8. Liễm vũ phiên tình hựu kỷ hồi

33 7 1
                                    

— Lệnh bà đã nghĩ kỹ chưa?

Để ta ngược bắc lên Thanh Hoa tìm Cô Trung khiến Vân lo lắng không thôi. Hơn ba trăm sáu mươi dặm đường dài, bằng một nửa từ Đông Kinh về La Giang. Dạo này ta ăn ngủ không ngon, thần sắc kém đi, sức khỏe không còn, Vân sợ dọc đường đi xảy ra bề gì cũng là điều tất yếu. Thị đòi viết thư báo cho Ngọc Châu để con bé cắt cử người xuống trông chừng, bị ta càm ràm nửa buổi mới bỏ ý định ấy. Ngọc Châu biết ta đi tìm Cô Trung, đoàn người xuống La Giang chắc chắn cũng sẽ biết. Vải dệt thưa còn lọt gió, huống hồ là miệng đời. Sóng gió trên Đông Kinh chưa lui, nếu để họ biết ta đi tìm người như Cô Trung, thể nào cũng nghi ngờ rồi khép tội. Nhưng tin thì vẫn phải báo. Ta viết hai lá thư gửi đi, một cho Trịnh thị, một cho Thân. Gửi Trịnh thị để bà ấy tránh điều bất trắc, gửi cho Thân để ông giúp ta khi xảy ra chuyện.

Chuẩn bị xong xuôi trời đã sang tháng năm. Ta lên đường chỉ sau tết Đoan Ngọ một ngày, trên đường đi gặp không ít nhà còn treo lá ngải cứu kết hình con trâu treo trước cửa. Ở chợ, những quầy hàng còn nhiều dưa, dứa, chuối, đào, mận và các thứ bánh tro, bột màu sót lại từ hôm qua. Sự rực rỡ, nô nức ấy kéo dài đến hết trung tuần tháng năm, theo từ La Giang lên Thanh Hoa, khiến ta hơi chút bần thần. Hay khi dừng chân nơi quán trọ, đêm không ngủ được, ta lại mân mê chiếc vòng Trịnh thị đưa cho. Bên trong tối mờ, chỉ sờ được những hoa văn chạm trổ và thân vòng mát lạnh. Bên ngoài song, một tiếng quạ kêu tan sương lạnh, ánh đèn lồng từ hàng cơm đối diện hắt lên màu cam ấm áp, như đống lửa giữa rừng khuya, như ánh đuốc ở điền trang La Giang những ngày mới khai hoang. Tay ta siết chặt, chiếc vòng lành lạnh dần dần nóng lên, sưởi ấm cả người, đưa ta vào cơn thiêm thiếp.

Thanh Hoa là xứ ta hiếm khi đặt chân tới, dù gần bên La Giang, phần vì ký ức không vui và sức khỏe, phần vì cả Thanh Hoa lẫn Hoan Châu thường không yên ổn khiến ta không muốn đi đâu khỏi nơi đang sinh sống. Lần trước từ Kẻ Mơ xuống Trang Kè gấp gáp, ta còn chưa kịp nhìn ngắm Thanh Hoa cho kỹ. Thanh Hoa giờ thuộc đạo Hải Tây, có sông sâu uốn lượn, núi sừng sững cao, cảnh vật nên thơ lại tạo thành địa thế hiểm trở, dễ thủ khó công. Khó tránh Chiêm Thành còn day dứt mãi với vùng đất này, còn các thế lực thường âm thầm đóng quân ở đây, chờ thời nổi dậy, như nghĩa quân Lam Sơn của Thái Tổ. Nếu không bàn đến chính trị hay dùng binh, so với Đông Kinh và bốn đạo còn lại nói chung, Thanh Hoa và đạo Hải Tây hoang sơ hơn, cổ kính hơn, không nhiều chùa chiền mà vẫn đượm hơi thiền định. Quả thực, không nơi nào hợp với tính tình Cô Trung hơn nơi này.

Nơi y sống tuy là huyện nhỏ nhưng khá dễ tìm, vì không ở vùng rừng núi mà nằm sát biển. Ta hỏi thăm vài chỗ, cuối cùng cũng đến được nơi Trịnh thị chỉ điểm. Ấy là một cụm nhà ba lớp, có hàng rào thấp đắp bằng đất, quay mặt về hướng đông nam. Thoáng thấy trong sân là ao sen còn xanh lá và vài khóm hoa chi tử hương đưa ngào ngạt, có tiếng gà inh ỏi gáy trưa, có giọng đàn bà êm ái ru hờ. “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”.

Tay ta nắm tay Vân bỗng siết chặt, như thứ nằm trong lồng ngực bây giờ. Thị e dè nhìn ta rồi nhìn qua cánh cửa gỗ đóng chặt, mắt như có ý hỏi nên làm gì cho phải. Ta nên làm gì ư? Làm gì khi đến đây quá đường đột, khi không biết y còn hay đã mất, khi chưa rõ phải chu toàn lễ nghĩa thế nào. Mấy lần nhấc tay lên toan gõ cửa, ta lại chần chừ, nặng nề buông xuống. Nắng trưa càng gắt, đầu ta càng ong ong đau. “Hay là thôi, quay về”, ta nói nhỏ chỉ vừa đủ cho Vân nghe thấy. Thị giữ chặt tay ta như sợ ta chạy mất, cười lí nhí:

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: Sep 03, 2023 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

[Cảm hứng lịch sử] LIỄM VŨ PHIÊN TÌNH HỰU KỶ HỒIWhere stories live. Discover now