1. Chống nạn lên đường (1930)

2.5K 25 0
                                    

Mấy hôm nay, thằng Hai Xuân xem ra có ý lo buồn lắm. Phải, ở vào cái cảnh như nó bây giờ, thì đến ai mà chả đâm lo; bảo nó không buồn sao được?

Từ ngày mọi người thấy nó cầm đôi tay xe chạy trên đường đê Gia Quất thì thằng Hai vẫn là người vui nhất làng. Vào buổi chiều mùa hạ sao diều vo vo réo rắt hay buổi chiều thu gió vàng hắt hiu, trong những cảnh hoàng hôn của tiết xuân mát mẻ hay của trời đông lạnh lùng; mỗi khi  hình thằng Hai tay vòng càng đi trước cái xe, vẽ cái bóng thật dài trên giải đường trắng xóa, thi tận trong làng xa lắc xa lơ cũng có người nghe thấy nó cất giọng ồ ồ, nghêu ngao hát cái bài "xẩm" của nó tuy cụt đầu cụt đuôi thật, nhưng nghe nó cũng hay hay"

... Còn trời (mà) còn nước, còn non...

Còn cô (mà) còn cô bán rượu, (ý y) anh (a) còn (thì) say sưa... (chừ này mình ơi... ý y ỳ ý y tang tính tính tang... !!!)

Thật vậy! Cái đoạn ấy tuy trước mắt bọn giàu chỉ là cái đời khốn nạn của con "ngựa người" ngày ngày "dang" chân trên mặt đường rải nhựa khi lửa hạ chang chang, hay bì bõm trên giải đê trơn mỡ đổ khi mưa phùn gió bấc... mà đối với thằng Hai, nó vẫn cho là vui vẻ lắm...

Nó được vui vẻ nhất là sau khi, trước cái mái tranh lụp xụp nó đặt "phịch" càng xe, rảo cẳng chạy vào sân, đến chỉnh nước ngửa cổ "tu" một hơi nước lã thật dài xong thở đánh "hà à à" một cái rất là khoái trí rồi cầm mảnh mo vừa quạt vừa bước vào nhà ngơ ngác nhìn xem bố mẹ đã thổi chính cơm chưa, để liệu dọn mâm bát, không thì giốc nẹp áo lấy là một nắm đầy bàn tay những mảnh tròn tròn bằng đủ thứ: thau, đồng, kền, bạc vừa hào vừa xu đưa cho mẹ mà rằng: "U mua vào đây cho tôi vài xu diêm thuốc".

Mâm cơm dọn xong, nó chỉ còn chờ anh Cả cho nó đi làm về là cùng ngồi vào, tuy bữa nào cũng chẳng hơn gì bữa nào, chỉ rặt cà, tương, dưa muối mà thằng Xuân ăn thấy ngon. Nó ăn được ngon là vì nó đã kéo xe nhọc mệt cả ngày, là vì không những nó đã chẳng phải ăn nhờ ai mà lại còn nuôi được bố được mẹ, đỡ anh, anh nó, một người phu kíp ở ga Gia Lâm, mỗi tháng kiếm không đầy chục bạc.

Khốn nạn cho thằng Hai Xuân! Bây giờ khác hẳn xưa rồi... đến cái nghề kéo xe kể đã là cùng cực mà nó cũng không đang nổi nữa vì người ta đã cướp cơm của nó, một cái xe hơi đã vồ phải nó, đánh gẫy của nó mất một bên chân, rồi vào nhà thương, người ta đền cho nó một cái khác bằng gỗ để mặc nó lộc cộc chống nạn về nhà...

Bây giờ nó đành phải ăn nhờ vào anh, mà từ khi nó được cái chân gỗ thì những bữa rau cháo buổi xưa cũng ra điều chểnh mảng, không được đúng hẹn nữa. Không đầy chục bạc mà bốn miệng ăn...! Lại tiền thuê nhà, ấy là chưa kể đến những món vặt khác như áo quần, củi lửa... tuy không để đem chôn vào bụng mà cũng cần như hạt muối, hạt gạo. Gia đình nó sống trong một cảnh túng bấn cực kì, chỉ hơn được ăn mày một nước là không phải ngửa tay xin lấy của ai. Gạo đỏ còn phải ăn kém hơn ngô khoai nên bố mẹ nó, tuy trên đầu tóc đã pha mùi, hàm răng chiếc đã lung lay, chiếc rụng mặc dầu, cũng đành bưng bát cơm ngô, cơm khoai mà... khốn thay! Vẫn thiếu...! Đã nhiều lần bố mẹ thằng Hai và nó phải bấm bụng nhịn đi để anh Cả nó về được ăn no đủ - vì là người kiếm ra tiền - anh nó chẳng phải tay vừa, nếu để thiếu cơm thì nó sẽ thấy ngay anh nó mắng bố, gắt mẹ, chửi nồi, chửi rế, chửi đôi guốc đang đi mà đứt quai, chứi xó nhà lắm muỗi vo vo...

Vũ Trọng Phụng toàn tập (truyện ngắn)Where stories live. Discover now