Nhờ ngải cứu cứu lưng đau

8 1 6
                                    

Ngải cứu là một em bé rau quê mọc dại.

Chả bao giờ tôi đi chợ ở trời Tây mà thấy ngải cứu cả, kể cả chợ Tàu. Thế nhưng, thi thoảng lại có một bà cụ ngồi xổm cách cổng chợ độ chục mét, bày ra dăm bó ngải cứu và chỉ duy nhất ngải cứu mà thôi, bán mỗi bó giá một đồng.

Giá này thì lãi thế nào, dẫu là công trồng có rẻ đến mấy. Tôi đoán là bà hái cây dại trong vườn nhà mang đi bán. Xem như là một công đôi việc, vừa bớt cây dại, vừa có vài đồng cho vui.

Giống cây ngải cứu kỳ lạ lắm, bởi bạn bè tôi kháo nhau rằng trong công viên có ngải cứu mọc dại. Giời ơi, cây thuốc ở xứ ta mà lại thành cây dại xứ người. Tôi còn nghe bảo rằng ngải cứu là cây dại xâm lấn ở Bắc Mỹ, thế nên mình nhổ đi là làm phước đấy!

Dẫu là mua rẻ hay hái cây mọc dại ngoài công viên, ta cũng có thể mang về làm bao nhiêu món thuốc. Nhắc đến ngải cứu là nhắc đến công dụng chữa đau lưng, đau bụng. Chả biết thang thuốc này có hữu dụng hay không, nhưng nó rất phổ biến trong dân gian, đặc biệt là ở miền Bắc.

Xin thú thật là cá nhân tôi chưa bao giờ dùng ngải cứu để chữa đau nhức cả. Người xưa thường giã lá để đắp lên chỗ đau nhức, nhưng đến thời tôi thì bố mẹ chỉ mua thuốc hoặc dùng dầu cao mà thôi. Thế nên, tôi chỉ biết đến ngải cứu trong phạm vi ẩm thực.

Trong ẩm thực Việt Nam, ngải cứu trông khá giống một loại rau phổ biến khác là cải cúc (miền Nam gọi tần ô). Điều này cũng dễ hiểu vì cả hai loại cây này đều thuộc họ Cúc cả. Thậm chí, mùi vị nhân nhẫn đắng nhẹ cũng có một chút tương đồng, nhưng dĩ nhiên là ăn vào thì sẽ thấy khác ngay lập tức.

Để phân biệt hai loại rau này thật ra không khó. Thân ngải cứu bé hơn thân cải cúc, lá cũng có màu xanh đậm và nhọn hơn. Vả lại, trên lá ngải cứu có những đường gân giữa mờ mờ rất đặc trưng. Ai vẫn không thể phân biệt được nữa thì có thể ngửi hoặc cắn thử.

Mua nhầm thì toi đấy, bởi món lẩu hay canh cải cúc thì chả ai nhúng ngải cứu bao giờ. Ngược lại, trứng rán ngải cứu không thể nào thay bằng cải cúc. Ngải cứu có vị thuốc hơn cải cúc, thế mà khi rán trứng lại hợp đến không ngờ. Càng nhiều rau đánh cùng trứng lại càng ngon; miếng trứng rán nhuộm màu xanh của ngải cứu chấm với tương ớt rất hợp để ăn cơm.

Ai có nhiều thời gian thì có thể làm gà tần ngải cứu. Người Hà Nội chắc ai cũng nhớ hình ảnh gà tần trong những lon bia, lẫn trong nước dùng là mớ rau ngải cứu đã hơi ngả màu xanh đen. Gà tần ngải cứu là một món đậm vị thuốc Bắc, nhưng khi ăn cùng mỳ tôm và giá đỗ thì lại trở thành thức quà thân thương lạ kỳ.

Ngoài gà, ngải cứu còn có thể kết hợp với chân giò, tim lợn, cá hấp. Những loại chất đạm này, theo thiển ý của tôi, vẫn không đạt độ "tuyệt phối" như ngải cứu và gà ác. Có lẽ là gà thông thường ăn cũng ngon thôi, nhưng giống gà ác nhỏ bé rất hợp để hầm trong niêu đất nhỏ cho một người ăn.

Rời Hà Nội lên Lạng Sơn, ta còn có thể bắt gặp bánh ngải. Việc dùng lá để nhuộm màu và tạo mùi hương cho một loại bánh nếp ngọt xuất hiện khá nhiều trong ẩm thực miền Bắc. Đồng bằng Bắc bộ có bánh gai làm từ lá gai, bánh khúc làm từ rau khúc; riêng xứ Lạng lại nổi tiếng loại bánh ngải màu xanh hơi ngả đen, sẫm màu hơn hẳn màu xanh tươi của lá nếp.

Nghĩ đến trứng rán, gà tần, bánh ngải, tôi lại tự hỏi bà bán rau ở ngoài cổng chợ có còn ở đấy không. Thứ rau dại chả ai trồng để bán ở xứ lạnh này, bà bán để làm gì? Ắt là để san sẻ tình yêu thương em bé quê này, tránh cho bọn chúng tôi vô phương đi tìm ở công viên rồi...

[Tùy bút] Lòng mình xanh mát rau quêWhere stories live. Discover now