Cuộc đời nữ sỹ Hồ Xuân Hương1. Giới thiệuVăn học sử Việt Nam ta có ghi ba nữ sĩ nổi danh: Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan (tương truyền tên là Nguyễn Thị Hính) và Hồ Xuân Hương. Trong đó Xuân Hương không trội tiếng nhất thì cũng là vị tài nữ dị thường hơn cả. Dị thường đến độ tác phẩm được cái vinh dự ít có, là bị khai trừ trong hầu hết các sách giáo khoa! Vì thi văn của nàng, nếu cho là phóng đãng, thì phẩm-từ này chỉ là lối nói xuôi đỡ đòn mà thôi... Hơn nữa, thời đại nàng sống đâu đã đến đồi phong bại tục quá cỡ, khiến sui - hay giải thích - sự táo bạo của văn nghệ sĩ!
Tuy không tìm ra được bằng chứng xác thực về năm sinh của nữ sĩ, song cũng có một vài mốc giúp ta suy luận được: Xuân Hương sống cùng thời với những người tiếng tăm, như Phạm Đình Hổ, tác giả nhiều sách giá trị và như Nguyễn Huệ - bậc anh hùng đại thắng quân Tàu năm 1788. Nguyễn Huệ sinh năm 1752. Phạm Đình Hổ năm 1768.
Nguyễn Huệ nguyên họ Hồ tên tục là Thơm, con của Hồ Phi Phúc, cùng quê ở Nghệ An với Hồ Phi Diễn, thân phụ Hồ Xuân Hương, Cùng quê, cùng họ, nếu suy ra là thân thích với nhau, e mang tiếng cho nhà giàu vay thêm! Xem năm sinh của Phạm Đình Hổ và của Hồ Thơm, chúng ta có thể đoán già là Xuân Hương đã chào đời trong khoảng 1770 - 1775.
Mấy khoa hương thi không đậu cả, Hồ Phi Diễn đương là nho sinh, xoay làm thầy đồ dạy trẻ mà cũng thấy khó sống trong đất Nghệ đồng cháy cỏ khô, nên phải lang thang ra Bắc, để vợ ở quê coi mồ mã gia tiên. Bảo bọc ít lâu ở tỉnh Hải dương, bấy giờ đã ngoài bốn mươi, ông gá nghĩa với một bà họ Hà cũng chừng ba chục. Bà này chuộng cai phong độ nhà nho, lại thấy vẻ người hiền lành nhã nhặn, nên chịu làm vợ lẽ miễn là được sống riêng với chồng.
Ở tỉnh nhỏ nghe cũng khó mưu sinh ông đồ đem vợ mới về Thăng Long để kiếm chỗ dạy đông trẻ hơn. Ông tìm được ngôi nhà rộng rãi ở phường Khán Sơn ven Hồ Tây (vùng vườn Bách Thú ngày nay, nơi này hiện còn đài Khán Xuân). Người lối xóm ai cũng mến ông là người có tác phong đạo đức, lại nghe giọng nói trọ trẹ nên thường gọi là ông đồ Nghệ chứ không nêu tên. Chính ở khu ngoại thành "cỏ cây chen đá lá chen hoa" này, Xuân Hương đã chào đời vào một ngày mùa xuân. Hai chữ tên là cha đặt cho, lấy nghĩa hương mùa xuân và cũng là hương trên đài Khán xuân.
Ông đồ Nghệ sáu năm sau đó bỗng từ trần vì một cơn bạo bệnh, để lại vợ con trong hoàn cảnh nghèo nàn. Nhưng bà đồ là người đảm đang, tuy vất vã về mưu sinh nhưng không ngần ngại cho con gái theo đòí bút nghiên để giữ cốt cách con nhà: giấy rách còn lề không như thói thường, sợ con gái học chữ dễ hư thân. Nhờ vậy mà Xuân Hương được góp mặt trong làng văn tự, đem thiên tài tô điểm cho ngôn ngữ nước ta thêm phần bóng bảy tinh vi, cho tư tưởng dân ta đỡ phần giáo điều cứng ngắc.
2. Hoa tài chớm nởMột thiếu nữ được nhiều nho sĩ đương thời cảm mến, ắt là có tài lỗi lạc đã đành, nhưng ai cũng nghĩ, và cũng muốn, cô có dung nhan cá lặn nhạn sa nữa, cho lương toàn hương sắc. Hay đâu tạo hóa thường ghét chư toàn nên ai được chỗ này lại hỏng chỗ kia!
Theo tục truyền thì Xuân Hương có nước da ngăm ngăm, má điểm đây đó vài nụ rỗ hoa. Tính nàng ngay thẳng, gặp ai ăn ý thì nói năng duyên dáng mặn mà, nhưng lại không thể không diễu cợt đôi khi sỗ sàng đối với những anh hay chữ lỏng mà vênh vang tự đắc.
Thiên tư dĩnh ngộ, học một hiểu mười, nên được thầy yêu bạn nể, nàng lại rộng xem những sách sử ông đồ Nghệ để lại nên mới 13, 14 tuổi đầu mà vốn học uẩn súc ít ai bì kịp. Điều làm cho người ta kính dị là nàng xuất khẩu thành chương, khó có người dám cùng nàng xướng họa.
Một buổi trưa nóng bức nàng ngồi chơi ở hàng hiên trường học, ngọn gió hiu hiu làm cho thiêm thiếp ngủ quên, khăn áo có hơi xốc xếch. Ba bốn cậu học sinh xúm lại, chỉ trỏ cười đùa làm nàng chợt tỉnh. Thế là không chút thẹn thò, cũng không hờn dỗi, nàng
đọc ngay tám câu chỉnh chện luật Đường: