Chương 2-2: Ngô đồng

151 6 3
                                    


Châu Giang phu tử là người hiếm hoi trên đời mà Mục Huyền cho rằng xứng với chữ "thanh bạch". Thánh thượng trọng tài của ông, nhưng vừa trạc ngoài ngũ tuần, ông dâng sớ xin lui về ẩn thân trong ngôi chùa làng, lánh xa khỏi những nhộn nhạo chốn quan trường. Hoàng thái tử đứng trước cổng tam quan của chùa Diên Khánh, chàng ngắm nghía một hồi chốn dừng chân của thầy mình. Chùa nhỏ, nằm nép mình về phía Bắc chân núi Đọi, cách ruộng tịch điền ba dặm, thuộc về đất làng khác. Chàng tự tìm đến nơi phu tử chọn vui thú tuổi già vào đầu buổi chiều, lúc bóng nắng nom như đã đổ xiên trên mặt đất. Vừa rời khỏi lưng ngựa, bên tai chàng đã nghe thấy tiếng chuông gia trì vang vọng ra từ gian chính điện, dẫu cửa đóng then cài. Đương khi chàng chưa biết phải buộc ngựa ở đâu, chú tiểu độ chín mười tuổi, đầu cạo tròn ủng chỉ còn chừa lại một lọn tóc dài thả rủ vắt mang tai, đã đến khoanh tay thưa hỏi. Sư thầy dặn chú vừa quét sân vừa ở đây chờ khách. Xen giữa tiếng mõ lốc cốc đều đặn, chú tiểu lễ phép xin được dẫn chàng vào gian khách để ngồi chờ. Chàng buộc con ngựa vào dưới gốc cây hoa ngọc lan, đoạn theo chân chú ta. Chùa nằm tựa vào núi, xoay về hướng Nam, chính điện, nhà tăng và những dãy trường lang cũng theo lề thói như bao nơi khác, được an bày theo hình chữ "công"(1), dàn ngang xiên dọc rồi lại ngang thêm một nét nữa. Mục Huyền nhìn một lượt cảnh trí trong gian nhà mà sư trụ trì dùng làm nơi tiếp khách, vật dụng đều sơ sài, nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Tiếng mõ vọng lại từ gian chính điện chạy ngang đằng trước ngày càng chậm dần rồi lịm hẳn, nhường chỗ cho ba hồi chuông lảnh lên, báo hiệu thời khóa tụng kinh đã xong. Mục Huyền ngóng về phía cửa, chàng háo hức khi nghĩ đến việc sắp hội ngộ với thầy sau dễ là ba năm có lẻ. Vừa thoáng thấy tấm mành tre buông rủ được nhấc lên, chàng đã đứng bật dậy, hai tay chắp lại mà vái chào sư trụ trì. Phu tử giờ đã là sư Huệ Tĩnh, ông gầy hơn trước nhưng nét mặt hiền từ lẫn phong thái điềm đạm thì vẫn như thuở nào. Sư thầy vận áo nâu sồng, trên tay hẵng còn cầm một chuỗi hạt bảo cái, ông nhận cái vái lễ của chàng, đoạn chỉ vào ghế gỗ ra hiệu cho hãy cứ ngồi xuống đấy uống nước. Hai thầy trò đối diện nhau, nhà sư nhìn chàng một hồi, chỉ nở nụ cười hài lòng. Trước lúc tìm đến đây để thăm thầy, Mục Huyền có rất chuyện để thỉnh giáo ông, nhưng giờ đây chúng đều bị phong thái thoát tục của sư Huệ Tĩnh làm cho nghẹn lại cổ họng, không sao thoát ra được. Đôi mắt hiền từ kia, cả giọng nói chậm rãi, bàn tay không ngơi nghỉ lần chuỗi bảo cái, thảy đều ngầm báo cho chàng hay phu tử giờ có lẽ là bậc chân tu chẳng màng đến thế sự nữa. Đối trước một người như thế, chỉ nội việc nghĩ về những chấp nhặt nhỏ mọn của kẻ phàm phu tục tử cũng đã đủ làm chàng thẹn trong lòng, huống hồ còn nói ra thành lời. Vậy là chàng đợi nghe sư thầy cất tiếng hỏi, rồi khiêm nhường đáp lại. Cuộc chè nước trôi đi chậm chạp, quẩn quanh chuyện những đồng liêu, người quen cũ của ông Châu Giang phu tử hồi trước giờ ai còn ai mất, ai quan lộ thênh thang ai đã lui về nghỉ ngơi. Thi thoảng, sư thầy nhắc lại đôi ba lần chàng bị trách phạt. Lúc thì vì viết chữ xấu, khi là do không thuộc bài. Mục Huyền nhớ đến những lần ấy, trong lòng như dịu lại, xao nhãng hẳn khỏi suy tư nặng lòng. Hiếm lắm mới có lúc chàng được thảnh thơi trò chuyện thế này. Đang lúc chàng kể cho thầy nghe Huy Vũ sắp lấy vợ, chợt phía ngoài sân có tiếng con gái trong trẻo như khánh ngọc, êm tai cất lên. Hình như là người làng đội gạo đến cúng cho chùa, sư Huệ Tĩnh niềm nở ra nhận của hiến lễ ấy giống bao bận khác. Gạo nếp cau ngon lắm, dăm hôm nữa thầy để các vãi đồ xôi đóng oản vừa thơm vừa đẹp, người ta nói với sư. Rồi như gạo nếp không còn chưa đủ, lại cả đỗ xanh, đường mật. Toàn những miếng ngon quý giá, thảy người ta đều vui vẻ đem dâng hết cho Phật thánh. Cái sự hào phóng ấy khiến Mục Huyền thấy hài lòng, tự mãn, vì thế là dân chúng đang ấm no, đủ để họ sẵn lòng san sẻ mà chẳng phải lo nghĩ nhiều. Cảnh thái bình đấy là thật. Chàng vẫn ngồi ở ghế, tự rót chè nhẩn nha thưởng thức vị ngòn ngọt đượm cuối lưỡi kéo đến sau vị đắng chát. Phía ngoài hiên, sư thầy sai chú tiểu cất đi phần gạo cúng, đoạn lại quay sang hỏi han chuyện nhà của người kia. Làng nhỏ, người làng gần như cả đời làm láng giềng, họ nhẵn mặt nhau hết đời này sang đời khác, sư thầy nhập gia tùy tục cũng dự vào cái sự thân quen ấy để biết nhà này đang có người bệnh hay thêm ba hôm nữa là lại đến cái giỗ cha.

[Cảm hứng lịch sử] Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơWhere stories live. Discover now