Chương X

252 3 0
                                    

Ralston Holcombe bị rụt cổ và cái cằm của ông làm nhiệm vụ thay cho cái cổ. Cằm và hàm ông tạo thành một đường vòng cung liền nét, ngự trên bộ ngực.

Gò má ông hồng, mềm mềm, với vẽ nhũn nhẽo không cưỡng lại được của tuổi tác, giống như vỏ của một trái đào đã bị trần qua nước sôi. Mái tóc bạch kim dày phủ trước trán và trùm cả xuống vai ông tạo thành một bờm tóc kiểu Trung cổ. Nó rắc gàu lên đằng sau cổ áo ông.

Ông đi bộ qua những đường phố của New York, đội một chiếc mũ rộng vành, mặc một bộ com-lê công sở sẫm màu, một chiếc áo sơ mi sa-tanh màu xanh lá cây nhạt, một chiếc áo vét nhung trắng thêu kim tuyến, một cái nơ to bự lộ ra từ dưới cằm ông, và ông cầm một cái ba toong – không phải một cái gậy nhỏ – mà là một cái ba toong bằng gỗ mun, cao, một đầu gắn vàng ròng. Cứ như thể cái thân hình đồ sộ của ông đã thu vén cả vào những món trang sức thông thường của một một nền văn minh dung tục và những thứ vải vóc xám xịt của nền văn minh ấy; nhưng vòm ngực và khoanh bụng hình ô-van của ông vẫn nhô ra phía trước, để lộ những sắc màu của tâm hồn bên trong.

Những điều này là hoàn toàn phải phép với ông, bởi ông là một thiên tài. Ông còn là chủ tịch của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ.

Ralston Holcombe không tán thành những quan điểm của các đồng nghiệp trong hiệp hội. Ông không phải là một nhà xây dựng, đơn thuần làm công việc đào xới đất, cũng chẳng phải là một doanh nhân. Ông là – ông dõng dạc tuyên bố – một con người của những lý tưởng.

Ông lên án tình trạng kiến trúc tồi tệ của nước Mỹ và chủ nghĩa chiết trung vô nguyên tắc của những người tạo ra các công trình kiến trúc đó. Ông tuyên bố rằng trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào thì những kiến trúc sư cũng xây dựng trên tinh thần của thời đại họ sống và không sử dụng các thiết kế của quá khứ; chúng ta chỉ có thể trung thực với lịch sử bằng cách tuân theo quy luật của nó – quy luật đó đòi hỏi chúng ta phải gieo trồng các hạt mầm nghệ thuật của mình trên thực tại đời sống. Ông công khai chỉ trích sự ngu dốt của việc xây dựng các tòa nhà kiểu Hy Lạp, Gothic hay La Mã; hãy để chúng ta – ông nài nỉ – được hiện đại và được xây theo phong cách thuộc về thời đại chúng ta. Ông đã tìm được phong cách đó. Đó là phong cách Phục hưng.

Ông nói rõ lý do của mình. Ông chỉ ra rằng vì chưa có sự kiện lịch sử quan trọng nào xảy ra trên thế giới từ thời kỳ Phục hưng đến nay nên chúng ta nên tự coi mình vẫn đang sống trong thời kỳ đó; và tất cả những biểu hiện bên ngoài của sự tồn tại của chúng ta vẫn nên trung thành với những kiệt tác kiến trúc vĩ đại của thế kỷ 16.

Ông không có kiên nhẫn với một số ít những người có quan điểm khác ông về kiến trúc hiện đại; ông phớt lờ họ; ông chỉ nói rằng những kẻ muốn đoạn tuyệt với mọi thứ của quá khứ là những kẻ ngu dốt lười biếng, và rằng người ta không thể đặt Cái Mới lên trên Cái Đẹp. Giọng ông run lên một cách cung kính khi nói từ cuối cùng đó. Ông không chấp nhận bất kỳ thứ gì ngoại trừ những hợp đồng xây dựng thực sự lớn. Ông chuyên thiết kế các công trình vĩnh cửu và tượng đài. Ông xây dựng rất nhiều đài kỷ niệm và các tòa nhà trụ sở chính quyền bang. Ông thiết kế cho các Hội chợ Quốc tế.

Suối Nguồn (The Fountainhead) - FullМесто, где живут истории. Откройте их для себя