Chương 3: ƠI! THƯƠNG NHAU THÌ MÂM BÁNH BUỒNG CAU CŨNG NÊN DUYÊN

211 12 4
                                    

Quả đúng như lời dự đoán của Yết Kiêu, ba hôm sau quân thám thính đã lần mò qua biên giới(1). Yết Kiêu nói phải hội với một đoàn thuyền lớn của Dã Tượng ở cửa Giang Trì(2) bảo họ chừa một vài người tuồn xuống làng Trạch làm chứng để ông bắt rồi làm chứng trước cha con tôi. Đây là Yết Kiêu nói với tôi chứ nào dám hó hé với cha vì sợ ông sinh nghi.

"Hay lắm ông Thế! Ông bảo tôi thất tín với cha à?" – Tôi xẵng giọng. Ngày nào cũng nói chuyện khiến tôi được nước lấn tới, không nể hàng cha chú của ông với tôi nữa, dẫu sao ông với tôi cũng đâu có họ.

"Nàng không nói gì thì đâu gọi là thất tín? Tôi chỉ bảo nàng thế để nàng tường tận thôi. Phần tôi, tôi đã bảo với ông Phong rằng tôi đi tiếp chuyện quan huyện rồi." – Ông thật tài ba trong việc tòi ra cái lý lẽ cùn này.

Tôi thì tôi tin thật, Yết Kiêu này không có vẻ là giả hay có ý đồ xấu.

Lại mất thêm mười lăm ngày tính cả đi về. Thêm một ngày để bắt mấy tên giặc về chứng minh. Yết Kiêu bảo Hiên và Cao đi làm việc khác. Lúc Yết Kiêu một mình giằng co với ba tên quân thám thính dưới nước, cả làng Trạch kéo ra xem. Quả đúng danh bất hư truyền, nói là giằng co nhưng Yết Kiêu vốn đã chiếm thế thượng phong từ đầu, quần nhau đã đời trên ruộng, ba tên kia lại ngu ngốc nhảy xuống sông Ngàn mong tìm đường thoát thân. Dân làng kéo nhau từ ruộng ra vây kín hai bến sông, giẫm cả lên đò nhà tôi. Yết Kiêu tóm trọn cả, đem đến trước mặt cha.

Ngày trước sau khi thắng giặc lần hai, Yết Kiêu hộ tống Bảng nhãn Lê Đỗ đi sứ, khả hãn nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt chiêu đãi rất hậu, còn tỏ ý muốn Yết Kiêu về phe mình. Cố nhiên, vẫn bị từ chối đây đẩy, nhưng dưới một hình thức khéo léo, tôi hỏi khéo thế nào thì Yết Kiêu cười nhếch mép với tôi... Chỉ biết mấy ngày cuối cùng trong chuyến đi đó, bên đấy đã lệnh Yết Kiêu đi qua doanh trướng để quân sĩ nhớ mặt. Cốt yếu của việc ấy là để quân sĩ gặp Yết Kiêu trên chiến trường thì biết phòng, hoặc giết(3).

Giờ mấy tên lính đó lại bị ông ấy lợi dụng, quả là đáng thương. Không phải nói, sau khi bước ra khỏi cổng nhà tôi thì bị dân làng vây đánh tả tơi, sau đem giết.

Ngày gặp lại tôi, nom Yết Kiêu giận dỗi một cách thảm thiết. Ông nói trên chiếc thuyền đó không chỉ có Dã Tượng và binh lính, còn có quận chúa Đinh Lan là con gái cả của Minh Hiến Vương Trần Quốc Uất(4), bạn chí thân của hiền tài Phạm Ngũ Lão trong truyền thuyết.

"Tôi biết ý tứ của Đinh Lan quận chúa vì trước đây nàng ta từng tỏ bày trong khi hội ngộ ở phủ Hưng Đạo Vương. Hôm ấy trên thuyền, sau khi thấy tôi chỉ huy thủy binh thì vỗ tay tấm tắc khen ngợi. Nàng ta nói đã nhờ cha tâu với Quan gia tỏ ý muốn thành thân cùng tôi. Còn muốn tôi đổi sang họ Trần để thuận việc kết duyên chồng vợ(5). Tôi không muốn, nàng ạ! Quận chúa không hiểu lòng tôi, chưa biết ý tôi muốn gì mà đã tùy tiện gán tôi vào thế trận bày sẵn. Ép buộc tôi như thế thì thà chết cho rồi, dẫu cái chết không mấy vinh quang. Sở dĩ tôi có thể về trong mười ngày nhưng Đinh Lan quận chúa giận tôi chuyện từ hôn, nhất quyết viết thư tâu với trên triều đòi chém đầu tôi, tuy nhiên không được triều đình chấp thuận. Nàng nói xem, triều đình đang bận bàn kế đánh giặc lại phải xử lý một sự vụ tình ái cỏn con này thì tôi còn gì là mặt mũi?"

VÂN THANH HẢI ÁN [truyện ngắn, truyện Việt, tình cảm, cảm hứng giai thoại]Tempat cerita menjadi hidup. Temukan sekarang