CHƯƠNG 20: TÔI LÀM VƯỜN

11 3 0
                                    

Người ta định sáng hôm sau thì chôn cất cụ Vitalis và ông bố Lise hứa sẽ dắt tôi đi đưa đám cụ.

Nhưng ngày hôm sau, thật ức quá! Tôi không dậy được vì trong đêm tối đã lên một cơn sốt nặng. Thoạt đầu tôi rùng mình ớn lạnh trong người, sau đó thấy nóng bừng. Tôi cảm thấy như có lửa nung trong ngực. Tôi nghĩ rằng tôi đã mắc bệnh y như con Joli-Cœur sau cái đêm nó ngủ trên cây, dưới mưa tuyết.

Thật vậy, tôi sưng phổi nặng do bị cảm lạnh trong cái đêm mà cụ chủ đáng thương của tôi bỏ mạng. Chính trận sưng phổi ấy làm cho tôi nhận rõ lòng tử tế của gia đình ông Acquin, nhất là sự tận tâm của Étiennette.

Mặc dù thường thường những người nghèo không ưa mời thầy thuốc mấy, nhưng vì tôi lên cơn kịch liệt quá, khủng khiếp quá, nên lần này nhà bác Acquin phải phá bỏ lệ cũ. Người thầy thuốc được mời đến không phải mất công khám nghiệm lâu, không cần hỏi triệu chứng chi tiết, cũng nhận ra chứng bệnh tôi. Ông bảo ngay là phải đưa tôi đi bệnh viện. Cách đó thì tiện lợi và đỡ phiền phức. Tuy vậy ông Acquin không đồng ý. Ông nói:

- Thằng bé đã đến ngã trước cửa nhà chúng tôi chứ có phải trước cửa nhà thương làm phúc đâu. Bởi vậy chúng tôi phải giữ nó ở đây để chạy chữa cho nó.

Ông thầy thuốc dùng nhiều lời lẽ ân cần để đánh đổ cách lập luận theo thuyết tiền định ấy; nhưng những lời lẽ ấy không làm cho ông chủ vườn lung lay. Ông bảo nhất định phải giữ tôi ở nhà và ông đã giữ tôi ở nhà. Thế là ngoài công việc thường ngày, Étiennette lại nhận thêm cái việc chăm sóc người bệnh. Chị dịu dàng và chăm sóc có phương pháp, luôn luôn kiên nhẫn và chu đáo. Khi chị phải rời giường tôi để làm việc nhà thì Lise thay thế cho chị; lắm khi trong lúc sốt tôi trông thấy em ngồi ở cuối giường mở đôi mắt to nhìn tôi lo ngại. Tinh thần hoảng loạn vì mê sảng; tôi tưởng em là thần hộ mệnh của tôi. Tôi nói với em những ước mơ, những ham muốn của tôi như nói với thiên thần. Cũng từ lúc ấy mà đi, tôi quen coi em như một nhân vật thần kỳ, rạng ánh hào quang; tôi lấy làm ngạc nhiên thấy em sống như chúng tôi, ở giữa chúng tôi và tôi chờ cái phút mà em bay bổng lên với đôi cánh trắng to rộng.

Bệnh tình của tôi kéo dài và làm cho tôi đau đớn vật vã đêm ngày, đôi lúc lại đột ngột trở nặng. Cứ tình hình ấy dù là cha mẹ đẻ đi nữa cũng phải ngã lòng. Thế mà chị Étiennette thì không hề bớt kiên nhẫn, bớt tận tâm. Nhiều đêm người nhà phải thức trông tôi bởi vì ngực tôi nặng đến nỗi lúc nào cũng tưởng sắp bị nghẹt thở. Những lúc ấy, Alexis và Benjamin thay phiên nhau ngồi bên giường.

Cuối cùng tôi cũng bước vào giai đoạn bình phục. Nhưng vì bệnh kéo dài và hay trở chứng cho nên phải chờ cho đến khi mùa xuân trở về làm xanh những đồng cỏ khu Glacière, tôi mới dám bước chân ra khỏi nhà. Bấy giờ thì em Lise thay thế cho chị Étiennette, vì em không phải làm lụng. Chính em đưa tôi đi dạo trên bờ sông Bièvre. Khoảng trưa, khi mặt trời ấm nhất thì chúng tôi ra đi. Tay nắm tay, Lise và tôi thong thả đi bước một, con Capi theo sau. Năm ấy mùa xuân êm đềm và đẹp đẽ lạ. Cũng có lẽ sự thật không hoàn toàn như thế, nhưng cái cảm tưởng mà tôi giữ lại về mùa xuân ấy là thế thì có khác gì.

Cái khu nằm giữa tòa Nhà trắng và đồng Glacière người Paris ít biết đến. Người ta chỉ biết mơ màng đâu ở chốn ấy có một thung lũng nhỏ mà thôi. Vì con sông chảy qua thung lũng là sông Bièvre ở đoạn nó chảy qua khu công nghiệp Saint-Marcel chứ không phải trên bộ mặt tự nhiên của nó, khi nó chảy qua Verrières hay Rungis.

KHÔNG GIA ĐÌNH - HECTOR MALOTNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ