4. Vãng sự tu du tế

16 7 1
                                    

Hết mơ rồi đến trúc. Con đường dẫn vào phủ Vũ Tiết hầu xa xôi ngập trong cây cối. Một lối đi hẹp không đủ để xe ngựa lách qua khiến người ta buộc lòng phải cuốc bộ. Sang hơn thì ngồi võng, nhưng ngày thường hiếm thấy cảnh ấy. Một phần là vì Kẻ Mơ của ngài Thượng tướng chỉ toàn phường binh đao và con nhà võ biền, không ưa mang giáo vác gươm ngồi võng. Phần còn lại chắc vì chẳng ai muốn lấn lướt gia chủ, người sẵn sàng cầm quân ra chống giặc Chiêm khi toàn triều đình còn đang nơm nớp lo sợ, toan bỏ của chạy lấy người.

Thiếu nữ nhủ thầm, chân vẫn thoăn thoắt bước. Nàng đi qua một khóm trúc, lại một khóm trúc nữa, cuối cùng cũng đứng trước cổng phủ khang trang, thở hồng hộc. Cánh cổng bằng gỗ không khép kín, chừa một khe hẹp đủ để người ta tò mò ghé mắt. Nhưng nàng còn tò mò hơn cả nhìn trộm, và cũng dạn dĩ, minh bạch hơn việc nhìn trộm. Nàng đẩy cửa bước vào.

Kẽo kẹt…

Sân trước vắng lặng. Giàn mướp ngày xưa vẫn còn đó. Ao con vẫn thả những loài cá nhỏ, bèo dâu và mấy khóm hoa súng tím. Hồi ức đã chấp chới vỡ tan từ khi một chân ta bước qua ngưỡng cửa. Phủ Vũ Tiết hầu, ngoài màu thời gian, hồ như chẳng có gì đổi khác. Hỏi ra mới biết phủ đã bị quân họ Hồ lục soát và giặc Ngô tàn phá, cảnh tượng bây giờ do một tay Thân gầy dựng lại. Thân đứng cạnh ta, tay chắp sau lưng, chiêm ngưỡng biệt phủ như hoạ gia ngắm nghía bức tranh của mình. Ông nói với ta trừ nhà khách đã thành gian thờ Thượng tướng, còn lại nội thất các gian sau vẫn y nguyên. Thỉnh thoảng có người quyền quý ghé làng, nếu từng qua lại với họ Trần hay Thượng tướng năm xưa đều xin vào thắp nén hương. Ta hỏi:

– Ông có để ai nghỉ lại đây không?

Thân lắc đầu:

– Thượng tướng sẽ quở. Bởi thế dân làng muốn dỡ phủ để xây đền thờ, nhưng tôi thấy người đã thành Thành hoàng rồi, ngụ trong đình, phủ đệ để dành tưởng niệm thì hơn.

– Thế sao trưởng làng an bài ta nghỉ lại đây ông lại không từ chối?

Từ lúc trưởng làng đổi ý ta đã lấy làm lạ, nay càng thắc mắc hơn. Tuy ta có hướm vô thần nhưng cũng biết những điều kiêng kỵ. Năm đó khi bị xử trảm, Thượng tướng được táng ở Đốn Sơn mãi trong Thanh Hóa, song lại gần quê nhà Hà Lãng. Vốn nghĩ nếu chưa siêu thoát người sẽ về đấy, không ngờ vẫn ngụ ở trên kinh. Kinh thành có dây mơ rễ má với người, có ký ức, hoài bão và điều người khăng khăng bảo vệ, người về đây là điều dễ hiểu, phải được tôn trọng.

– Thôi vậy. Trời còn sớm, lát nữa Vân sai người sang xin cụ trưởng làng cho chúng mình nghỉ nhờ nhà cụ nhé. – Ta xua tay, dặn thị Vân. – Dù người không quở ta thì ở lại cũng không phải phép.

Nghe vậy, Thân cuống quýt:

– Bẩm bà, không đâu. Thầy tôi lúc thác có truyền lời, trước kia Thượng tướng dặn rằng nếu phủ ngài còn thì để lại cho người làm trong phủ và họ Trần tha hương. Nếu ngài tha hương, ngài cũng sẽ về đây.

Dừng một lát, ông tiếp:

– Vả lại cách đây mấy năm, có người vùng khác đến gửi đồ cho tôi, bảo là trả lại Thượng tướng. Tôi không rành rẽ vật trong phủ năm xưa lắm, nhân lúc lệnh bà ghé đến mạo muội nhờ bà xem xét hộ, vì nhận vơ quả thực không hay.

[Cảm hứng lịch sử] LIỄM VŨ PHIÊN TÌNH HỰU KỶ HỒIWhere stories live. Discover now