1. Tuế nguyệt đường đường lưu bất đắc

173 13 10
                                    

Trời đã cuối đông nhưng mưa dông còn chưa ngớt hẳn. Giá rét tựa hồ bao trùm mọi ngõ ngách Đông Kinh, và gió, và sương, đến nỗi ta phải bỏ thói quen thỉnh thoảng ra hồ Dâm Đàm¹ ngắm sen sớm. Dù đã ở miết trong cung như vậy, buốt giá vẫn tràn qua khe cửa khiến tay chân ta đau nhức như kim châm. Đấy là kể những ngày trời khô lạnh, chứ vào tiết mưa dầm ẩm ướt từng khớp xương sẽ nhức buốt, âm ỉ không thôi. Nguyên nhân một phần do lượng than củi sưởi ấm không nhiều; tuy chi dùng không còn hạn hẹp như hồi mới đuổi giặc Ngô song chưa thể xem như đủ đầy. Chính yếu vẫn là vì chuyện tuổi tác. Hai năm nữa là sang độ thất thập cổ lai hy, vả lại tao loạn thời trẻ khiến tuổi già nhiều bệnh tật, ta biết rõ mình suy nhược nhường nào.

Thị Vân bởi thế vẫn hay giục ta về quê ngoại ta ở Hoan Châu². Ở đó tiết trời ấm áp hơn, chỉ hiềm mưa lũ, nhưng nếu sống trong điện Phượng Hoàng hay Ngũ Long năm xưa tiên đế xây cho³ thì ấy không phải việc gì to tát. Cuối năm nay, năm Thái Hoà thứ ba⁴, thấy ta xin Thái hậu⁵ về Hoan Châu thật, thị vui mừng ra mặt. Ngoại trừ thị, ta chẳng tìm thấy vẻ vui sướng ấy trên mặt một ai khác, nhất là con gái ta Ngọc Châu và Trịnh Thần phi.

Cũng giống như ta, Trịnh thị là người bước ra từ thời khói lửa. Năm xưa hai ta và hai vị khác nữa cùng theo hầu tiên đế, sau cùng một người thác trong chiến trận, người kia bị quyền lực che mờ mắt, chịu "lưu đày" rồi chết ở Vĩnh Lăng⁶ bốn năm trước. Người với người nối gót ra đi, ngôi vua đổi chủ hai lần, thế cục trong hậu cung cũng dần khác, như Trịnh thị đã không còn là Quốc thái mẫu được trọng vọng năm nào. Việc bị Thái Tông giáng làm Trịnh Thần phi khiến tình tính bà ấy khác đi nhiều, ôn hoà và gần gũi với người dưới hơn, cũng chẳng còn mưu toan quyền lực nữa.

Có lẽ vì vậy mà trong chốn cung tường cô quạnh, hai bà cụ chúng ta dần thân thiết với nhau, khác xa cái hồi ta vừa được gả cho tiên đế. Ngày ta kể việc mình sắp đi, Trịnh thị lặng người, mắt nhìn xa xăm. Mấy ngón tay nhăn nheo của Trịnh thị gõ lộc cộc trên bàn một lúc lâu, thế rồi bà ấy cúi đầu đưa chuyện qua loa, được dăm câu thì bảo cung tì tiễn khách. Bà ấy rời khỏi nhà trung đường trước cả khách là ta, chân bước dồn dập, đi chẳng ngoái đầu. Có lẽ thấy ta sượng sùng, cô cung tì có tuổi đưa tiễn cười thưa, "Lệnh bà của con mau nước mắt nhưng không ưa để người khác biết. Chắc nghe bà bảo phải đi, lệnh bà bịn rịn quá nên mới vậy".

Ta không nghĩ ngợi nhiều, chỉ gật đầu rồi quay về chuẩn bị.

...

Mấy ngày nay Đông Kinh mưa suốt. Vì muốn xuất phát sớm để kịp ăn Tết ở quê, ta sai người sang bộ Lễ hỏi hôm nào nắng ráo. Tư Thiên Giám⁷ tính mãi mới được một ngày là mồng bốn, còn bảo trời sẽ nắng gắt, dặn ta cẩn thận sức khoẻ. Thế mà mới sớm ra mưa đã tầm tã, to hơn trận mưa kéo dài nửa ngày hôm qua. Ngọc Châu vừa chải tóc giúp ta vừa than, may là đêm qua con bé quyết định ở lại trong cung, nếu không sáng nay khó mà vào tiễn ta kịp lúc. Ta cười xòa đáp:

- Có phải không hoãn lại được đâu.

- U sẽ không hoãn đâu ạ. - Con bé lắc đầu, giọng như thể biết tuốt. - Con hiểu u mình mà.

Nửa canh giờ trôi qua, mưa ngày càng lớn, vẫn chưa có vẻ gì vơi đi. Trong tiếng rào rào vỗ trên mái ngói, ta nghe được giọng người bên ngoài xin gặp. Thị Vân đứng cạnh ấy vậy mà không nghe thấy, lẩm bẩm trách mình rồi sai đứa hầu mời người nọ vào. Chiếc áo tơi thị ấy mặc lùm xùm che khuất gương mặt và vóc người. Phải đến khi thị ấy đứng ngoài hàng hiên trút áo chỉnh trang, ta mới nhận ra đó là cung nữ thân cận của Trịnh Thần phi. Xưa nay thị ấy vẫn luôn cận kề với chủ, nếu Trịnh thị muốn nhắn gửi gì cũng sẽ sai người khác đi. Nên việc thị ấy đến đây không khỏi khiến ta bất ngờ. Càng kỳ lạ hơn là thị ấy xin được trò chuyện riêng, nên cả Ngọc Châu và Vân đều phải ra ngoài.

[Cảm hứng lịch sử] LIỄM VŨ PHIÊN TÌNH HỰU KỶ HỒIWhere stories live. Discover now