7. Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

13 7 1
                                    

Những ngày chờ thư, ta thường đến chùa Am thăm mẹ. Mẹ xuất gia từ hồi ta theo Thái Tổ lên kinh; thuở còn khoẻ mạnh đã không rời chùa, cao tuổi lại càng không. Mỗi ngày bà chỉ ăn được một bữa, gượng dậy tụng được một hồi nhật tụng, không thể ngồi quá lâu. Ấy vậy mà bà cụ không cho ta ở lại chùa, bảo đã có các sư cô, ni sư chăm nom giúp. Huống hồ luật lệ nhà chùa nghiêm khắc, tuy ta là con nhưng không phải người cửa Phật, không thể suốt ngày hầu hạ bên cạnh một ni sư. Bà cụ cho là phải, ta đành nài nỉ:

— Bạch cô, nếu đã vậy con chỉ xin được năng đến chùa, vừa thăm sư cô, vừa để nghe kinh kệ. Chắc các ni sư không nỡ cấm con tu tập.

Từ chối là vậy, song bà cụ có vẻ rất vui khi hay ta đến thăm. Trông bà cụ có thần và ăn uống cũng khoẻ hơn trước, có hôm còn đủ sức đi cùng ta từ nhà trai ra gác chuông, hoặc ngồi giảng kinh cho ta hơn hai khắc.

Rõ ràng cũng giống như ta, mẹ là người bước ra từ khói lửa, nhưng ở bà cụ ta không thấy chút bóng dáng quá khứ nào. Bà cụ giống như một người ta thân quen đã lâu nhưng đến từ một vùng khác, không phải Đại Việt, không có chiến trận và những lần chạy loạn. Không chỉ vì bà cụ không nhắc câu nào về chuyện cũ, ấy còn là vì trong đôi mắt đã mờ đục, thường híp lại ấy, ta không đọc được vết tích mấy mươi năm kia. Do mẹ ta được Phật lý, Phật âm gột rửa hay do ta người trần mắt thịt, lênh đênh ở cõi đọa đày quá lâu, nên nghĩ đâu đâu và ai ai cũng phải như mình, lòng đầy chấp nhất?

Hẳn là ngày nào đó ta cũng sẽ như mẹ, không còn tha thiết gì nữa hoặc không muốn tha thiết thêm gì rồi nương nhờ cửa Phật. Bây giờ còn nhiều tâm nguyện quá, lại có những việc đôi khi không biết nên làm hay không, ta biết mình chưa buông bỏ thế tục được. Chấp nhất, thật ra chỉ để kiên trì mà thôi.

Thư của Ngọc Châu đến La Giang vào một ngày nắng ráo, khi ta và Vân đang loanh quanh ở vườn xem lũ trẻ xách nước tưới rau. Giữa tiếng nô đùa í ới, một giọng đàn bà hành lễ vang lên khiến đám trẻ nín bặt, tò mò ngước nhìn. Người đàn bà ấy là tam bảo nô của chùa Am, dâng cho ta một bức thư, thưa rằng vừa nhận được từ quan truyền tin. Y ta kể chuyện mình đi ngày đi đêm từ Đông Kinh xuống La Giang, thị nghĩ thư gấp rút nên dâng hẳn cho ta lúc này.

Ta đã định mở thư, chợt nghĩ để mẹ nghe tin Ngọc Châu chắc cũng không phải điều gì phạm giới luật, nên giục Vân theo đến hậu điện tìm bà cụ. Bà cụ bấy giờ đang nằm trên sập nghỉ ngơi, mắt hơi lim dim. Thoạt thấy hai ta vào trong bà cụ hơi trở mình, giọng yếu ớt:

— Mới ở vườn về à? Con cũng có tuổi rồi, bớt việc nào thì hay việc ấy.

— Bạch cô, con xem đám con nít tưới rau thôi, không nặng nhọc gì. Vừa hay có thư trên kinh nên con mang qua đây để cô cùng nghe.

— Của ai thế?

— Của cái Châu ạ. Nó lấy chồng rồi, con có kể cho cô nghe đấy. Hôm rồi lúc về La Giang con viết thư báo bình an, chờ nó phúc thư, nay mới nhận được.

Thấy bà cụ không phản bác gì, chỉ gật gù rồi “à” một tiếng nhẹ, ta giở đưa thư cho Vân. Thư rất dài, thị lại đọc thủng thẳng, đến đoạn vui còn dừng lại góp vào mấy câu. Bà cụ nằm yên lắng nghe, mái đầu bạc ngả trên chiếu cói, khuôn miệng móm mém màu trầu hơi hé như cười. Nghe đến chuyện Thái Dương công chúa, bà cụ có vẻ hơi ngạc nhiên, chờ Vân đọc xong thư mới hỏi:

[Cảm hứng lịch sử] LIỄM VŨ PHIÊN TÌNH HỰU KỶ HỒIWhere stories live. Discover now