3. Cố hương hoàn tụ giai như thử

27 7 1
                                    

Việc nán lại Kẻ Mơ vừa là ngoài ý muốn, vừa không. Lý do khiến ta chọn đi xe ngựa chứ không ngồi thuyền về Hoan Châu, ngoài vì mùa này mưa gió chưa lui, còn là do ta muốn ngắm cảnh. Kể từ ngày lên Đông Kinh theo đoàn quân khải hoàn, số lần ta xuất cung đếm được trên đầu ngón tay. Quang cảnh kinh kỳ đã xa lạ, huống hồ là vùng ven. Giả rằng ngày mai nhắm mắt xuôi tay, ta cũng phải biết chút gì về non sông để còn tâu tổ tiên ở dưới.

Chung quy do ta tham lam cả. Nếu muốn tâu thực, ta phải chọn cảnh xuân mà ngắm để còn có lời hay ý đẹp thưa trình. Mùa đông đằng đẵng này có gì đáng kể đâu? Chẳng qua ta muốn thong thả đi về, ôn lại chuyện cũ mà thôi. Vùng Kẻ Mơ – thái ấp của Thượng tướng quân ngày ấy – vốn giữ một đoạn chuyện xưa của ta và của họ Trần. Song hồi ức dông dài đã khó lòng tường tận ở cái tuổi gần bảy mươi. Tất cả những gì ta nhớ là rừng mơ bạt ngàn của Thượng tướng: dọc theo con đê, ngồi trong xe ngựa vén mành đã thoáng thấy vẻ xanh mướt của lá nõn, điểm xuyết những đóa hoa mơ tinh khôi nở sớm.

Mưa vừa ngừng. Tia nắng hiếm hoi của ngày lấp ló trên nhành mơ trơ lá. Những đốm sáng mờ ảo không ngừng trôi về sau, ngược hướng xe chạy như bị gió thổi tản mác. Rừng mơ bây giờ chỉ còn một khoảnh vườn rộng, song vẫn nguyên màu. Tựa như sống lại hơn năm mươi năm trước, ta thấy mình mặc chiếc áo bốn vạt màu trăng mình rất thích, chạy trên đường đất, tay sượt qua những tán mơ lúp xúp. Thượng tướng vừa từ khu thao luyện về, ung dung ruổi hắc mã theo sau. Ta không còn nhớ nét mặt ngài khi ấy thế nào, hẳn là vừa dung túng vừa lo lắng. Có lẽ vì phụ hoàng đã tử trận của ta, những trung lương và nhất là trung lương họ Trần khi xưa gặp ta quả có đôi phần cả nể. Thượng tướng là người nhà, phần cả nể ấy do vậy mà chuyển thành yêu thương. Và người thường cưỡi ngựa đi cùng để trông chừng mỗi lần ta đến chơi Kẻ Mơ, trong lặng thầm và chú tâm như thế.

Bỗng, Thượng tướng quay đầu. Bóng người khoác áo sẫm màu nhìn ta bằng đôi mắt xa xăm, vai hơi buông như vừa thở dài. Rồi người mờ ảo dần khi gió đông chớm phớt. Rừng mơ im lặng. Con đường im lặng. Chỉ còn tiếng vó ngựa miệt mài lộc cộc và tiếng bánh xe chậm rãi quay đều.

Khi biết ta là người quen xưa của Thượng tướng quân, cụ trưởng làng vốn định sắp xếp cho ta nghỉ ở nhà cụ đã đổi ý. Trong lúc giữ ta lại dùng nước, cụ cho gia nhân đi đâu đó rồi bảo ta chờ tin. Chừng một khắc sau, gia nhân quay lại cùng một người đàn ông trung tuổi. Ta ngồi ngược sáng nên phải nheo mắt, vậy mà vẫn chẳng nhìn được gì ngoài mái tóc hoa râm và chiếc áo màu chàm ông đang mặc. Ông, trái ngược với ta, sững người đứng mãi trước hàng hiên, đến khi nghe cụ trưởng làng gọi mới hồi thần. Sợ ông thất thố, cụ đưa chuyện, có ý nói đỡ:

– Thân trước kia là gia nô trong phủ Vũ Tiết hầu. Từ ngày họ Hồ lên ngôi, những người liên can bị lùng bắt ráo riết. Thân cũng bị bắt, may mà thoát được. Sau đó chẳng biết anh ta lăn lộn thế nào… – Đến đây cụ nhấp môi chút nước, cười khà. – Còn sống là may. Rồi anh ta về làng, quanh quẩn ở tàn tích phủ đến tận giờ.

Sau lời kể ngắn gọn của cụ, người đàn ông tên Thân mới vào trong hành lễ. Gia nhân đã trải thêm một tấm chiếu ở sập thấp, mang thêm chè nước lên hầu. Thân chưa ngồi vội. Ông khom lưng, phấp phỏng nhìn ta mấy lần, ướm hỏi:

– Có phải lệnh bà là Huy Chân công chúa con ngài Duệ Tông, năm xưa thường đến phủ tìm cậu Hạng nhà chúng tôi và con trai thứ hai của ông hành khiển họ Hà không?

Trí nhớ tường tận của Thân làm ta ngạc nhiên, ngây người trong thoáng chốc. Gia nô ở phủ Vũ Tiết hầu rất nhiều, song không có bao nhiêu người thường gặp ta. Việc ta đến phủ làm khách không phải việc gì cơ mật, nhưng để tránh bị họ Hồ nghi ngờ, hai anh em Thượng tướng chỉ phân phó những người thân tín hầu hạ, trong số đó không có Thân. Vả lại năm nay ông mới qua lục tuần, hẳn hồi xưa chưa đến mười lăm tuổi mà nhớ được cặn kẽ, quả thực có duyên với chúng ta. Ta thấy vậy càng thêm tò mò:

– Ngày xưa ông làm việc gì trong phủ của Thượng tướng?

Giọng Thân đều đều:

– Thưa, thầy tôi là người chăm vườn mơ, chừng tôi lớn một chút thì thường đưa tôi ra đi chăm cùng. Tôi biết lệnh bà cũng vì lẽ ấy.

– Vậy nên trên trán ông mới không thích chữ. – Ta chợt vỡ lẽ. – Họ Trần đã thôi, chiến trận qua rồi. Phủ Vũ Tiết hầu không còn, sao ông còn xưng là người của phủ ấy làm gì?

Như phải nhớ về ký ức xa xưa, mờ ảo nào, Thân chọn giữ im lặng. Đôi mắt ông vẫn còn sáng và ráo hoảnh, mà cái nhìn lại xa xăm, tựa hồ không đặt trên khay chè hay cạp điều của chiếc chiếu mà ở tít đâu đó ngoài kia. Ngoài rừng mơ. Ngoài phủ Vũ Tiết hầu. Ngoài sân tập của Thượng tướng quân. Hay ngoài Thăng Long năm xưa, nơi mà ngay cả ta cũng chẳng còn rõ nữa. Khi ta tưởng rằng Thân sẽ đáp lấy lệ một câu nào, thì ông trầm ngâm cất tiếng:

– Tôi sợ nếu tôi không trở về, người ta chỉ biết đến ngài Thượng tướng ngồi trong đền thờ mà thôi.

[Cảm hứng lịch sử] LIỄM VŨ PHIÊN TÌNH HỰU KỶ HỒINơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ