"Khác biệt là tách biệt"?

159 14 0
                                    

Trích đơn đăng ký tuyển thành viên ban Media của Bòn Bon, vị trí designer. Câu hỏi: Bạn nghĩ thế nào về câu nói "Khác biệt là tách biệt"?

Trả lời: Cái giá của một món quà.

/

Một cuốn sách mình đọc từng có một câu làm mình nhớ mãi: "Đi trước người khác nửa bước là thiên tài, đi trước người khác một bước là kẻ điên." Hay trong cuốn "Những nguyên tắc của quyền lực", Robert Greene đã lập hẳn một mục thế này: "Hãy suy nghĩ khác biệt, nhưng hành động theo đám đông". Mình kể cho Bòn Bon nghe một câu chuyện nhé.

Có một cô bé lớn lên trong gia cảnh thường thường, nhưng ba mẹ rất thương em nên cho em được hưởng nền giáo dục hàng top từ nhỏ. Mà vì thế, nên em được những người thầy tâm huyết giúp em tạo hình cái gọi là ước mơ. Chắc Bòn Bon cũng đoán được rằng sau khi đọc xong những dòng ấy cô bé đã rất sốc, vì em chỉ có vài người bạn thân nhưng đó giờ em chẳng để bụng chuyện ấy lắm. Sau đó cô bé mất hẳn một khoảng thời gian để suy nghĩ về việc liệu, liệu em có nên khác biệt và tiếp tục chịu kỳ thị hay cô lập hơn và hơn nữa khi trưởng thành, em có nên theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình, em có nên theo đuổi ước mơ đi khắp thế giới suốt cuộc đời hay không. Hay cô bé nên hành xử như tất cả những người khác: Học đại học 4 năm, làm việc vài năm, lấy chồng ở tuổi 26, rồi sau đó dành cả quãng đời còn lại của mình chạy theo một chiếc ghế vớ vẩn nào đó. Một cuộc đời chẳng có gì ngoài tiền, như mọi người thường đùa lúc còn đi học. Người ta lấy cuộc đời ấy thành mục tiêu phấn đấu, thành "life goal", nhưng chẳng ai quan tâm vế "chẳng có gì" hơn - trừ tiền ra thì chẳng có gì khác. Những điều ấy là trăn trở của cô bé suốt năm cuối cấp.

Nhưng sau đó có một chuyện đã xảy ra. 

Cô bạn thân của cô bé yêu nhiếp ảnh, và cô hay nhờ cô bé làm người mẫu ảnh cho mình vì vốn cô không có nhiều mối quan hệ xã hội. Trong một lần đi mua sắm để thực hiện concept tiếp theo của cô, hai đứa xảy ra mâu thuẫn trong việc chọn color scheme. Tới đỉnh điểm, cô bạn đã lớn tiếng với cô bé rằng: "Tôi không muốn thất bại nữa, vì đã có quá nhiều người nói rằng tôi sẽ không thành công rồi!" Lúc ấy, cô bé lặng người đi. Đó chính xác là tâm tình của cô bé. Đến sau này khi cô bạn đã được nhận vào một trường nghệ thuật ở Canada, cô mới kể chuyện của cô ấy cho em nghe: cô đã mắc phải chứng trầm cảm ra sao, phải vật lộn với nó suốt mấy tháng, từng tự tử nhưng không thành công... và nhiếp ảnh đã vực cô ấy dậy như thế nào. Lúc đó cô bé mới chợt bừng tỉnh khỏi đống suy tư, như kiểu bị Mohammed Ali đấm vào mặt một cú. Đó có khi nào là tương lai của em không? Chỉ khác là em sẽ chết luôn, chết hẳn, chết vì cuộc đời vô nghĩa bằng một cách vô nghĩa không kém, và lúc ấy sẽ chẳng có cọ vẽ níu em lại đâu, vì em đã từ bỏ nó vì nỗi sợ bị cô lập nào đấy lúc mười tám hai mươi.

Và cái kết của câu chuyện là đây, cô bé ấy đang ngồi viết những dòng này, thôi suy nghĩ quá nhiều cái "lỡ như" để chạy theo đam mê của mình. Vậy đấy, mình nghĩ, tất cả phải có cái giá của nó, có lẽ tách biệt chính là cái giá của khác biệt. Bòn Bon biết vì sao không? Vì khác biệt là một món quà không phải ai cũng có, một món quà có thể thay đổi thế giới, thế nên người ta mới không thấu hiểu được rồi cô lập sự "dị" ấy nhằm che giấu nỗi bất an của mình. Nhưng không sao cả, mình chấp nhận cái giá của món quà ấy. Vì khi mình ở gần cái chết như thế, mình mới biết chẳng vì cái quái gì mà mình phải từ bỏ cái cốt lõi tạo nên mình cả. Chết là hết, thôi thì mình sống sao cho đừng uổng phí vậy.

HCM, Sep 27th, 2017


LumosWhere stories live. Discover now