21. Từ lý thuyết đến thực hành

152 0 0
                                    

Anh ta là một người Âu hóa. Thiên hạ kêu: chưa đủ. Riêng anh, anh tự cho đã Âu hóa hoàn toàn.

Ở Pháp về, anh chỉ giao thiếp với người Tây, chỉ yêu quý có người Tây, nhất là ông Chánh văn phòng của anh. Anh lại chỉ có nói tiếng Tây thôi, cho dẫu là những khi anh nói với những đồng bào mũi tẹt. Những việc ấy dễ, bởi không tốn tiền.

Đến những việc tốn tiền... Tuy không bữa nào cũng dùng "cơm Tây", anh cũng vẫn giấu bọn đồng bào An Nam rằng mình thường phải ăn cơm ta, có khi ăn cả rau muống và cà pháo. Tự trong thâm tâm, anh vẫn khen thượng đế ban phước cho cả cái giống An Nam được hưởng rau muống và cà pháo, rẻ lạ, ngon lạ, có thể khiến người ta quên thịt, cá... Nhưng anh không nói thế trước mặt thiên hạ bao giờ.

Thiên hạ chỉ thấy anh ăn ở, cử chỉ và ngôn ngữ hoàn toàn theo Tây. Còn đến cái bàn thờ ông vải trong nhà anh, giữa những đồ đạc hoàn toàn Tây phương, thì anh cắt nghĩa sau một cái so vai: "Để cho bà via khỏi la hét, nghĩa là để cho phải phép". Câu ấy, anh cũng lại mời các bạn hữu Tây, Nam đến tổ chức một cuộc khiêu vũ gia đình.

Trước bàn thờ, lẽ cố nhiên. Vì trong nhà chỉ có chỗ ấy là đủ rộng. Các ông vải đều đã kính phục cái Âu hóa ấy của con cháu để tái cả mặt, nếu các ông vải vẫn còn có mặt để tái...

Những sự ấy chưa phải là cái cốt yếu cho chuyện này.

Cái cốt yêu là một quan niệm đặc biệt Tây phương, Âu hóa cả trăm phầm trăm, của anh, đối với một thứ tai nạn cũng từ Tây phương nhập cảng vào đây, xứ sở của mọi thứ cổ hủ của dân Đại Cồ Việt mũi tẹt da vàng chúng ta.

Sở dĩ anh nói rõ quan niệm ấy ra có lẽ cũng chỉ vì muốn thiên hạ phục mình là đã hoàn toàn Âu hoa.

Quan niệm ây, là về nạn mọc sừng.

***

Nhưng mà, thì các ngài hãy trông xem! Đấy, anh đứng lên, đi đi lại lại, hai tay đút túi quần, trong khi cao  đàm, hùng biện về một vài vấn đề, thỉnh thoảng lại tô điểm cho lý luận của mình bằng một vài cái gật đầu khoái chí... Chẳng ai lại có thể hùng hồn hơn! Cử tọa ngồi nghe đều hoặc đã kính phục hết sức bằng im lặng, hoặc muốn phản đối hết sức đấy, nhưng cũng chỉ dám phản đối im lặng. Từ mồm diễn giả lần lượt chui ra những nghĩa lý kỳ quặc có khi ghê gớm, có khi như sự ngụy biện, cũng có khi như sự lập dị, nhưng bao giờ, từ trước đến sau, cũng tỏ ra một tấm lòng vô cùng thành thực và một sự hiểu biết thấy triệt nó bắt buộc những ai muốn ngắt lời cũng phải cứ kinh cẩn ngồi yên mà im lặng. Sự thành thực, dẫu ra sao đi nữa, ta cũng không thể dễ mà coi khinh, cũng như sự hiểu biết chu đáo đáng gọi là có đủ thẩm quyền ấy, khiến cho ta phải ngờ: diễn giả chính là kẻ "đoạn trường ai có qua cầu...".

Nhưng mà... thì hãy lắng tai nghe anh ta đã...

- Mọc sừng, sự ấy, nếu nó là một cái nạn, thì cũng chỉ là một cái nạn nhỏ, không đáng để ý mấy. Tôi không hiểu sao ai cũng chê cười một người chồng mọc sừng! Ngay ở bên Pháp nữa, thiên hạ cũng không thiếu lời chế giễu người mọc sừng. Đó là một sự dã man, vì người mọc sừng chỉ là một kẻ đáng thương. Mà cũng không đáng thương nữa, nếu ta nghĩ kỹ... Một là vì vợ ngoại tình, ấy chỉ là, như trên tôi đã nói, chịu một cái tai nạn quá đỗi nhỏ mọn, hai là mọc sừng, nếu là một cái khổ, thì cũng là cái thứ khổ của trí tưởng tượng ốm yếu của anh chồng mọc sừng mà thôi! Nếu muốn tin chắc chắn điều ấy hơn nữa, ta phải nói thêm thế này: ở một xã hội mà nhiều người chồng ngoại tình hay mọc sừng, chính đấy là dấu hiệu của văn minh. Vì sao? Vì hôn nhân, tự nó, là một điều khuyết điểm vô cùng, khi nó giải quyết vấn đề tình ái... Hôn nhân là cái giấy hợp đồng buộc lòng người trung thành suốt đời, trong khi lòng người, do đấng Thượng đế sinh ra, là một sự trừu tượng, tự nó nó chỉ muốn thay đổi, có mới nới cũ đó thôi... Lấy quan điểm của bọn nam nhi chúng ta mà xét, điều ấy càng rõ rệt. Đàn ông lắm khi chê vợ, chán vợ, thấy không thể chung sống với vợ được nữa, chỉ còn một cách ly dị, thì may sao đã tìm thấy phương tự cứu chữa, tự giải thoát, để tránh cảnh tan nát của gia đình và cái hận nghìn thu của lũ con cái thơ dại, ở sự tự an ủi mình bằng cách thỉnh thoảng lừa vợ một đêm, tìm cái hạnh phúc tạm bợ và điêu trá trong cánh tay "người vợ một đêm". Đã giản dị chưa? Lừa được vợ một đêm, thế là người đàn ông chê vợ phỉ chí, tự an ủi can đảm và hứng thú cứ chịu đựng mãi được người vợ mà mình đã thấy là khó chịu... Và những phụ nữ khôn ngoan, biết cái ngôi nội tướng của mình đã có bề lung lay, lắm khi đã nhắm mắt làm ngơ cho chồng. Phải thế mới được. Phải chịu đựng cái đau đớn nhỏ ấy, họa may mới tránh thoát cái đau đớn lớn hơn nó sẽ đợi ngày tức nước vỡ bờ, nó đến... Vì rằng đấng Thượng đế sinh ra thằng đàn ông, mục đích Ngài chính là để cho nó phản trắc đấy! Phản được rồi, nó sướng. Lòng tự ái được mơn trớn rồi, thì nó sẽ xử một cách nhã nhặn hơn với vợ nó, một người mà nó không lừa được thì nó sẽ giành cho những vố đau...

Vũ Trọng Phụng toàn tập (truyện ngắn)Where stories live. Discover now