Chương 6-1: Cố nhân

76 3 4
                                    


Vọng Hương lâu nằm ở chỗ đắc địa trong thành Thăng Long. Từ quán rượu ấy, bước vài bước sẽ ra đến chợ Cửa Đông, còn ngồi trên lầu lại nhìn thấy rõ một khúc sông Tô nhộn nhịp thuyền bè, xung quanh thì lố nhố khách điếm cho đủ loại người. Lẽ cố nhiên, với đám thương buôn đã tìm đến Kẻ Chợ làm ăn, chốn đấy thành chỗ hay tuyệt để nhâm nhi cơm rượu lại tiện thể nghe ngóng tin này tin kia với nhau. Chủ ông vốn có gốc từ đất Ngô, gặp lúc loạn lạc mới chạy đến phương nam lánh thân, rồi mở ra Vọng Hương lâu. Khách đến ăn uống đều ưa tính xởi lởi của lão, thấy lão hay tươi cười hớn hở thì đùa vui, gọi lão là Tiếu Ông. Lâu dần thành quen, ai cũng gọi thế mà lão cũng thích cái tên này, cho đến giờ chẳng còn mấy người nhớ tên thật của lão nữa. Tiếu Ông giỏi nhất chuyện nhận mặt người. Khách khứa ghé lâu, chỉ cần một lần, lão cũng nhớ mặt. Chẳng những thế, họ thích gì, ghét gì, ăn gì, uống gì, ưa nằm gian nào... lão đều nhẩm được vanh vách trong đầu mà dặn dò người làm.

"Ối chà, là ông đấy à?" Vừa thấy người thanh niên nai nịt gọn gàng bước vào quán, Tiếu Ông đứng sau quầy hàng vội dừng tay gẩy bàn tính mà đon đả. "Dễ đến nửa năm không thấy ông ghé quán."

"Chủ ông hẵng còn nhận ra tôi cơ đấy!" Người khách hơi ngạc nhiên thốt lên.

"Nhớ, nhớ chứ. Ông là ông Nhữ Dương, buôn tơ với bình, liễn. Tháng Chạp năm ngoái neo thuyền buôn ngoài bến sông Tô, có ghé nghỉ lại trong lâu hai đêm. Lão quên thế nào được." Tiếu Ông cười khà khà. Anh chàng này là tay phóng khoáng, trả tiền trọ lẫn tiền cơm đều trả dư đến mấy đồng. Trong số khách ghé lâu, không nhiều người rộng rãi được thế. "Ông Nhữ Dương chuyến này lại sắp dong buồm xuôi xuống Chiêm hay đi bạc dịch trường đấy?"

"Chủ ông thế mà cũng nhớ dai nhỉ." Chàng cố niềm nở, nhưng nét mặt không giấu được vẻ phiền muộn. "Lần này lên kinh có việc, chưa tính đến chuyện bán buôn. Chủ ông còn phòng thì cho tôi trọ lại."

Tiếu Ông cũng đoán được khách gặp chuyện không vui, lão không gợi chuyện thêm, vội báo lại hẵng còn phòng. Người khách gật đầu, lấy trong tay nải ra mấy đồng tiền, tỏ ý chưa định được phải ở đến bao giờ. Chủ ông cũng không phải kẻ quá chi li, thấy khách ngần ngừ tính ngày, ông xua tay, luôn miệng nói để sau, chớ lo. Nhữ Dương cảm tạ Tiếu Ông, chàng toan bước theo chân đứa người làm lên phòng trọ trên lầu, nhưng mới được nửa bước lại hạ giọng hỏi chủ ông mấy câu. Những chuyện chàng hỏi đều không can hệ gì đến bán buôn, mà phần nhiều chỉ về cửa quan. Nhất là về hoàng thái tử Mục Huyền. Tiếu Ông có còn mắt tinh đời, nghe qua đã đoán được mấy phần chàng ủ rũ như thế ắt dính vạ đến cửa quan.

"Tôi hỏi thật ông, cớ gì lại dò chuyện cửa quan kỹ thế?" Ông lão thẳng tuột. Chẳng gì, ông cũng nổi danh là tay nghe ngóng được lắm chuyện nhất chợ Cửa Đông, muốn hay chuyện này chuyện kia phải tỏ tượng ý người ta mới biết đường nói cho vừa.

"Chẳng giấu gì chủ ông, anh cả nhà tôi vừa nhậm chức chưa được mấy ngày, chả biết tai bay vạ gió thế nào lại bị gô cổ tống vào ngục." Nhữ Dương thở dài, đoạn thành thật. Dân buôn với nhau, chàng thừa hiểu những chuyện thế này nghe phong thanh từ chỗ chủ ông là nhanh nhất. Muốn thế, phải nói rõ đầu đuôi. "Tôi nhờ người quen nghe ngóng, tính toán ngược xuôi, chỉ có đi kêu cầu chỗ hoàng thái tử được thôi. May ra ngài ấy còn chịu đọc tờ biểu cho."

[Cảm hứng lịch sử] Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơWhere stories live. Discover now