[Câu chuyện 1] Trà nóng hương ấm, trà lạnh hương tàn

196 27 0
                                    

[Câu chuyện 1] Trà nóng hương ấm, trà lạnh hương tàn

Việt Nam, Trung Quốc và câu chuyện quan hệ đôi bên trong một chén trà.

....

Dấu ấn quan trọng đầu tiên của chúng tôi ở đời này là vào một mùa xuân năm 1950, khi chúng tôi thừa nhận đối phương danh chính ngôn thuận là kẻ kế thừa. Hôm ấy có tuyết đầu mùa, lất phất như mưa phùn tháng 3. Tôi cẩn thận đi từng bước trên những viên đá lát dẫn vào ngõ nhà y. Trung Quốc đón tôi ở cổng, dẫn vào ngôi nhà cổ đã đốt sẵn lò hương.

Trà chỉ ngon khi còn nóng, y đợi tôi ngồi xuống rồi mới đi chuẩn bị. Tôi tháo khăn quàng của mình ra, nhấp một ngụm trà y mang tới. Phổ Nhĩ đượm hương thanh nhã, gò má tôi tìm lại được chút sắc hồng.

Y ngồi đối diện tôi, từ tốn thưởng trà. Thỉnh thoảng, trong khói hương lãng đãng làm mờ thực tại, y lại đưa tay lên vuốt tóc. Khi bàn tay y chơi vơi bên vai, tôi biết y đang bị ảnh hưởng bởi quá khứ, bởi một lịch sử Trung Hoa dài như mái tóc. Y chữa gượng cho mình bằng cách vuốt lại cổ áo đã nhạt thành màu trà.

Một mái tóc ngắn, quân phục phai màu, gian nhà trống trải. Vẻ nhếch nhác của vị đế vương sa cơ trông gần gũi đến bất ngờ.

Ít nhất trong khoảng thời gian đó, y dễ mến hơn tôi nghĩ nhiều. Tôi có hơi luyến tiếc mái tóc cắt ngắn sát gáy cổ của y. Vì thái độ y ngày càng tệ theo độ dài của mái tóc. Người ta bảo bên Tây Dương thì váy ngắn chứng tỏ quốc gia phồn thịnh, còn ở đây tóc dài thể hiện xã hội sung túc. Càng thành công người ta càng quay về bản tính thật, mặc cho có cố gắng giữ vẻ trìu mến giả tạo cũng không giấu nổi sự kiêu ngạo trên khóe môi nhếch.

Bị địa lý nhốt sau song sắt, chúng tôi đã được định sẵn sẽ luôn hợp rồi tan, tan rồi hợp. Sau câu chuyện trên là quãng thời gian đằm thắm rồi tang tóc. Bùn đất lấp thi thể, gió khóc tỉ tê miền biên giới và sông Hồng đặc quánh máu người. Chúng tôi chưa thôi ghét bỏ nhau, nhưng lịch sử không cho phép chúng tôi quay lưng với nhau. Một sự kiện Thiên An Môn cũng đủ làm y phải thu giấc mộng bá vương của mình về, viết cho tôi một lá thư.

Trong góc phố cổ ở Thành Đô, chúng tôi ngồi dưới hiên nhà hướng ra vườn, một mảng xanh chiếu lên sàn gỗ rười rượi. Gió hiu hiu, tán cây xào xạc, một chiếc lá rơi vào tách của tôi. Trà chỉ ngon khi còn nóng. Nay khói trà đã dứt, đầu lưỡi đọng lại vị nhạt nhẽo chát chúa.

Chúng tôi dùng sự bình yên của trà để dằn xuống những xúc cảm tàn bạo sục sôi trong mạch máu, kéo tay nhau lùi xa vực thẳm sâu hun hút tạo từ cơn bi kịch thế kỷ 20.

“Tôi về đây.” Tôi nói sau khi nghe dòng thông cáo chung cuối cùng được nêu xong. Chén trà còn quá nửa, tôi đổ nó ra vườn. Nước thấm đất vẽ một đường ranh giới mơ hồ, y nhìn, lần này y không vượt qua.

“Việt Nam.” Giọng y vang lên từ sau lưng tôi, nhưng tôi không quay đầu lại.

Việt Nam. Người Việt ở phía Nam. Trước đó ở phía Nam, sau này vẫn ở phía Nam.

Tôi có thể kể cho bạn nghe rất nhiều, rất nhiều câu chuyện. Nhưng tôi quyết định sẽ tua nhanh đến sau năm 2000, khi mặt đất vơi mùi thuốc súng. Để lúc gặp nhau có thể đốt lò hương trầm, uống cốc trà nóng. Những năm tháng này thói quen vuốt tóc của y đã trở lại. Tóc mai dài quá vai, lướt qua làn da trắng như dòng mực chảy trên giấy xuyến chỉ. Mắt phượng cong cong, khi cười híp lại thành một đường chỉ thêu được kéo lên ở đuôi. Y ngồi thẳng lưng, hơi nghiêng đầu, ngắm nhìn ngoài cửa cảnh xuân như mộng. Giờ phút này trông y như một ẩn sĩ lánh đời, kiên nhẫn chờ mưa xuân đủ để hãm một bình trà.

Tiếc thay, dưới lớp vỏ bọc đẹp đẽ đó lại là linh hồn của một tên tham quan.

Ngồi đủ ba tuần hương, cảm thấy thiên hạ đã thấm thía tình hàng xóm láng giềng thân thiết, tôi liền ra về.

"Việt Nam." Y gọi tôi, lần này tôi quay đầu lại.

Trung Quốc đi tới, bóng y trùm lên bóng tôi. Tôi nhích sang bên, hai cái bóng tách nhau ra.

Y cầm lấy cổ tay tôi. Tôi nắm lại theo bản năng, rồi thả lỏng. Dù sao không phải lúc nào cũng nên canh chừng xem bàn tay mình còn đủ năm ngón hay không.

Một chiếc lắc bạc nằm trong lòng bàn tay tôi. Là loại được đeo ở chân, có khớp bẻ rộng ra để đeo vào. Phần thân có gắn chuông nhỏ, khắc hoạ hoa sen hết sức tinh tế.

"Chút tấm lòng nhỏ thôi. Tôi thấy nó rất hợp với cậu nên tặng."

Tôi cười, không đồng ý cũng không từ chối.

Bất chấp những sự ghét bỏ, chúng tôi vẫn gặp mặt nhau nhiều hơn bất cứ ai. Chúng tôi tìm thấy nhau trong vết mực của sách sử, qua hưng thịnh rồi suy vong của từng triều đại. Rồi chạm mặt nhau bên kia sông Hồng chảy xiết, trên mặt biển Đông sóng cuồn cuộn. Chúng tôi đã hiểu nhau nhiều đến mức có thể nhận ra ác ý từ trong hơi thở, hận thù ẩn dưới nụ cười, tàn độc giấu vào đáy mắt.

Tôi mang món quà đi qua biên giới. Tiếng chuông trên lắc bạc kêu lanh lảnh, tựa như âm thanh xiềng xích va vào nhau. Dừng ở giữa cầu Hữu Nghị, tôi thả chiếc lắc xuống dòng sông bên dưới.

Sắc bạc lóe lên trong không trung rồi biến mất vào lòng sông.

[CHs] Những câu chuyện đời & Bữa tiệc thác loạn của cường quốcWhere stories live. Discover now