Chương XIV

114 2 1
                                    

Lucius N. Heyer bướng bỉnh không chịu chết. Ông đã hồi phục lại sau cơn đột quỵ và trở lại văn phòng, phớt lờ sự phản đối của bác sĩ cũng như sự lo lắng của Guy Francon. Francon đề nghị mua lại cổ phần của ông ở hãng. Heyer đã từ chối. Đôi mắt xanh xao đầy nước của ông nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định. Cứ hai hay ba ngày ông lại đến văn phòng một lần. Ông đọc những thư từ để lại trong rổ thư của ông theo thói quen. Ông ngồi ở bàn làm việc và vẽ những bông hoa lên một một tập giấy trắng, sau đó ông trở về nhà. Ông đi, chậm chạp lê đôi bàn chân; ông giữ hai khuỷu tay ép chặt vào hai bên sườn và những cẳng tay vung về phía trước, những ngón tay quặp lại nửa chừng, giống như những móng vuốt; những ngón tay run run; ông không thể sử dụng bàn tay trái của mình nữa. Ông sẽ không nghỉ hưu. Ông thích được nhìn thấy tên mình trên những đồ văn phòng phẩm của hãng.

Ông lờ mờ tự hỏi tại sao ông không còn được giới thiệu cho những khách hàng lớn, tại sao ông không được thấy phác thảo những công trình mới, cho đến khi chúng đã được xây đến một nửa. Nếu như ông nói ra những điều này, Francon lại phản đối: "Nhưng mà Lucius, tôi không thể nghĩ đến việc làm phiền ông trong tình trạng như thế này. Nếu là người khác thì hẳn đã nghỉ hưu, nghỉ lâu rồi."

Francon làm ông hơi hoang mang. Peter Keating thì đổi thái độ với ông. Keating hầu như không thèm chào ông khi họ gặp nhau, và rồi như là nghĩ lại, Keating lại bỏ đi giữa lúc đang nói dở câu chào. Khi Heyer đưa yêu cầu cho một trong những kiến trúc sư, nó không được tiến hành ngay và người kiến trúc thông báo với ông là lệnh đó đã bị Keating hủy bỏ. Heyer không thể hiểu điều đó; ông luôn nhớ Keating là một chàng trai rụt rè, người đã nói chuyện với ông thật vui vẻ về gốm cổ. Đầu tiên ông bỏ qua cho Keating; sau đó ông cố gắng xoa dịu anh, một cách khúm núm và vụng về; rồi ông bắt đầu hình thành một nỗi sợ vô cớ với Keating. Ông than phiền với Francon. Ông nói một cách nóng nảy, cố giữ một giọng uy quyền mà ông chưa bao giờ thực sự được thực hành: "Anh chàng đó của ông, Guy ạ, tay Keating ấy, anh ta đang trở nên quá đáng rồi đấy. Anh ta láo với tôi. Ông nên đuổi anh ta đi."

"Giờ thì ông thấy đấy, Lucius," Francon trả lời khô khan, "vì sao tôi nói là ông nên nghỉ hưu. Ông đang làm thần kinh mình căng thẳng quá mức và ông đang bắt đầu tưởng tượng ra mọi thứ rồi."

Vào lúc đó, cuộc thi thầu cho tòa nhà Cosmo-Slotnick xảy ra.

Hãng phim Cosmo-Slotnick ở Hollywood, California, đã quyết định xây dựng một trụ sở tráng lệ ở New York, một tòa nhà trọc trời sẽ chứa một rạp chiếu phim và 40 tầng làm văn phòng. Một cuộc thi toàn thế giới để chọn ra kiến trúc sư cho tòa nhà đã được thông báo trước một năm. Người ta nói rằng Cosmo-Slotnick không chỉ là những người đi đầu trong nghệ thuật phim ảnh, mà còn ôm trọn tất cả các nghệ thuật khác, vì tất cả các nghệ thuật đều có mặt trong điện ảnh; và kiến trúc là nhánh thẩm mỹ đồ sộ, dù thường bị bỏ quên. Cosmo-Slotnick đã sẵn sàng đưa kiến trúc lên bản đồ.

Cùng với tin mới nhất về việc chọn diễn viên cho phim Tôi sẽ nhận một thủy thủ và việc khởi quay Những người vợ để bán là những câu chuyện về đền Parthenon và điện Pantheon. Người ta chụp ảnh diễn viên Sally O'Dawn đứng trên những bậc thang của nhà thờ lớn Rheims – trong một bộ áo tắm, và tài tử Pratt Purcell đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng anh ra đã luôn mơ ước được là một nhà kiến trúc tài ba, nếu anh không phải là một ngôi sao điện ảnh. Trong một bài báo của mình, cô Dimples Williams đã trích lại lời của Ralston Holcombe, Guy Francon và Gordon L. Prescott về tương lai của kiến trúc Hoa Kỳ; còn ở một cuộc phỏng vấn giả tưởng khác, người ta đã dẫn trích ý kiến Ngài Christopher Wren về phim ảnh. Những tờ phụ trương Chủ nhật đăng những tấm ảnh các ngôi sao đang lên của Cosmo-Slotnick mặc quần soóc, áo len, tay cầm những cái êke và thước trượt, đứng trước những tấm bản vẽ có tiêu đề: Tòa nhà Cosmo-Slotnick phía bên trên một dấu chấm hỏi.

Suối Nguồn (The Fountainhead) - FullWhere stories live. Discover now