Chương 5

420 32 10
                                    

Chuyển ngữ: Linh
Biên tập: Trần

Mặt tiền cửa hàng bạch mộc hương trên phố Nha Hương không hề nhỏ, diện tích hơn ba mươi mét vuông. Bên trong không có quầy, bước vào cửa có thể nhìn thấy một bàn trà, nhìn qua thì là một bàn trà gỗ vải guốc từ thời xa xưa. Phía sau bàn trà, đối diện cửa chính, có một bàn thờ được treo trên tường, bên trên thờ một tấm bài vị, giống với đa số người dân trong thôn thờ "Ngũ phương ngũ thổ Long thần". Trước bàn thờ bày nến cháy chậm và lư hương. Đèn dầu làm bằng sứ men xanh, cuối bấc đèn le lói một đốm lửa nho nhỏ, ánh sáng cũng hiu hắt, hai cụm lửa sáng lên nguy nga bất động. Ba nén hương cắm trong lư hương màu trắng ngà, khói thẳng tắp. Ngọn lửa thật lâu chẳng lập lòe cùng với làn khói thật lâu chẳng uốn lượn, tựa như một bức họa – khắc họa bên trong cửa tiệm bạch mộc hương u tối chẳng lọt gió.

Tuy là không có quầy, nhưng trong cửa hàng cũng chẳng sạch sẽ ngăn nắp gì cho cam. Tủ đứng hai bên bày đầy các loại nhang nén, nhang nụ, còn có một ít phấn nhang và nhang miếng. Vậy mà đĩa cắm hương, đèn nhang hoặc lư hương thường bán trong các cửa hàng nhang hương, thì ở đây lại không bán. Trong tiệm, ngoại trừ ba nén hương trước bệ thờ ra, thì không đốt thêm bất cứ loại nhang hương nào khác. Thường thì người ta không hay dùng trầm hương để thờ cúng thần linh, mà khéo cũng chỉ có mỗi chỗ này làm vậy.

Lần đầu tiên Ngô Đình Phương bước vào, không thích nghi được với độ sáng và mùi hương của nơi này. Tựa như bị buộc tiến vào thuở dĩ vãng xa xăm, khiến người ta không thể không buông lỏng cảnh giác. Anh không quen như vậy, ở lâu thậm chí có thể khiến người ta mơ màng buồn ngủ. Anh không biết đã bao lâu rồi mình không có cảm giác này.

Trần Tắc đặt tên đứa bé là Phùng Sinh. Mỗi lần Ngô Đình Phương ngồi ở trước bàn trà, Trần Tắc lại mang vài lát trầm hương ra pha trà. Loại trà mà hắn pha thực chất không phải là trà, mà chỉ là những lát trầm hương – những lát trầm hương nghe đồn là cực kỳ đắt tiền. Nếu hắn đang bế Phùng Sinh, thì sẽ truyền tay cho Đình Phương bế đứa bé.

Phùng Sinh chẳng hề kén người chút nào, ai bế cũng được. Bé gái tuy sinh non, nhưng lúc sinh ra cũng không quá nhỏ, nặng hai cân tư. Nếu không phải sản phụ xuất huyết quá nhiều, thì tình trạng đứa bé khi đó cũng không đến nỗi tệ như thế. Ấy vậy mà sau khi những người thân cùng huyết thống đòi từ bỏ điều trị, thậm chí còn muốn dồn đứa trẻ vào chỗ chết, thì hoàn toàn ngoài dự liệu, đứa bé vẫn sống sót. Ngô Đình Phương cho rằng dù đứa bé sống được, thì vẫn có khả năng xảy ra vấn đề: Bại não hoặc chậm phát triển trí tuệ. Anh cũng đã thẳng thắn cảnh báo tay thầy bói thiếu hiểu biết kia về khả năng xảy ra tình huống như vậy. Thầy bói rót cho anh một tách trà, cười nói: "Tôi đã đặt tên cho con bé là Phùng Sinh."

Lúc này Đình Phương mới chợt nhớ tới nghề chính của hắn, bèn im lặng uống trà, không nói tiếng nào.

Tất nhiên mục đích của Đình Phương tới đây không phải để uống trà. Sự không tín nhiệm với thầy bói đã thôi thúc anh hầu như mỗi ngày đều phải ghé lại đây thăm sau khi tan sở. Để cho người nhà bớt hỏi, anh đều tới trước khi về nhà.

Phùng Sinh rất dễ chăm. Bé không quấy khóc nhiều, không dính người, cả ngày chỉ đi ị một lần – trẻ con như vậy quả thực chẳng được mấy đứa. Vì vậy Trần Tắc vẫn chưa đến nỗi gà bay chó sủa như Ngô Đình Phương tưởng tượng. Hắn chỉ sắm thêm một chiếc cũi trẻ em đặt ở bên cạnh bàn trà. Lúc nào bé đói thì cho ăn, tỉnh dậy thì bế ra ngoài tắm nắng. Đôi khi Đình Phương đến, đúng lúc nhìn thấy Trần Tắc đang bế bé ngồi trên ghế đá ngoài cửa tiệm. Khách của hắn cũng ngồi ghế mây bên cạnh. Hắn chẳng nói gì nhiều, chỉ hỏi ngày sinh bát tự, rồi phán lấy vài chữ.

[Hoàn thành] Phố Nha Hương - Khống Nhi DĩNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ