu trước cô cô, nài nỉ:
- Bệ hạ, đạo lý này thần điệt cũng hiểu. Nhưng cầu xin người, dẫu lần này quân sư phạm sai lầm lớn nhưng công lao của ngài ấy lâu nay cũng đủ bù đắp. Người xem như nể mặt thần điệt mà đại xá khai ân, cầu xin người.
Phụng Ảnh lắc đầu, dứt khoát:
- Chuyện này ta không thể chiều ý con được. - Ra lệnh cho thị vệ - Giữ thái tử lại, tiếp tục chấp hình!
Thị vệ vâng lệnh. Hai tên bước tới kéo Minh Vũ ra và hai tên cầm trượng tiếp tục đánh. Minh Vũ nhìn trượng hình đánh lên người Thiên Du mà tâm can như tan nát. Không nhịn được, chàng hất mạnh tay đẩy hai tên thị vệ ra. Thái tử võ công lợi hại nên đám thị vệ vốn không phải đối thủ bị hất ngã lăn quay. Minh Vũ lao tới nhưng chưa kịp đến chỗ Thiên Du thì bị Phụng Ảnh Đế phi thân đến chặn lại. Phụng Ảnh Đế cản trước mặt Minh Vũ, nghiêm khắc bảo:
- Con có giỏi thì đánh ngã ta đi!
- Con... - Minh Vũ bối rối thối lui mấy bước.
Phía sau lưng nữ đế, từng trượng từng trượng vẫn đều đều đánh xuống người quân sư. Sắc mặt Thiên Du đã tái đi, môi chàng cũng bị chính răng chàng cắn đến bật máu. Minh Vũ tinh thần hoảng loạn, vội vàng nói:
- Cô cô, chuyện đó vốn không phải lỗi của quân sư mà là...
Minh Vũ chỉ kịp nói tới đó thì đã bị ngắt lời. Thiên Du cố sức quát lên:
- Thái tử! Ngài nói linh tinh gì đấy? Đánh cũng đã đánh rồi, nếu ngài nói bậy khác nào khiến ta chịu đòn oan uổng! Nếu ngài dám nói thì đừng nhìn mặt ta nữa!
- Quân sư... - Minh Vũ bần thần không nói nên lời.
"Bốp... bốp... bốp... bốp... bốp...", trượng vẫn đánh xuống. Gương mặt quanh năm lạnh giá của thái tử bây giờ nôn nóng và lo lắng đến cực độ. Phụng Ảnh Đế liếc nhanh qua tình hình của kẻ chịu phạt, cũng không khỏi xót lòng, thầm ca thán: "Thiên Du, ngươi tưởng ta không biết gì sao? Ngươi đúng là quá ngoan cố, dám bao che cho Vũ Nhi bất kể bản thân phải chịu tội. Ta biết ngươi bị oan nhưng...". Nàng nén tiếng thở dài. "Bốp... bốp... bốp...", tiếng trượng hình ngày càng chói tay. Nữ đế bất ngờ ra lệnh:
- Dừng tay!
Trượng hình dừng lại trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. Phụng Ảnh Đế nhìn quân sư, lời nói không nặng không nhẹ:
- Niệm tình ngươi lâu nay tận tâm với quốc, công lao không nhỏ nên hôm nay ta khoan dung một lần xem như cảnh cáo. Số còn lại ta để đó, nếu quân sư còn khiến ta thất vọng thêm một lần nào nữa thì tội mới tội cũ ta tính luôn một lần.
Nàng nói rồi thì quay lưng bước vào Ngự Thư Phòng chẳng kịp nghe lời nói "tạ bệ hạ khai ân". Ngay khi cô cô vừa quay đi thì Minh Vũ liền lao tới ôm lấy Thiên Du và đỡ chàng dậy. Những con mắt tròn xoe của thị vệ ngơ ngác trước cảnh tượng đó. Minh Vũ dường như quên mất thân phận của chàng và Thiên Du là quân thần, chỉ thấy lòng đau xót khi thấy y phải vì mình mà chịu khổ. "Ta đưa ngươi về phủ", Minh Vũ nói khẽ vào tai Thiên Du và dìu y bước đi giữa sân rồng đầy nắng.
------
Chú thích:
(*) Thiên Quỳ Tử: hoa hướng dương.

THIÊN QUỲ TỬOnde histórias criam vida. Descubra agora