1. Tử Kỳ Gặp Quý Nhân

38 2 0
                                    

Kỳ Nam sinh ra ở Sài Gòn trong một gia đình thương nhân sa sút sau giải phóng, thứ duy nhất còn sót lại minh chứng cho quá khứ huy hoàng của dòng tộc, từng kinh doanh qua lại mấy đời giữa Nam Vang và Gia Định, đó là căn nhà to dài ba tầng nhưng đã rệu rã hằn vết thời gian ở gần chợ Hàng Xanh. Tuổi thơ của Kỳ Nam trôi qua tương đối yên ắng, thế giới quan chỉ bó hẹp quanh con hẻm chợ bằng đôi mắt đen láy.

"Ê thằng nhóc, khùng hả mày, suốt ngày chui rút trong nhà không ra ngoài chơi cu?"

"Thằng lập dị, haha!"

"Mặc quần rách kìa, lêu lêu, hèn gì không dám ra đây!"

Tiếng văng vẳng của mấy đứa nhỏ đang chơi trong xóm chạy ngang ngó lên trêu cười. Kỳ Nam thường quanh quẩn trong nhà với bốn bức tường và thích tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua cái ban công cũ kỹ trên tầng một, chiều chiều nhìn ngắm lũ trẻ trạc tuổi chơi đùa. Đôi khi được mẹ cho phép, cậu cũng ra khỏi nhà dòm ngó một chút. Nhưng cậu không tham gia với tụi nó mà chỉ đứng đó một mình.

"Tao coi tụi mày chơi thôi à, tao không thích chơi... mệt lắm."

Sau thời cải cách kinh tế vài năm, con người ta vẫn còn chật vật tìm sống. Nhiều người cũng vì thời cuộc mà vô tình làm những công việc không mong muốn rồi vô tình gắn bó với nó đến hết đời. Mẹ cậu cả ngày bán bánh mì ngoài chợ, vất vả cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.

"Mẹ mày bán bánh mì sập luôn cái nhà lầu! cứ cho người ta ăn không hoài." Thỉnh thoảng ăn cơm cha cậu hay càu nhàu, cũng chẳng biết đang chửi hay đồng tình.

Cứ lẩn quẩn trong nhà một mình nên tuổi thơ của cậu có hai món đồ quý giá nhất, một là cây viết để cậu có thể vẽ lên tất cả tưởng tượng hoang đường trong bộ óc nhỏ bé của mình, hai là chiếc hộp thần kì mà nghe nói là từ thời bà Sơ để lại, trong đó đầy ấp đủ thứ đồng tiền kim loại của các nước Đông Dương, các nước ngoài khơi xa và nghe đâu có cả tiền của mấy ông Tây từ bên nửa kia trái đất nữa.

Ngoài đống tiền xu, còn có một quyển sách nhỏ nhưng nhìn rất chỉn chu hoài cổ, trang nào cũng in đủ thứ con dấu và chữ nghĩa lạ kỳ. Nghe mẹ cậu nói nó là hộ chiếu của bà Sơ, ngày xưa gia đình mình buôn bán khắp nơi trên đất Đông Dương này, thời đó trong nhà ai cũng có một cuốn.

"Hoá ra thế giới còn rộng lớn như vậy!". Bộ óc nhỏ bé bắt đầu tưởng tượng ngày mai sáng lạn hơn là chỉ quanh quẩn với mấy đứa trong xóm hay phụ mẹ giao gói bánh mì ngoài chợ.

Cha cậu từng có một vị trí kỹ sư rất tốt trong doanh nghiệp nhà nước khi mới ra trường, vì hồi đó mấy ai có bằng đại học. Nhưng đó là một thời đại sơ khai và hỗn loạn, có kẻ ác và người lành. Ông từ bỏ vị trí rồi bắt đầu với nghề giáo, nơi ông cống hiến thầm lặng với đồng lương ít ỏi nhưng thanh sạch. Cái nghề mà từ ngã rẽ đó ông đã đi suốt cuộc đời hơn ba thập kỷ cho đến khi nằm xuống giường bệnh.

"Tui biết hết nhưng tui không làm như người ta được, thà tui sống là chính tui như thế, không hổ thẹn". Thỉnh thoảng ông giáo già lại tự nhẩm một mình.

Sanh bệnh già chết, xưa nay chưa chừa một ai.

Bước qua ngưỡng cửa tứ tuần vài năm, cảm thấy cơ thể có những biến chuyển sức khỏe tồi tệ, ông thử đi bệnh viện rồi phát hiện ra mình bị ung thư sau khi sinh thiết. Thời đó ung thư hầu như là vô phương cứu chữa với nhà giàu chứ đừng nói với đồng lương ít ỏi của ông, người cha còn mang gánh nặng đôi vai vợ con.

Con Đường Bản NguyênDonde viven las historias. Descúbrelo ahora