6. Cựu thời vương khí mai thu thảo

19 7 1
                                    

Màn đêm trôi vùn vụt về phía sau. Những đốm đèn từ điếm canh đầu làng tù mù và lập lòe, chợt lóe lên như ngọn ma trơi ngoài đồng táng. Có khi thứ ánh sáng ấy mềm và dập dềnh như đom đóm, như đang trôi trong dòng mộng. Dải đèn đêm dài ra vô tận, chảy ngược về kinh thành Thăng Long những năm cuối cùng.

Đó là đêm khô hanh duy nhất trong đời Ngọc Hiền thấy rét run, cũng buộc phải khoác thêm nhiều áo. Nàng che kín nửa mặt dưới và vầng trán, chỉ để lộ đôi mắt chìm trong bàng hoàng. Từ năm ngoái khi nghe tin cung biến trên điện Thiên An, Nguyên Hoàng nhân giờ thiết triều buộc tội Lê Quý Ly hòng ép ông ta giao trả binh quyền nhưng bất thành, còn bị quân dưới trướng họ Lê vây bắt, Bạch Ngọc cung phi mẹ nàng đã âm thầm cho người liên lạc với bác cả Trần Đạt và bác hai Trần Duy đang ẩn náu ngoại thành, chuẩn bị kế hoạch chạy về Hoan Châu. Ngặt nỗi canh phòng của họ Lê ở Thăng Long quá gắt gao, phải chờ đến tháng ba, tháng tư năm nay khi Lê Quý Ly xuống Thanh Hoa xem kinh thành mới ở An Tôn và mở hội thề trên núi Đốn Sơn; quân lực để lại Thăng Long mỏng đi, canh phòng nới lỏng, đoàn người mới bắt đầu kế hoạch được.

Ngày đi dự định là mồng tám tháng tư, song rạng sáng mồng năm đột ngột có tin tông thất họ Trần ám sát Bình chương Phụ quốc ở hội thề bất thành, người có mặt bị tóm gọn, thân đảng bị truy lùng ráo riết, gia quyến cũng liên lụy theo. Kế hoạch bị ảnh hưởng, một đoàn gần sáu trăm người chia thành nhiều nhánh nhỏ, gấp rút rời khỏi Thăng Long trong ngày mồng sáu, trước khi việc lùng bắt lan rộng dẫn đến phong tỏa cả Hoàng thành.

Vụ ám sát lần này không nhỏ, nhưng kín như bưng, cả Ngọc Hiền thường qua lại với nhóm người đầu têu cũng không mảy may hay biết. Thượng tướng quân Trần Khát Chân, Thái bảo Trần Hãng, Đại hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu… hầu như toàn bộ những người phò Trần nàng biết đều tham gia. Có lẽ đây là hạ sách mà Thượng tướng từng mập mờ nhắc đến, sau khi nước cờ cung biến Thiên An của Nguyên Hoàng đại bại. Nếu không giết được Lê Quý Ly, sớm muộn cũng có chuyện cháu ngoại nhường ngôi cho ông. Ngoại thích tiếm ngôi dẫn đến triều đại sụp đổ là điều họ Trần đã lường từ thuở khai quốc, song không thể tránh được. Cuối cùng ngày này cũng đến, mà một công chúa họ Trần như nàng chẳng biết làm gì ngoài hoảng loạn trốn khỏi quê hương của mình.

Một ngọn đuốc ném vào, điện Bạch Ngọc bắt đầu lập lòe ánh lửa. Ngọc Hiền tay níu lấy mẹ, chân mải miết bước theo gia nô dẫn đường phía trước, không kìm được ngoảnh đầu lần cuối. Mắt nàng nhòe đi, tim như thắt lại, tay chân dại ra khiến nàng gần như bất động. Nỗi đau không tên cuộn lên trong ngực, một thoáng, nàng đã muốn giằng khỏi tay mẹ để quay trở lại với chốn điêu tàn này.

Trong sát na, nàng dường như lường được ngày hấp hối, trên đèn kéo quân mình sẽ nhìn thấy cảnh gì.

Có lẽ là bức họa phụ hoàng khoác chiến bào thường được mẹ giở ra xem những ngày đầu niên hiệu Quang Thái. Có lẽ là bóng cây xoan trước sân nở hoa tím ngát khi chuyển tiết xuân ấm, màu hoa hãn hữu lại hòa vào nền trời xanh trong dìu dịu. Có lẽ là những đêm trăng thanh, trên chiếc chõng tre trước nhà, mẹ hát ru nàng bằng một làn điệu nào mẹ học hồi còn con gái. Cũng có lẽ là đêm nay, khi mồi lửa lần lượt được vứt ở những nơi thưa người trong cung, cuối cùng là điện Bạch Ngọc, để nơi nơi bùng cháy, thành toàn cho sự hèn nhát của nàng.

[Cảm hứng lịch sử] LIỄM VŨ PHIÊN TÌNH HỰU KỶ HỒIWhere stories live. Discover now