18 này, em chẳng thấy anh

2 0 0
                                    

Quốc trở về khi góc sân còn vương đầy những nắng. Sài Gòn, nắng không cháy như đất Mỹ Tho, nắng vờn nhẹ trên lá, nắng nhảy múa trước hàng bưởi như bước chân của nàng vũ nữ ngày hội. Nắng vương đầy trên ánh mắt buồn tênh của Quốc và Mân, nắng lăn dài trên những nỗi nhớ miên man về một thời trẻ đầy nhiệt huyết, nắng xẹt ngang một vết ố lên tiếng vè văng vẳng mỗi sớm mai. Cho đến khi nắng lụi hẳn không còn thấy những nụ cười rạng ngời đâu nữa.

Năm dài tháng rộng mênh mang, Mân và Quốc quên bẵng đi nụ hôn ngày hôm ấy, cũng chẳng còn nụ hôn nào như thế nữa cho sau này, cũng chẳng có thói quen nào được thêm vào cuộc sống giữa họ. Mân vẫn đi học trên con đường đổ đầy nắng vàng, ngồi sau xe đạp của cậu Ba tận hưởng gió trời man mát mỗi khi mưa vừa đi qua.

Quốc không còn đau đáu cho mối tình đơn phương của mình nữa, anh cất nó vào một cõi im lìm. Quốc bận tâm chuyện khác, lắng lo chuyện tiền bạc, những chi tiêu tủn mủn. Ông hội đồng chỉ cho phép Mân đi học, chứ không cho nó tiền để nó đi học, tiền ông bà gửi Quốc chỉ đủ anh đóng học phí cho mình và sinh hoạt cho hai đứa. Còn tiền học phí của Mân, Quốc phải tự kiếm, mỗi lần đi nộp học phí cho nó về Mân lại thấy mặt Quốc bơ phờ đi một chút, nó hỏi, cậu Ba nhất quyết không trả lời. Cậu chỉ bảo đúng một câu, "Cậu đủ tiền nuôi mày ăn học."

Quốc kiếm tiền như thế nào? Chẳng phải nhờ thị hay sao. Quốc có đầu óc tính toán, lại thông minh, cần cù, thị lại lấy lí do vì trước đây thích Quốc nên nhất quyết phải kiếm việc giúp anh, vậy nên Quốc đi phụ quản lý ở xưởng đóng tàu của cha Tú. Cha Tú thực ra là thương nhân, có hai, ba cái tiệm vải ở xứ Sài Gòn này, còn mở đâu ba, bốn cái xưởng đóng tàu. Quốc được Tú giới thiệu đến làm tay chân cho ông quản lý của xưởng chính. Sau giờ học buổi sáng Quốc sẽ đạp xe đến đây, làm đến tận khuya mới về.

Bởi thế, Mân thấy lạ. Cậu Ba nó dạo này bận suốt, cậu đi sớm về khuya tối ngày. Mỗi lúc nó hỏi, cậu đều bảo cậu đi học với vài người bạn cùng lớp, bàn chuyện học tập. Nhưng nó thấy cậu nó đi liên miên, có khi còn không về nhà, khi ấy nó gật gù ở ngoài cửa đợi cậu Ba đến tận sáng mà vẫn chẳng thấy cậu đâu.

Mân quen dần với nếp sống của Sài Gòn, nó cũng chẳng còn lạc đường như trước, nên Ba Quốc mua cho nó một chiếc xe đạp riêng. Nó tự đi học anh sẽ không phải đưa đón. Hồi chiếc xe vừa mới trao tay Mân, nó thích lắm, thích cảm giác được ngồi trên chiếc xe đạp do chính cậu Ba mua, thích những chiều lộng gió nó vi vu trên đường láng đầy nắng hạ. Nhưng rồi, chiếc xe như cướp đi cậu Ba nó; Quốc không còn chở nó đi học, nên nó thèm thuồng cảm giác được ngồi sau xe đạp của anh; Quốc không còn chở nó đi học, nên anh về nhà cũng muộn; Quốc không còn chở nó đi học, nên những bữa cơm một bát đầy và một bát trống cứ nhiều dần; Quốc không còn chở nó đi học, nên góc án thư cũ của anh cứ lạnh dần hơi người.

Mân gạt phăng lá thư đang viết dở, nó nằm rạp ra bàn, cảm giác chán chường và uể oải khiến đôi mắt nó nặng trĩu dần. Đã hai ngày rồi cậu Ba không về nhà. Cậu không nhớ nó sao? Cậu đi gì mà đi miết. Việc học của cậu chắc bận rộn lắm. Nhưng mà hôm nay là sinh nhật nó mà, chẳng lẽ cậu không nhớ sao? Mọi năm cậu đều cùng nó chuẩn bị sinh nhật mà. Mân gục mặt xuống hai cánh tay, nước mắt nó trào ra hai bên má, rồi nó xóa sạch đi, đứng dậy nhìn ra ngoài trời chiều ở Sài Gòn.

[CV][KOOKMIN] Bao giờ cho đến tháng baWhere stories live. Discover now