Thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, có chính quyền Nam Đường, ở đó có bảo vật trời cho, nhân kiệt địa linh, một thời gian dài không bị ảnh hưởng của loạn lạc, cho nên kinh tế phồn vinh, cuộc sống an dật, có lẽ người Trung Nguyên muốn tránh nẹn binh đao đếu tìm đến miền đất sung sướng này.
Lý Dục là ông vua cuối cùng của Nam Đường, sử gọi là Nam Đường Hậu Chủ. Ông là điển hình của người phong lưu tài tử, sách đọc rất nhiều, văn chương thơ phú đều tinh thông cả, lại còn thông hiểu âm luật, có thể nói, ông là một nhà nghệ thuật toàn diện. Có lẽ chính vì chỉ hứng thú cầm kỳ thi họa, nên với những công việc thế sự, ông tỏ ra lười biếng, với những việc quốc gia đại sự càng chẳng hiểu biết gì.
Lý Dục là con thứ 6 của Lý Cảnh. Vốn đã biết ngôi Hoàng đế không tới phần mình, hơn nữa ông cũng chẳng thích thú gì với ngôi vị này. Anh cả của ông là Lý Hoằng Ký, rất có tài năng, văn võ song toàn, được lập làm Hoàng Thái tử, trở thành người kế vị trong tương lai. Nhưng Lý Hoằng Ký vẫn sợ người khác uy hiếp ngôi vua của mình. Bốn người em khác của Lý Hoằng Ký đều chết yểu, Lý Dục thực tế đã trở thành con thứ hai nên Lý Hoằng Ký rất đề phòng Lý Dục. Ông trời thật hay trêu ngươi, không muốn Hoàng đế tương lai được kế vị, năm 19 tuổi, Lý Hoằng Ký bị bệnh chết. Lý Dục tới năm 25 tuổi được kế thừa ngôi vua.
Lúc đó, Triệu Khuông Dận đã kiến lập triều Tống ở phương bắc, cục diện Nam Đường đang hồi nguy cấp. Lý Dục hàng năm vẫn tiến cống cho triều Tống chỉ để cầu an. Cái lo lắng nhất của Lý Dục là làm sao cho an phận, sống qua ngày, không muốn làm vong quốc nô. Chỉ cần như thế nên Lý Dục đổi quốc hiệu là "Giang Nam quốc chủ", lược bớt nghi thức thiết triều, thay đổi triều phục, anh em con cháu đều chấp nhận như vậy. Tống Thái Tổ gọi nhập triều, Lý Dục trước sau không dám mạo hiểm, sợ có đi mà không có về, cho nên luôn cáo bệnh để chối từ.
Việc này khiến Tống Thái Tổ nổi giận:
– Giang Nam quốc chủ khá lắm! Nhiều lần không đến, rõ ràng là cố ý kháng mệnh bất tuân. Nay ta sẽ đưa quân đánh dẹp cho hắn biết tay.
Tháng 9 năm Khai Bảo thứ 7 (974), Tống Thái Tổ cử đại tướng Tào Bân, Phan Mỹ mang mười vạn đại quân, từ Kinh Châu xuất phát, thủy bộ hai đường, ào ạt tiến về phía Nam Đường.
Quân Tống tới Trì Châu, quan coi giữ Trì Châu thấy quân Tống tới nơi, vội vàng bỏ thành mà chạy. Quân Tống đánh thẳng tới Đồng Lăng mới gặp sự chống cự yếu ớt, nhưng cũng dù sao đó vẫn không phải là đối thủ. Sau một trận chém. giết, quân Nam Đường bỏ chạy không còn một mống. Được đà, quân Tống đánh thẳng tới đô thành Kim Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô).
Kim Lăng nguy cấp chỉ trong ngày đêm, Lý Hậu Chủ không còn cách nào, đành cử Học sĩ Từ Huyễn (2) đến Biện Kinh xin Tống Thái Tổ bãi binh.
Từ Huyễn là một trung thần của Nam Đường, người chính trực, có tài ăn nói. Cử ông ta tới Biện Kinh có lẽ là hy vọng cuối cùng của Lý Hậu Chủ. Từ Huyễn đến Biện Kinh, lập tức tới yết kiến Tống Thái Tổ. Ai ngờ, Tống Thái Tổ đã hỏi phủ đầu:
