7. Bệnh lao chữa bằng mồm...

285 1 0
                                    

... hay là thầy lang bất hủ.


"Chữa khoán bệnh lao, 10 ngày khỏi hẳn" - cái giòng chữ đỏ viết trên nên giấy trắng trước một cửa hiệu thuốc mà các ngài đã biết, chắc hẳn cho đến chết, tôi cũng không quên.

Là vì nhờ đó, tôi đã được đi một chầu hát che tàn ba chục bạc. Tiền chi là của thầy lang bất hủ ấy, mà người có công... chơi sỏ thầy lang, là bạn tôi, anh chàng Cờ.

Ở trọ trên gác nhà thầy lang ấy, Cờ đã vẫn phải chịu cái khổ hình hàng ngày nghe những lời khoác lác bịp khách bệnh của thầy lang. Một hôm Cờ nói với anh em: Tức quá, nhà nước sao lại không đánh thuế bằng cách bán vé chợ hay treo môn bài vào mồm những thằng nói phét! Bọn mình không nên bỏ qua mối lợi ấy. Ít ra, nó cũng phải nộp thuế cho anh em chúng mình. Chúng tôi nhất loạt vỗ tay khen. Cờ, đắc chí, thêm: Hèn đến đâu nữa thì nó cũng phải nộp mình một chầu hát mới được! Câu nói ba hoa trong một phút nói dại, ai dám ngờ Cờ làm thành bằng được ra sự thật mới nghe.

Tối hôm ấy, Cờ lại tìm anh em chúng tôi, bảo: Nào, bọn mình anh nao muốn được đi hát thì cứ việc nghe theo cẩm nang của tôi. Sau, anh ta ghé tai tôi thì thào năm phút.

Nửa giờ sau, khi anh Cờ về nhà rồi, hai chúng tôi từ một chiếc xe hơi (xe tắc xi đấy thôi ạ) bước xuống, mạnh bạo tiến thẳng vào hiệu thuốc. Tôi trỏ vào anh Quyền, giới thiệu với thầy lang:

- Thưa ngài, vì vẫn đi lại với ông Cờ ở trên gác nên tôi rõ cái tài chữa bệnh của ngài. Đây xin giới thiệu với Ngài, ông Tế, thư kí riêng của quan chánh sở liêm phóng.

Thầy lang vừa kịp cúi đầu bắt tay kêu Hân hạnh thì Quyền đã hấp tấp:

- Rõ phúc quá Ngài lại có nhà, xin mời ngài ra xe hơi ngay cho.

- Bẩm để đi đâu có việc gì?

- Cô đầm con gái nhà quan chánh tôi mắc bệnh lao, đốc tờ tây cũng chịu, thật là Thập tử nhất sinh rồi, mời Ngài đến thăm ngay.

Thầy lang tái hẳn mặt, ấp úng:

- Vâng vâng. Xin để chúng tôi dặn một việc với người nhà đã.

Thế là thầy lang vội chạy lên gác, phòng anh Cờ. Ngồi chờ dưới, chúng tôi lắng nghe giọng anh Cờ với thầy lang thế này:

- Thế kia à? Thôi thì nhà lang gặp vận tấy rồi! Mề đay kim khánh tới nơi rồi! Giầu to tới nơi rồi! Còn gì bằng được ông Chánh mật thám gọi đến chữa cho con gái nữa.

- Nưng mà...

- Đi đi thôi.

- Nhưng mà...

- Đi ngay đi chứ còn chờ gì!

- Nhưng mà...

- Lại còn nhưng mà cái gì?

- Nhưng mà... Nói bác tha cho, chữa làm sao được mà dám đi!

- Ô lạ! Thế cái quảng cáo to hơn cái mẹt treo ở cửa hiệu...

-Thì bác cũng thừa biết, nhà buôn phải quảng cáo... phải nói quá...

- Đã đành. Cứ đi xem sao.

- Chết! Đi thế nào được!

- Ô! Thế thì tù rồi! Cạo đầu đến nơi rồi!

- Lạy bác...

- Hỏng rồi!! Cơm vội, sàn lim đến nơi rồi!

- Bác làm ơn, lạy bác...

- Ít nhất ba tháng rồi!

- Lạy bác, bác làm ơn nghĩ có cách nào không...

Một lúc im lặng khá lâu, xong lại thấy tiếng anh Cờ:

- Cũng không có gì. Cái bọn ấy thì cứ tiền thì êm. Đành chịu thiệt vài chục vậy.

Tiếng giầy xuống gác. Loảng xoảng, thìa khóa và nhau trước cái két bạc rồi anh Cờ ra.

- Thưa ngài, nói ngài tha thứ, quảng cáo vẫn phải thế chứ..

Anh Quyền đứng phắt lên:

- Ấy chết!

- Chính thế à. Ngài về thưa với quan trên cho ông chủ chúng tôi đi chữa bệnh tỉnh xa ba hôm nữa rồi mới về.

- Ôi, ngài làm như là...

- Thôi, phiền ngài, chúng tôi xin có chút vi thiềng gọi là trả ngài tiền xe.

Quyền, còn ngần ngừ mãi mới trông trước nhìn sau, rồi bỏ túi cuốn giấy bạc.

Tôi không cần thuật lại bao nhiều cái khoản khoái lạc chúng tôi đã hưởng ở xóm ả đào. Nhưng phải thuật lại một chuyện xảy ra hôm sau tại nhà thầy làng thì các ngài mới biết thầy là bất hủ thật.

Chúng tôi muốn ngắm nghía cái  bộ mặt tán tài ấy xem nó có biến chứng ra sao hay không.

Hôm sau, tầm vải quảng cáo bệnh lao đã không thấy treo ra nữa. Nhưng vào hiệu, tôi thấy mấy ông già với một người trẻ tuổi mặt xanh nhợt xem ý là bọn trọc phú nhà quê.

Cặp kinh tắng nghiêm trang trên sống mũi, cái hình thù thì lùn tịt, lắt choắt, thầy lang đi lại trong hiệu, nện gót giầy lộp cộp mà thuyết khách một cách oai hùng.

Các ngài có dám đoán thầy lang ấy nói những gì? Đây:

- Các cụ phải biết. Số tiền ấy không to đâu. Mệnh người là trọng. Người làm ra của chứ chẳng phải của làm ra người. Kém một đồng cũng không được. Cứ xin các cụ đúng một trăm. Đó là giá đặc biệt cho đồng bào An Nam ta đấy thôi, chứ người Tây, dưới ba trăm tôi không nhận nữa. Không tin các cụ lại hỏi ngay quan chánh mật thám mà xem! Hôm qua cho gọi tôi mà dưới ba trăm nên tôi không đến chữa cái bệnh lao cho con gái ngài đấy.

Rõ thật khốn khổ thay cho anh Cờ. Bỗng đâu, được hưởng chầu hát ba chục bạc mà vẫn chưa được hả.

Thiên Hư

1934.

Vũ Trọng Phụng toàn tập (truyện ngắn)Where stories live. Discover now