68.Phần XVI Chương 2: Bách thượng

250 12 0
                                    

PHẦN  XVI: Lễ hội săn bắn mùa đông

Chương 2: Bách thượng

Bách Thượng không phải cánh rừng lớn nhất Khương La nhưng tuyệt đối là khu rừng độc nhất vô nhị. Tên của nó có từ lâu đời, nghĩa là vùng đất cao có nhiều cây bách. Giống bách là chúa tể của rừng già, từ trắc bách diệp chỉ cao ngang người cho tới cự sam như gã khổng lồ quá cỡ. Bách xanh, bách vàng, liễu sam và tuyết tùng trắng cùng mọc thành quần thể trong khi bách xù thích uốn éo cái thân duyên dáng trên mõm đá đơn độc. Rừng triệu năm, cây nghìn năm, Bách Thượng như một xứ sở cổ kính mang theo hơi thở tổ tiên, khiến người ta choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó hoặc sợ hãi trước hình thù của nó.

Ở Bách Thượng cũng có hành cung, gọi là Thần Thụ Cung. Do thường xuyên có lễ hội nên tiểu cung điện này được trùng tu kĩ lưỡng, vẫn mới tinh đồ sộ không thua gì Ôn Chi Sơn vừa xây xong một năm. Sở dĩ gọi là Thần Thụ Cung bởi vì tòa kiến trúc này vây quanh một cây bách xanh cổ thụ, cái cây cao tuổi nhất rừng. Chính điện mượn thân cây làm cột, thuở xưa nó cũng giống như Dụ Kiến cung ở kinh thành, bị phong thủy sư kịch liệt phê bình bởi vì người ta quan niệm "mộc ở giữa nhà là vây khốn". Chữ "mộc" (木) đóng lại bốn gốc chính là "khốn" (困).

Thần Thụ Cung là một tác phẩm điên rồ khác của Thiên Vĩnh đế ngày xưa. Sau khi ông qua đời, các triều đại sau không sử dụng chính điện này nữa, nó bị bỏ hoang và đập phá một phần. Vậy mà đến khi Chu Lạc Ca Dương lên ngôi, lần nữa quay lại Bách Thượng, chỉ bằng một cái liếc mắt hắn đã quyết định ở trong tòa nhà đổ nát đó. Lần này không giống như trước, Ca Dương không cần tìm lại sử sách để hiểu về Thần Thụ Cung, hắn nhớ cả quá trình khi nó từ một bức vẽ trở thành hiện thực.

Năm ấy Khương La có một mùa hạ oi bức khác thường, ruộng đồng khô nứt nẻ, cá giãy chết trên con suối cạn nước, nắng như đổ lửa có thể khiến mọi thứ tự động bốc cháy. Triều thần kiến nghị lập đàn cầu mưa, dân chúng khắp nơi đổ xô đi chùa miếu cúng bái. Phù Dung cả ngày mặc áo mỏng, cầm chiếc quạt nhỏ phẩy phẩy. Nàng sai nô tài dọn bàn ghế ra vườn, ở đó có một cây bách xanh khá lớn, tán rộng che một khoảng sân. Dưới bóng mát với hơi ẩm dễ chịu, nàng ở lì bên ngoài cả ngày, thậm chí đem giường màn ra ngủ trưa. Hạ Hầu Vĩnh Khang cũng học theo nàng, đem hết tấu chương ra gốc cây ngồi đọc. Hai người không nói chuyện nhưng chỉ cần ngẩng đầu là nhìn thấy nhau. Giấc hè bởi vì bách xanh mà mát mẻ hơn nhiều, hắn ôm nàng nằm ở trên giường, gác tay sau đầu nhìn lên bầu trời màu diệp lục, vài tia nắng vàng le lói xuyên kẽ lá. Vĩnh Khang khẽ nghiêng sang hôn lên tóc nàng. Phù Dung bị nóng đẩy đẩy hắn, rầm rì than vãn: "Phải chi đem cái cây này vào nhà thì tốt biết mấy!" Khi đó hắn không nghĩ nhiều, chỉ hợp tình hợp lý mà đáp: "Cổ thụ bộ rễ rất lớn, đâm rất sâu, đào lên làm đứt mạch rễ thì cây không sống được!"

Sau đó họ không bao giờ nhắc tới chuyện này nữa nhưng Vĩnh Khang vẫn thầm để trong lòng. Nếu cây không dời thì nhà dời. Hắn muốn xây một cung điện vây quanh cây đại thụ lớn nhất Bách Thượng. Mỗi lần đi săn hắn thường dừng lại ngắm cái cây ấy thật lâu. Gốc cây to quá khổ, không còn là hình trụ mà giống một vách tường gỗ, chạy dài đến vài mét. Vỏ cây nâu sẫm xù xì với những vết sẹo lồi lõm cho thấy quá khứ của nó có bao phen oanh liệt. Một cành lớn bị cụt tạo ra hình dáng kì quái, nhìn giống như đầu người, không biết vì bão tố đánh gãy hay một nguyên do thần bí nào đó. Có người nói rằng đại thụ đã thành tinh. Vĩnh Khang thì nghĩ nếu cái cây cũng có linh hồn thì chắc hẳng là một linh hồn hiền lành. Đứng dưới tán lá khổng lồ, cảm nhận sự dịu mát của bóng râm, dường như ta nghe thấy tiếng lá xào xạc của khu rừng một triệu năm về trước.

PHÙ DUNG TRÌ - Hoa BanWhere stories live. Discover now