Khi tiến hành đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối triều Tùy, thế lực của lưu thủ (1) Thái Nguyên Lý Uyên dần mạnh lên, sau đó, ông nổi dậy chống nhà Tùy, kiến lập triều Đường. Trong quá trình đó, người con thứ hai của ông là Lý Thế Dân có công rất lớn, đóng góp nhiều công sức, qua đó thể hiện là một người có tài năng xuất chúng.
Lý Uyên có bốn người con trai: Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân, Lý Huyền Bá và Lý Nguyên Cát, trong đó Lý Thế Dân tỏ rõ một con người có nhãn quan chính trị, biết phân tích tình thế đương thời, cho rằng sự thống trị của triều Tùy sẽ chỉ tồn tại không được bao lâu, chỉ có nhân cơ hội xã hội đang hỗn loạn, giành lấy chính quyền mới có thể đảm bảo địa vị và lợi ích cho gia tộc.
Lúc đó, có một viên quan địa phương là Lưu Văn Tĩnh bị Tùy Dạng Đế bãi miễn chức vụ, tống giam vào ngục. Lý Thế Dân nghe nói ông ta là người biết suy xét, thường tới thăm hỏi. Lưu Văn Tĩnh thấy Lý Thế Dân là một nhân tài, có thể làm nên sự nghiệp lớn đã khuyên cha con Lý Thế Dân nổi dậy chống Tùy. Sau đó, hai người cùng bàn bạc kế sách.
Hôm sau, Lý Thế Dân cử một người thân tín của mình là Cao Bân Liêm, có sở trường về cờ bạc mang theo một số tiền lớn tới gặp Bùi Tịch ở cung Tấn Dương đánh bạc. Chẳng bao lâu, Cao Bân Liêm đã mất hết số tiền cho Bùi Tịch. Bùi Tịch sung sướng cười ha hả, mời Cao Bân Liêm uống rượu. Cao Bân Liêm nói:
– Ngài có biết ngài đã thắng số tiền của ai không?
Bùi Tịch ngạc nhiên lắm. Cao Bân Liêm ghe sát tai Bùi Tịch, nói nhỏ một câu gì đó. Bùi Tịch lộ niềm vui ra mặt, nói:
– Công tử là một nhân tài khó thấy.
Mấy hôm sau, Lý Thế Dân mời Bùi Tịch uống rượu. Sau đó, Bùi Tịch lại mời Lý Thế Dân. Cứ đi lại như thế, chẳng bao lâu, quan hệ giữa hai người đã vô cùng thân thiết.
Một hôm, hai người đang trò chuyện rất vui vẻ, Lý Thế Dân bỗng tỏ ra buồn phiền. Bùi Tịch hỏi:
– Công tử có điều gì khó nghĩ hay sao?
Lý Thế Dân thở dài, nói:
– Hoàng thượng coi gia tộc tôi như cái gai trong mắt, miếng thịt mắc trong cổ, tình cảnh thật là bấp bênh. Xem tình thế hiện nay sớm muộn cũng sẽ có thay đổi, tôi rất muốn nhân cơ hội này làm nên nghiệp lớn, chỉ sợ cha tôi không bằng lòng, ngài xem có cách nào không?
Bùi Tịch và Lý Uyên có quan hệ rất thân mật, nghe Lý Thế Dân nói vậy, suy nghĩ rồi nói:
– Công tử không có gì phải bận tâm, tôi sẽ có cách.
Bùi Tịch suy nghĩ, nhớ chuyện Lý Uyên đã nhận hai cung nữ trong cung Tấn Dương. Một hôm, Bùi Tịch mời Lý Uyên tới uống rượu, khi hai người đã trông một thành hai, Bùi Tịch nói:
– Thật tôi đã hại ngài, cái việc tôi mang cho ngài hai cung nữ trong cung Tấn Dương, sợ có người biết...
Lý Uyên thất sắc, tỉnh rượu. Giữ cung nữ là thuộc tội chết. Làm thế nào bây giờ?
Bùi Tịch nói:
– Nhị công tử Lý Thế Dân sợ việc này bại lộ sẽ mang tai họa nên đang chiêu binh mãi mã, thu góp nhân tài. Tôi thấy cũng phải ra tay, nguy khốn có thể trong sớm tối, nổi dậy chống Tùy việc chắc thành công.
