- CẠNH TRANH - "TRÒ CHƠI TÀN KHỐC"

261 3 0
                                    

Trên thảo nguyên mênh mông bát ngát, hàng ngày, khi mặt trời ló dạng, sư tử và linh dương lại bắt đầu thi chạy. Sư tử thì đuổi bắt bằng được linh dương, vì linh dương là món ăn ngon của chúng. Linh dương thì buộc phải chạy nhanh hơn sư tử, bằng không sẽ bị sư tử ăn thịt. Trong đàn linh dương cũng có sự cạnh tranh tàn khốc. Chú linh dương nào chạy chậm nhất sẽ trở thành mồi của sư tử, còn những chú linh dương khác có thể tạm thời thoát nạn. Đây chính là sự cạnh tranh tàn khốc trong giới động vật.
Với quan niệm "cá lớn nuốt cá bé" thì sói là loài có ý thức cạnh tranh mạnh mẽ nhất trong giới động vật. Chúng không chỉ cạnh tranh với các loài động vật khác, mà còn phải đương đầu với sự cạnh tranh kịch liệt trong bầy sói. Thông thường, trong lãnh địa của một bầy sói, sẽ có một con sói chúa, nó có quyền lực thống lĩnh đàn sói sống trong khu vực này. Khi cần sức mạnh tập thể để săn mồi, sói chúa sẽ dùng tiếng hú để tập hợp đàn sói lại. Các con sói thành viên đều phải tuân thủ tuyệt đối sự sắp xếp của nó. Đương nhiên, vị trí sói chúa này cũng được quyết định qua sự cạnh tranh giữa các thủ lĩnh trong bầy.
Trong bầy sói, không phải con sói nào cũng có thể giành được vị trí thủ lĩnh và cũng không được quyết định theo tuổi tác hay thứ bậc. Tất cả các con sói đực đều có tư cách tham gia, chỉ có con mạnh nhất đàn mới chiếm được vị trí này. Trong bầy sói, khi thế hệ sau đang dần lớn lên, chúng sẽ dòm ngó vị trí thủ lĩnh. Dù thủ lĩnh là cha chúng, chúng cũng không để ý, vì đàn sói là một thế giới kẻ mạnh làm chủ. Đồng thời, anh em cùng đàn cũng cạnh tranh nhau kịch liệt. Cuối cùng, con sói mạnh nhất sẽ trở thành thủ lĩnh của đàn sói này, còn các con sói khác hoặc là thần phục nó, hoặc là dẫn theo vài con lập ra một đàn mới, hoặc là lưu lạc khắp nơi, trở thành một con sói cô độc, hoặc là gia nhập vào đàn sói khác. Sau khi thủ lĩnh mới đã được xác lập, những con sói khác phải tuân theo sự lãnh đạo của vị thủ lĩnh này. Là con sói đầu đàn, nó có quyền lực tuyệt đối. Việc tuân theo trật tự đẳng cấp nghiêm ngặt sẽ đảm bảo sự sinh tồn của bầy sói.
Giữa các bầy sói còn tồn tại một sự cạnh tranh khác, đó là sự tranh giành lãnh địa. Do thức ăn trong thiên nhiên có hạn, nên các bầy sói thường gây chiến với nhau để tranh giành lãnh địa. Mỗi đàn sói đều có lãnh địa riêng của mình, chúng dùng nước tiểu và mùi để phân định lãnh địa. Nhưng cũng có đàn sói xâm phạm vào lãnh địa khác do thiếu thức ăn. Đối phương đương nhiên là không chấp nhận điều này, nên khó tránh khỏi chiến tranh. Bên chiến thắng sẽ là chủ nhân của lãnh địa này, còn kẻ thất bại không được kiếm ăn ở đây.
Từ sự cạnh tranh "tàn khốc" giữa các bầy sói, chúng ta sẽ nhận ra, kỳ thực, "cạnh tranh" tồn tại ở mọi lĩnh vực trong đời sống con người, như trong thể thao thì có thi đấu bóng đá, bơi lội, quyền anh, điền kinh, cờ...; trong văn hóa văn nghệ thì có các cuộc thi âm nhạc, thi ca, kịch, phim ảnh, hội họa; hoặc thi đua học tập, thi diễn giảng, thi đua lao động... Đó là những cuộc cạnh tranh hữu hình, còn những cuộc cạnh tranh vô hình như ngầm hạ quyết tâm vượt qua người khác thì lại tồn tại ở khắp nơi.
Có thể nói, cạnh tranh là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của xã hội và sự trưởng thành của cá nhân.
Cạnh tranh là hoạt động phối hợp của nhiều kết cấu tâm lý: để có được thành tựu nên tham gia cạnh tranh; có mục tiêu rõ ràng là giành được thành tích cao và thắng lợi; sự cao thấp sẽ xuất hiện khi hai bên cạnh tranh với nhau, chính vì danh dự và cái tôi nên người cạnh tranh sẽ luôn bị áp lực; người cạnh tranh có quyết tâm khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Do sự phối hợp của nhiều loại hoạt động tâm lý, nên người tham gia cạnh tranh luôn có tinh thần sung mãn, sục sôi ý chí chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Vào năm 1955, nhà khoa học Mỹ Andree Schally và nhà khoa học người Pháp Roger Guillemin cùng tuyên bố từ vùng dưới đồi, có thể phân lập CRF do tuyến yên sản xuất ra. Từ đó, cả hai nhà khoa học triển khai cuộc cạnh tranh phân lập CRF. Ai cũng muốn về đích trước. Suốt 22 năm cạnh tranh, tuy họ đều không tách được CRF nhưng họ đã đạt được những thành quả khoa học sáng chói. Schally phân lập và tổng hợp thành "Thyrotrophic releasing factor" và "Luteinizing hormone-releasing factor". Guillemin phân lập và tổng hợp thành "Somatostanin hormone-release inhibiting factor" (SRIF). Thành quả nghiên cứu này của hai ông đã chứng minh được sự tồn tại của hóc-môn, mở ra con đường mới trong việc chữa một số căn bệnh, cung cấp một số dữ liệu cho việc tìm ra phương pháp an toàn trong kế hoạch hóa gia đình. Cả hai ông đã cùng giành được giải Nobel Y khoa.
J. C. Chapman và R. B. Feder từng tiến hành dạy phép cộng trong vòng mười ngày cho hai nhóm học sinh lớp năm. Mỗi ngày, học sinh của hai nhóm được luyện tập mười phút. Trong đó, một nhóm không có sự thi đua, chúng chỉ được luyện tập bằng thái độ học tập của chúng. Nhóm còn lại thì có sự thi đua, kết quả học tập của chúng được công bố mỗi ngày và thưởng ngôi sao cho những trẻ có tiến bộ và xuất sắc. Kết quả cho thấy, trong 5 ngày đầu, thành tích của nhóm có thi đua có xu hướng đi lên, còn thành tích của nhóm không thi đua có xu hướng đi xuống, và nhích dần lên vào 5 ngày sau. Như vậy, thành tích của nhóm có thi đua vượt hơn hẳn so với nhóm không thi đua. Từ đó, cho thấy sự cạnh tranh có tác dụng khích lệ rất lớn. Cạnh tranh là sức mạnh tinh thần thúc đẩy chúng ta không ngừng tiến bộ. Một người nếu thiếu ý thức cạnh tranh thì chắc chắn sẽ không có nhiều triển vọng.
Một ông bố ngồi nói chuyện với cô con gái và bạn trai của cô trong phòng khách. Ông hỏi bạn trai của con mình: "Cậu có thích chơi bóng không?"
Cậu ta trả lời: "Thưa, không ạ, cháu không thích lắm, phần lớn thời gian của cháu là đọc sách và nghe nhạc."
Ông bố tiếp tục hỏi: "Vậy có thích cá cược đua ngựa không?"
Cậu ta trả lời: "Thưa, không ạ, cháu không thích cờ bạc."
Ông bố lại hỏi: "Cậu có thích xem thi điền kinh hoặc các trận cầu trên ti vi không?"
Cậu ta trả lời: "Thưa, không ạ, cháu không thích những hoạt động có tính cạnh tranh."
Sau khi cậu ta ra về, cô con gái hỏi bố: "bố thấy anh ấy thế nào?"
Ông bố trả lời: "Nếu con kết bạn với cậu ta thì bố không phản đối, nhưng nếu con muốn kết hôn với cậu ta thì bố quyết không tán thành."
Cô con gái kinh ngạc hỏi: "Tại sao chứ?"
Ông bố trả lời: "Thông thường, người nuôi chim hoàng anh sẽ không bao giờ để nó ở nhà. Họ sẽ mang nó đến quán trà, vì nơi đó có nhiều chim hoàng anh. Con chim hoàng anh này khi nghe thấy những con khác cất tiếng hót, nó sẽ không chịu lép vế, nên cũng cất cao tiếng hót. Đây là mẹo huấn luyện chim hoàng anh của người nuôi chim."
Cô gái hỏi: "Chuyện này có liên quan gì đến con và bạn trai con?"
Người bố lại nói: "Người nuôi chim kích thích tính cạnh tranh của chim hoàng anh, để đánh thức giọng hót hay của nó. Nếu không có cạnh tranh thì con chim hoàng anh này có thể sẽ không bao giờ hót vì không có những con chim khác so tài với nó."
Cô con gái gật đầu như đã hiểu ra được ẩn ý.
Ông bố nói tiếp: "Sau khi nói chuyện với bạn con, bố đã phát hiện ra cậu ta không vận động và không thích vận động, cũng không thích đấu bóng, gạt bỏ tất cả những hoạt động có tính cạnh tranh. Bố cho rằng người như thế thì khó làm nên được chuyện gì, vì vậy, bố phản đối con kết hôn với cậu ta."
Rõ ràng, người không có tinh thần cạnh tranh sẽ không thế đánh thức động lực tiến thủ trong nội tâm, người như vậy khó có thể tiến xa được trong xã hội đầy cạnh tranh này.
Một số người luôn chăm chỉ làm việc và ham học hỏi thường gặp tình huống sau: những người có điều kiện kém hơn mình lại giành được thành công trước mình, hoặc là thăng tiến nhanh hơn, hoặc là được trọng dụng hơn. Đó chính là do bạn thiếu "ý thức cạnh tranh".
Từ xưa đến nay, loài người luôn sống trong các kiểu cạnh tranh, một người muốn tồn tại và phát triển trong một doanh nghiệp, thì cần phải có ý thức cạnh tranh, ý thức được rằng mình phải làm tốt hơn đối thủ. Dũng cảm cạnh tranh và giỏi cạnh tranh mới có thể làm cho mình nổi bật giữa mọi người, và là một trong những yếu tố cơ bản giúp bạn trở thành người xuất sắc trong sự nghiệp. Nếu bạn cứ cắm cúi đi mà không để ý tới tình trạng của đối thủ, thiếu ý thức cạnh tranh về chỗ đứng trong xã hội, thì rất có thể sẽ trở thành người tụt hậu.
Sự thông minh tài trí và năng lực của một người chỉ có thể phát huy một cách hiệu quả khi cạnh tranh. Không có ý thức cạnh tranh, sẽ không có động lực phấn đấu và tiến thủ. Người như vậy sẽ dễ dàng bị đào thải.
Cạnh tranh là một loại năng lực, chỉ ở trong cạnh tranh mới có thể cảm nhận được sự tồn tại của cuộc sống, chỉ ở trong cạnh tranh mới có thể sống hết mình và có ý nghĩa, chỉ ở trong cạnh tranh mới có thể thể hiện được mình.
Tóm lại, dù cạnh tranh với phương thức nào, hay đối thủ cạnh tranh là ai, nội dung cạnh tranh cụ thể là gì, thì cạnh tranh cũng là để áp đảo đối phương, vượt qua đối phương. Trong cuộc cạnh tranh áp đảo đối phương, bạn sẽ thỏa mãn về tâm lý, như thế, cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa hơn. Về điểm này, sói cũng vậy mà con người cũng vậy.

Phép Tắc Của Loài SóiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ