Lời phi lộ

1.3K 54 9
                                    


Trời chớm sang thu. Hơi oi ả của mùa hạ chưa tan hết mà hẵng còn phảng phất vương vấn giữa tầng không lúc ban trưa. Đứa trẻ ngồi bên bờ ao, tay vần vò quả trứng gà bọc trong vạt áo nâu cũ sờn. Trứng vừa luộc, hẵng còn nóng rát, cơn cồn ruột thúc giục nó chu môi thổi phù phù từng đợt, vừa thổi vừa rẽ từng mảng vỏ cứng tách ra khỏi lớp lòng trắng mềm thơm phức. Phía trong nhà vang tiếng đàn bà kêu gào cùng tiếng bà lang già sốt sắng, chốc chốc điểm thêm vào đấy còn có cả tiếng một người đàn bà khác ho hàng tràng như muốn nôn cả ruột gan ra ngoài. Đứa trẻ cắn một miếng, quả trứng lẻm đi non nửa, mấy hạt muối mặn chát lạo xạo trong mồm quyện vào với cái vị nhạt thếch, bồn bột, ngầy ngậy vậy mà lại thành của ngon. Bà lang già giọng sang sảng vẳng từ buồng ra đến sân, quát người đàn bà đương đau đẻ khi thì cố sức mà rặn, khi lại hít mạnh vào. Cứ giằng co như vậy thêm một lúc nữa, đến hồi đứa trẻ nuốt miếng trứng luộc trôi tuột qua cuống họng, thì bà lang hớn hở hô to như muốn báo cho cả nhà là đã thấy cái đầu ló ra. Đứa trẻ chẹp miệng tiếc rẻ miếng bùi ngậy, mềm mềm trong mồm ăn có tí đã hết, rồi nó đứng dậy, đưa tay phủi hết vụn trứng lẫn vỏ. Còn chưa kịp xoay người, bên trong đã nghe thêm được tiếng trẻ con khóc inh tai nhức óc, chẳng rõ là trai hay gái. Mẹ nó ở trong nhà như cũng sốt ruột, bà cố ngồi dậy thều thào hỏi vọng vào buồng. Là thị mẹt. Bà lang già đáp lại. Đứa trẻ rón rén bước vào nhà, vừa lúc nghe được tiếng thở dài não nề của mẹ nó, đôi mắt đồng thau còn trong veo nhìn theo bà về phía căn buồng ngủ. Tiếng khóc ngày một to hơn, nghe xót cả ruột. Cuối cùng, mẹ nó lại ngồi dậy đòi dỗ con thị mẹt ấy. Bà nhận cái bọc vải thuôn dài từ tay bà lang già, giọng nói thều thào lúc nào cũng như sắp hết hơi đột nhiên hóa thành tiếng hát ru êm dịu tựa hồ là gió thoảng đưa người ta la đà theo cành trúc, rồi liền đấy lại thổn thức làm người ta man mác buồn theo cánh cò buổi chiều hôm. Chẳng biết con thị mẹt nằm lọt giữa đống vải áo xống cũ có nghe thủng được câu nào không, nhưng nó nín dần. Đứa trẻ ngồi bên cạnh mẹ, nó hơi rướn người nhìn mặt đứa em. Xấu quá. Nó nghĩ. Chợt nó thấy bồn chồn khi mẹ vừa hát ru vừa ôm đứa em ấy vào lòng. Ra rìa đấy. Có em là mày ra rìa. Ai nói thế nhỉ? Đứa trẻ không thể nhớ được, nhưng nhiều người bảo vậy lắm, cả lũ bạn chăn trâu nữa chứ chẳng cứ gì người lớn. Nó đánh bạo thò tay chọc vào má đứa em một cái, mềm nhũn cả ra. Con bé giật mình, nó khóc toáng lên. Hư thế. Không để cho em ngủ à? Mẹ nó chau mày. Bà lang già đương thu dọn đồ nghề lại góp lời, nửa đùa nửa thật bảo đứa trẻ chăm em cho giỏi, sau này có chị có em. Nếp tẻ một bề cả đấy, nhưng cũng còn hơn là độc một đứa. Bà lang cao tuổi rồi, cô con gái duy nhất lấy chồng ở làng bên, nên giờ hễ cứ ai hỏi chuyện sinh nở thì bà đều xúi đẻ nhiều cho vui cửa vui nhà. Mẹ nó dỗ con bé con trên tay chừng như cũng mệt lả, chỉ quay lại bảo nó cầm mấy đồng xu ra đưa cho bà lang và tiễn bà về. Đứa trẻ hẵng còn đang mải ngắm con em gái xấu xí nằm trong lòng mẹ, ngúng nguẩy mãi mới chịu nghe lời.

Bà lang nhận mấy đồng, thả vào cái túi dây rút giắt ở bên hông, một tay xách hộp gỗ, tay còn lại thắt quai nón. Đứa trẻ cầm cho bà thêm rổ cà hái trong vườn đã để sẵn ngoài hiên từ bao giờ. Đột nhiên, lúc nó vừa chìa rổ ra, bà lang nhìn cổ tay be bé trắng trẻo thò ra từ ống tay áo nâu chăm chú. Đoạn, bà nói với mẹ nó về nốt ruồi son nhỏ bằng đầu hạt đậu ngự ngay cuối đường chỉ tay kéo dài.

"Tay này thì sau sướng lắm đây. " Bà cầm tay nó, khen tấm tắc.

"Cũng chả biết thế nào bác ạ." Mẹ nó đu đưa con bé con trên tay. "Cháu chỉ mong đừng như cái thân cháu..."

Đứa trẻ hết nhìn bà lang lại ngơ ngác nhìn sang mẹ. Nó chẳng hiểu cả hai đang nói gì, nhưng nó biết mẹ nó đang ốm. Ốm nặng. Kể từ lúc bé đến giờ, nó chưa thấy bà khỏe mạnh được lúc nào. Mẹ nó không được như mẹ con bé con đang ngủ vêu mồm lên kia, họ hàng hay bảo nhau như vậy mỗi lần ngồi ăn giỗ ông cố. Bà lang nghe tràng ho sằng sặc của mẹ nó thì thở dài, rồi bà chào ra về. Đứa trẻ lại trở vào quanh quẩn bên mẹ trên cái giường tre ọp ẹp. Dễ đến một hồi lâu, cả hai mẹ con nó đều chỉ nhìn con bé con. Đột nhiên, từ trong căn buồng lại phát ra tiếng trở mình nặng nề.

"Tí nữa xuống bếp thả nắm gạo, nấu cho dì mày nồi cháo. Có chục trứng gà tao để ở góc đấy." Mẹ thì thào dặn dò.

"Con ăn một quả rồi." Nó bĩu môi. Thầy nó chẳng bảo trứng đấy cho cả mẹ và nó ăn nữa, nhưng mẹ cứ nhất quyết để dành hết cho dì.

"Giỏi nhỉ? Tao cấm, cứ liệu hồn. Để dì mày ăn mới có sức nuôi em chứ." Dẫu lời là đe nẹt, song giọng điệu mẹ nó nghe thều thào như hết hơi nên chẳng dọa được ai.

"Nó không phải em con." Đứa trẻ cau có. "Bu có đẻ ra nó đâu."

Người mẹ sững người. Bà nhìn đứa con đầu còn để tóc trái đào, lồng ngực như thắt lại. Thế rồi bà dịu giọng, một tay đưa ra nắm lấy tay con, kéo nó sát về phía mình. Bà thủ thỉ với nó.

"Bu không đẻ ra em, nhưng em vẫn là em của con, là con của thầy..." Trong thâm tâm, người mẹ muốn nói với đứa trẻ rất nhiều điều. Có những lời răn dạy, những lời dặn dò và có lẽ là cả lời phân trần, nhưng khi nhìn đôi mắt mở to, trong veo của nó, bà lại thấy mình lúng túng như gà mắc tóc. Trẻ con liệu có hiểu được nỗi lòng một người phụ nữ mà cuộc đời sống lay lắt nhờ thuốc thang, có rõ cái lý của một người vợ phải gạt đi tình riêng mà chấp nhận chung chồng với kẻ khác, có thấu được cho ước vọng sinh được mụn con trai để gánh vác hương khói sau này hay không? Sau rốt, bà chỉ đành thoái thác, phó mặc cái việc cắt nghĩa khó khăn ấy cho vào một dịp khác mà bà ước lệ mông lung là khi nó lớn. "Thế con có thương thầy, thương bu không?"

Đứa trẻ nghĩ ngợi, rồi nó gật đầu.

"Con thương thầy, thương bu thì con phải thương cả em nữa." Người mẹ nhỏ giọng dần, hồ như chính bà cũng ngượng miệng.

Thương... ừ thì chỉ là thương lấy nhau thôi. Nào có khó gì... Người mẹ tự nhủ.

Thế nhưng, đứa trẻ vẫn hằm hè nhìn em gái nó, nhìn cả về phía buồng như nhìn nguồn cơn của mọi sự ấm ức, tủi thân rồi sẽ gặp phải. Nó mơ hồ cảm nhận được rằng nó sẽ ra rìa, rằng kể cả khi lớn lên, nó vẫn không thể nào hiểu được vì cớ gì chục quả trứng gà trong bếp kia bu phải để dành hết cho dì. 

[Cảm hứng lịch sử] Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ