Chương 22: GIÚP BẠN HỒI SINH

46 0 0
                                    

I

Sáng ngày 1 tháng 1 năm 1979, được lệnh Bộ Quốc phòng, từ Hà Nội tôi đáp máy bay về Thành phố Hồ Chí Minh và ngày hôm sau đã có mặt tại Sở chỉ huy Quân khu ở Tịnh Biên (An Giang).

Từ Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc đến Tịnh Biên, bộ đội, dân công đi lại nhộn nhịp. Từng đoàn xe đò đông hàng trăm chiếc chở quân và lương thực nối đuôi nhau đậu nép ven đường. Cờ đỏ sao vàng và cờ cách mạng Cam-pu-chia nền xanh, chính giữa là chùa Ăng-co với năm ngọn tháp vàng, cắm dày trên các đoàn xe. Không khí tưng bừng, náo nức như một cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ba năm trước đây. Thấy xe con của chúng tôi lách qua, tiếng cười, tiếng chào mừng vang lên: "Việt Nam - Cam-pu-chia xa-ma-ki, xa-ma-ki" (đoàn kết, đoàn kết). Thì ra lực lượng cách mạng Cam-pu-chia sang nước ta để dẫn đường cho đoàn quân cứu nguy dân tộc mình đã có mặt kề vai sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam. Tôi hân hoan, thân ái, tươi cười vẫy tay chào đáp lại.

Tại Tịnh Biên, lúc này anh Nguyễn Chánh làm Tư lệnh Quân khu thay anh Lê Đức Anh đã về Bộ, anh Ba Thắng - Chính ủy, cùng anh Trần Văn Nghiêm - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu quây quần xung quanh tấm bản đồ trải rộng trên bàn đang chăm chú nghiên cứu. Tôi bước vào dập chân chào báo cáo. Các anh nhìn thấy đều à lên mừng rỡ chạy thay nhau ôm chầm lấy tôi rồi thân ái kéo vào cùng nghiên cứu. Đối với tôi, các anh vừa là thủ trưởng, vừa là bạn bè thân thiết qua những năm dài chiến đấu. Anh Nguyễn Chánh phổ biến qua tình hình và nhiệm vụ Quân khu được cấp trên giao. Anh nói: "Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đã ra đời, Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia cũng đã thành lập và có đài phát thanh, lưc lượng vũ trang Cam-pu-chia đã hình thành, kêu gọi Viêt Nam và thế giới giúp đỡ lật đổ chế độ Pôn-pốt độc tài, khát máu, cứu dân tộc Cam-pu-chia thoát họa diệt chủng. Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đáp lại yêu cầu khẩn thiết của bạn, theo tinh thần quốc tế, Quân khu 9 được trên tăng cường Quân đoàn 2 mở cuộc phản công dọc biên giới khôi phục lại vùng đất đã bị Pôn-pốt lấn chiếm và sau đó ta giúp bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt. Trên tuyến biên giới, Pôn-pốt bố trí Sư đoàn 310, Sư đoàn 405, sư đoàn mạnh nhất làm lực lượng phòng thủ chủ yếu cùng với hàng chục trung đoàn biên phòng và hệ thống công xã với hàng vạn dân làm lá chắn. Nay đồng chí về, Quân khu giao chỉ huy đoàn 4. Trong đợt phản công này Sư đoàn 4 có nhiệm vụ quan trọng mở toang đoạn Lạc Quới - Ba Chúc, đưa quân sư đoàn lên ém quân tại đỉnh núi Xom, đến giờ "G" sáng ngày 3 tháng 1 năm 1979 từ trên núi đánh xuống phối hợp với đoàn 330 và 339 đánh chiếm Tà Lập, lộ 2. Ngay sau đó Sư đoàn 4 sẵn sàng đánh chiếm thị xã Tà Keo, thu hút địch, bảo đảm đội hình của Quân khu thọc sâu vào Phnôm Pênh theo lộ 3. Đồng chí nhanh chóng khắc phục khó khăn về chỉ huy sư đoàn, củng cố lòng tin cho anh em, thực hiện tốt nhiệm vụ trên".

Tôi vui mừng như mở cờ trong bụng. Bởi bấy lâu nay chúng tôi nhẫn nhục, chờ đợi ngày sư đoàn sát cánh cùng các đơn vị bạn trừng trị lực lượng Pôn-pốt phản trắc. Đây là dịp mà chúng tôi lãnh sứ mạng giúp đồng bào dọc biên giới Tây - Nam được hưởng không khí hòa bình, tự do và dịp giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia anh em thoát khỏi họa diệt chủng đáng nguyền rủa. Tuy mới về nhưng tôi xin hứa sẽ cùng các đồng chí chỉ huy sư đoàn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Đồng hồ lúc này chỉ 17 giờ. Thì giờ là vàng ngọc, tình hình khẩn trương, tôi xin phép Bộ Tư lệnh Quân khu trở về đơn vị. Trời sẩm tối. Đến sư đoàn tôi gặp anh Nguyễn Thanh Tùng - Chính ủy sau gần một năm xa cách, tôi báo cáo vừa về đã gặp Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ. Anh Mười Tùng báo cáo qua tình hình đơn vị và đội hình sư đoàn đang triển khai. Anh Bảy Thành, quyền Sư trưởng theo sư đoàn đang ra phía trước; nắm qua tình hình, tôi mới liên lạc giữa phía trước với phía sau rồi triệu tập cán bộ ngay trong đêm hôm ấy giao nhiệm vụ cho từng phân đội, tồ chức chiến đấu. Cùng lúc ấy công binh đang bắc cầu qua sông.

Hồi ký trung tướng Nguyễn Đệ: Niềm tin và Lẽ sốngWhere stories live. Discover now