Chương 33: Ông trời không muốn tôi sống quá bình an

132 31 2
                                    

Hiện tại, tôi đang không ở nhà. Nói đúng hơn là giờ này, hầu như ai rảnh rỗi thì đều không có ở nhà cả.

Hôm nay là ngày hội làng Ngọc Thổ. Ngày hội này, cũng như bao ngày hội làng khác là dịp để vinh danh thành hoàng - ông tổ nghề của làng. Ông tổ nghề gốm ở đây là ai thì thú thực tôi chẳng quan tâm lắm. Tôi chỉ thấy việc tham gia một lễ hội truyền thống, ở một thế giới có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam thời phong kiến là một việc hết sức thú vị thôi.

Từ sáng sớm, tôi cùng Ôn Nguyệt đã phải khoác lên mình mấy bộ váy thướt tha để cố cosplay cho giống gái phố thị, điều này sẽ giúp chúng tôi dễ hòa nhập vào đám đông đi chơi hội. Rồi như một cách để tỏ ra đài các hơn, tôi và Ôn Nguyệt đều trát lên người không ít phấn son, rồi còn cầm quạt giấy để che mặt nữa chứ. Đến tự tôi nhìn bản thân trong gương còn thấy nực cười. Cô gái xinh đẹp và cao quý này là ai đây?

Lễ hội làng Ngọc Thổ có hai phần chính là phần "lễ" và phần "hội". Ở phần lễ, bài vị của thành hoàng làng - cũng là ông tổ nghề gốm vùng này được tắm sạch và rước từ miếu Ngọc Thổ về đình Ngọc Thổ. Mang tâm trạng hớn hở và háo hức, tôi cùng Ôn Nguyệt chen chúc trong đoàn rước bài vị dài gần trăm mét, thực sự hòa mình vào nhịp thở của thời đại này. Vì ở đây có quá nhiều người nên không khí có đôi phần ngột ngạt, hơi giống tắc đường thời hiện đại. Bất giác, tôi cảm thấy may mắn vì thể chất của mình giờ đã khá hơn trước rất nhiều; chẳng bị khó thở vì bầu không khí bức bối, cũng không quá mệt mỏi khi đi bộ đường dài.

Tôi phải nắm chắc tay Ôn Nguyệt để cô nàng kéo đi, bởi mắt tôi còn đang bận phóng ra xa, nơi cờ phướn và kiệu rước đỏ rực một góc trời. Xung quanh tôi là những gã trai làng vạm vỡ, các cô gái xúng xính váy dài... Phía trước đoàn rước là đội nam thanh nữ tú bê lễ trong trang phục đỏ tươi. Họ dâng lên thành hoàng hẳn ba con heo quay, cùng với đó là hơn chục mâm xôi, cau trầu, bánh trái, hoa quả đủ cả. Tiếng trống hội rộn ràng tươi vui. Khung cảnh vô cùng náo nhiệt, náo nhiệt đến mức làm tôi vô thức nhớ đến cảnh dân Hà Nội đi bão bóng đá mỗi dịp đội nhà dành thắng lợi.

Sau đó là màn rước nước sông Đằng vô cùng cồng kềnh. Họ chèo thuyền hoa ra giữa dòng, rồi thả một chiếc sào dài có gắn vòng tre rộng bốn mươi phân xuống mặt nước. Nước được múc qua vòng tre đó để ngăn không cho bụi bẩn cuốn vào, sau đó đổ vào mười chiếc bình gốm, đặt trên năm thuyền hoa và rước về đình Ngọc Thổ.

Sau phần lễ náo nhiệt nhưng vẫn có nét trang nghiêm là phần "hội" còn náo nhiệt và, ừ... nhốn nháo hơn gấp vài lần. Có khá nhiều trò vui được tổ chức, nào là trưng bày đồ gốm, nào là múa cờ, nào là đánh trống... Mấy trò này đều vui và lạ với tôi, thế nhưng người ta cũng như tôi - đều muốn tìm một chỗ đứng tốt để dễ dàng quan sát cuộc vui. Với thân hình khá cao nhưng quá gầy gò và mỏng manh, tôi nhanh chóng bị đẩy dạt ra ngoài. Không xem được trò múa cờ, tôi đành cất bước chân ngọc ngà qua khu vực trưng bày đồ gốm, nơi này có vẻ vắng người hơn khá nhiều.

Với tôi, đồ gốm làng Ngọc Thổ có nhiều nét đặc trưng khá dễ nhận biết, hoặc ít nhất là dễ nhận biết nếu so sánh với dòng gốm Bát Tràng hay Chu Đậu mà tôi biết ở thời hiện đại. Gốm Ngọc Thổ không có men phủ mà chỉ dùng men mộc tự nhiên chảy ra từ đất trong quá trình nung ở nhiệt độ cao. Vì thế mà "nước da" gốm đều là màu nâu hoặc cánh gián chứ không sặc sỡ và tinh xảo như gốm Bát Tràng. Với một đứa đam mê những thứ nhỏ xinh, tinh tế như tôi thì loại gốm có phần hơi thô ở đây không thực sự hấp dẫn.

Vì không ham mê đồ gốm truyền thống làng Ngọc Thổ, tôi mới tạm thời dứt ra được những trò vui bất tận của lễ hội. Đến tận lúc này, tôi mới nhận ra mình đã bị tách khỏi Ôn Nguyệt từ lúc nào. Cô ấy ở đâu nhỉ? Tôi cuống cuồng ngó quanh, cố gắng tìm kiếm bóng dáng thân thuộc. Nhiều người quá, mắt tôi gần như đã hoa lên vì biển người đông nghìn nghịt. Trong lúc hoảng loạn, tôi đưa hai tay khum quanh miệng và cố gào thật to:

- Ôn Nguyệt ơi!

Tiếng hét của tôi không quá lớn nên nhanh chóng chìm nghỉm giữa những âm thanh huyên náo của lễ hội.

- Nguyệt ơi! - Tôi lặp lại, lần này đã cố để hét to hơn nữa.

Chẳng hiệu quả. Tiếng gào của tôi giống như hòn đá ném xuống ao bèo, mặt nước chỉ giãn ra chút ít rồi đâu lại vào đấy, chẳng gây ra chút ảnh hưởng gì.

Được rồi, giờ phải bình tĩnh lại. Tôi đứng chống nạnh suy tính. Giờ tôi đã không còn là em bé Liên mù phương hướng của ngày xưa - tức là đã nhớ được đường từ Thịnh Thành ra chỗ hội làng này. Kể cả không nhớ thì cũng có thể dễ dàng hỏi đường để quay về. Mấy hôm nay tôi và Ôn Nguyệt hay đi chơi cả ngày, nhưng chiều đến thì đều trở lại Thịnh Thành. Chắc cô ấy cũng tự biết phải quay về đó thôi. Không có gì phải lo lắng cả!

Nhưng mà tôi nhầm! Nhầm to!

Hành động "kêu cứu" vừa rồi, cùng với gương mặt mà tôi đoan chắc rằng vừa nãy còn tái mét đã tố cáo rằng tôi là một con mồi dễ tấn công. Một thân hình nhỏ thó chợt vụt qua ngay sát bên trái người tôi. Cổ tay đau nhói lên một cái. Phải mất ba giây tôi mới hiểu chuyện gì vừa xảy ra và phản ứng lại được.

Cái vòng tay hạt đỏ! Chìa khóa quay về hiện đại của tôi!

Chẳng kịp suy nghĩ nhiều, tôi lập tức bật chế độ chiến binh và lao vút theo gã thanh niên gầy rộc kia. Mẹ nó! Dám cướp hàng của bố! Quá đáng lắm rồi đấy!

[Full, hài] Bên anh đến ngày thái bình thịnh thếWhere stories live. Discover now