VÕ TẮC THIÊN - MỸ NHÂN THAM VỌNG ĐIÊN CUỒNG (p4)

662 13 0
                                    

Cao Tông còn đang phân vân thì ngày hôm sau, Hứa Kính Tông lại vào tâu thêm: "Trước kia Tùy Dạng Đế vì quá tin tưởng Vũ Văn Thuật, cũng là bậc khai quốc công thần nên trọng dụng con trưởng là Vũ Văn Hóa Cập, gả quận chúa cho em trai là Vũ Văn Sĩ Cập, nhưng cuối cùng thiệt mạng, mất giang sơn vì nhà Vũ Văn. Hạ thần không dám khuyên bảo hoàng thượng, nhưng người ta thường nói: bất độc bất trượng phu. Đừng để khi Trưởng Tôn Vô Kỵ ra tay, thì e rằng đỡ không kịp nữa!".

Nghe vậy, Cao Tông cũng đâm hoảng hốt, hồ đồ hạ chiếu lột hết chức tước của Vô Kỵ, lấy lại toàn bộ đất phong và đày đi Kiềm Châu giống như Lý Trung. Cao Tông không hề nghĩ đến việc cắt chức Trưởng Tôn Vô Kỵ sẽ kéo theo nhiều sụp đổ khác, làm cho triều đình nhà Đường trống rỗng, trở thành vùng đất cho Võ Tắc Thiên và đồng bọn tha hồ tung hoành. Trưởng Tôn Vô Kỵ mất chức rồi, Võ Tắc Thiên chẳng còn gì lo ngại, lần lượt biếm Chử Toại Lương làm đô đốc Đàm Châu, Quế Châu; còn các con của ông là Chử Ngạn Phủ, Chử Ngạn Xuân đều bị giết 1 cách mờ ám trên đường đi đày xuống Ái Châu. Vẫn chưa vừa ý, tháng 7 năm Hiển Khánh thứ 4, Võ Tắc Thiên ghép Liễu Bậc vào tội chết, đồng thời giả chiếu chỉ bắt Trưởng Tôn Vô Kỵ đang ở đất đày phải tự xử; riêng Hàn Viện trước kia cật lực phản đối lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu thì khi đã chết rồi vẫn bị đào mả, vứt thi thể xuống sông cho cá ăn.

Những vụ giết người không nương tay vô cùng tàn độc này làm cho người bạo gan nhất cùng phải rùng mình. Từ đó không một ai dám mở miệng xúc phạm đến Võ Tắc Thiên nữa. Triều đình trở thành vở tuồng cho các nịnh thần ngày ngày nịnh hót, thi nhau mua chuộc lấy lòng Võ Tắc Thiên; vừa bảo toàn mạng sống, vừa vinh thân phì gia.

Đến thời điểm này, ngôi vị của Võ Tắc Thiên hoàn toàn vững chắc, bắt đầu tham vọng chiếm đoạt luôn các quyền hành của Cao Tông. Võ Tắc Thiên viện cớ Cao Tông bị chứng đau đầu, tinh thần không minh mẫn, thâu tóm hết các tấu chương, tự mình phê duyệt, không cần hỏi ý kiến của Cao Tông. Thoạt đầu Cao Tông còn có lo ngại, nhưng Võ Tắc Thiên rất khôn ngoan, bà ta không hề làm gì sai phạm, tận tụy lo việc triều đình chẳng khác gì ông vua anh minh. Dần dần Cao Tông tin tưởng trao hết quyền hành cho Võ Tắc Thiên, chỉ vùi đầu ăn chơi hưởng lạc. Thế nhưng khi ấy sức khỏe nhà vua đã quá suy yếu, Võ Tắc Thiên thì còn tuổi sung sức, và việc làm loạn phép tắc trong hậu cung tất phải đến. Võ Tắc Thiên thường đặc cách cho 1 số thanh niên trai tráng ra vào tự do, mặc dù những người ấy không hề có chức tước hoặc nhiệm vụ gì. Cao Tông đành nhắm mắt làm ngơ. Chẳng ngờ 1 thời gian sau, có 1 vị quan tên Dương Phục Thắng vì uất ức khi nhìn thấy những việc vô sĩ đê tiện diễn ra trước mắt, viết thư tố cáo Võ hoàng hậu thông dâm với tên đạo sĩ Quách Hành Chân, lại còn sai y dùng bùa chú trấn ếm những người vô tội. Không dừng được, Cao Tông liền viết mật chiếu hỏi ý tể tướng Thượng Quan Nghi. Vốn có ác cảm với Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Nghi lập tức dâng sớ phúc đáp, cho rằng Võ Tắc Thiên lộng quyền, thi hành búa chú mê tín dị đoan, phạm toàn những tội lớn nên cần phải phế bỏ. Cao Tông nghe theo, sai Thượng Quan Nghi viết sẵn chiếu chỉ, chờ hội đình thần lại rồi mang đọc trước bá quan văn võ. Tiếc rằng Võ Tắc Thiên tai mắt nhanh nhạy hơn, nhanh chóng vào thẳng cung Cần Chính, tận mắt nhìn thấy tờ chiếu thư do Thượng Quan Nghi soạn thảo, Võ Tắc Thiên liền giở thủ đoạn mê hoặc, khóc lóc thanh minh, cho rằng mình bị hàm oan. Với sắc đẹp kiều mị sẵn có, Cao Tông càng nhìn mỹ nhân vật vã khóc lóc càng động lòng, ấp úng chối cãi: "Trẫm làm sao có thể phế bỏ ái khanh được! Việc này hoàn toàn do Thượng Quan Nghi chủ trương mà thôi!".

THẬP ĐẠI MỸ NHÂN TRUNG QUỐCWhere stories live. Discover now