3. Hành Hương Miền Xa

8 1 0
                                    


Xe ôm thời đó chặt chém là chuyện cơm bữa thường ngày, nhất là buổi đêm. Không mặc cả nổi hai chiếc, cả nhà cậu quyết định chất hết lên một xe, cậu ngồi lên bình xăng ôm cái túi nhỏ của mình, cha mẹ ngồi phía sau vác mấy bao đồ lớn. Đến giờ nghĩ lại không hiểu sao chiếc xe ôm cà tàn có thể chở ngần ấy người và đồ đạc lỉnh kỉnh.

"Anh chị yên tâm đi, ở đây em chở là rẻ nhất! Biết sao không, đang đêm mà, có mình em chạy thôi. Em rẻ nhất chứ gì nữa, haha"

Như vậy là rẻ dữ chưa. Chiếc xe lỉnh kỉnh chạy cà xịch cà đụi trong đêm.

Hội họp với nhóm đồng đạo một lúc thì chiếc xe đò cũ kĩ trờ trờ đi tới, mùi dầu máy diesel xả ra nghe buồn nôn dự báo một hành trình không mấy thiện lành. Chuyến hành trình về miền đất Phật bắt đầu khi giờ chưa điểm 4.

Trải nghiệm trên chiếc xe tồi tệ tận cùng, từ mùi dầu máy đến những cung đường lồi lõm khiến sàn xe già nua xốc nổi từng cơn, ê ẩm cả đoàn. Chạy mãi chạy mãi, bình minh ló dạng đã lâu mới thấy sông lớn trước mặt. Từ đoạn này, xen kẽ tiếp tục là những chuyến phà như cụ rùa khổng lồ ôm đoàn người qua mấy dòng của sông Cửu Long, nghe đồn đến năm 1997 người ta sẽ khởi công xây cầu Mỹ Thuận nối hai bờ xa này.

Trong ký ức của cậu bé Kỳ Nam nhỏ thó, ngày đó ôm mẹ trên chiếc cánh én hàng tuần xuống phụ mọi người xây chùa ở Phước Long Thủ Đức - quận 9 bây giờ đã là xa ghê lắm. Năm ấy cả trăm huynh đệ người góp vật liệu người góp sức chung tay làm nên chỗ thờ phượng, ròng rã một năm trời cũng xem như tạm xong, nhìn đơn giản mà nghiêm cẩn, không cầu kì nhưng lại có chút thần bí, trước cổng đề bốn chữ Đạo Pháp Vô Vi. Chuyến này người áo đen cho đệ tử về Bảy Núi để ra mắt cội nguồn, cẩn báo đại công cáo thành đã xây dựng một nhóm trụ cột mới cho tín ngưỡng miền nam.

Những đôi mắt sáng như sao trời đêm qua đã mỏi mệt khá nhiều vì lộ trình dài, giờ chỉ còn sao nhãng lạc thần.

Dù sao cũng đã đến rồi, vùng đất thiêng mà chúng huynh đệ bàn tán không ngớt dần lộ ra. Núi Sam trước mặt, thấp mà uy, ở chân núi là điện thờ khói hương nghi ngút. Biển người vào cúng Chùa Bà Châu Đốc đông như trẩy hội, giờ nào cũng như vậy đấy, có khi buổi đêm còn đông hơn ngày.

Ngày nay phương tiện hiện đại, đường xá dễ dàng nhưng hương khói của tín dân đã vơi đi nhiều rồi, chỉ có thùng công đức cúng dường thì càng lúc càng to và nhiều, sắt thép càng dầy lên thôi.

Gần hai ngàn năm trước, xứ này là thủ phủ của một vương triều rộng lớn gọi là Phù Nam, nằm sâu dưới di chỉ Óc Eo ở vùng Thoại Sơn Bảy Núi. Ghi dấu một thời vàng son của đại cường quốc trải dài từ Việt Nam đến tận Thái Lan ngày nay.

Lịch sử đôi khi là tình cờ, nhưng tồn tại vững vàng ở buổi bình minh loài người thì phải là định mệnh chứ đâu phải chuyện tuỳ tiện. Trí tuệ của người xưa, đặc biệt là về thổ nhưỡng địa thế phong thuỷ không thể khinh thường. Thế nên đất An Giang là một trụ linh mạch tụ khí ở Việt Nam mới có chuyện cường quốc cổ xưa hùng mạnh nhất Đông Nam Á định đô tại đó.

Chuyện mấy trăm năm của nền văn minh xứ này, mấy mươi thế hệ sinh hoạt tín ngưỡng thuở sơ khai thì đã thấm sâu vào đất, hòa vào nước, còn chảy trong huyết quản những đứa trẻ sinh ra ở vùng Bảy Núi. Không cát bụi thời gian nào che lấp được hết.

Nhắc đến Phù Nam là bởi vì bà Chúa Xứ có khuôn mặt to đẹp oai vệ khoác áo choàng lộng lẫy trong kia mấy chục năm trước thực ra là một pho tượng khổng lồ bằng đá đen của văn hóa Phù Nam còn sót lại, có lẽ đã ngót nghét 1500 tuổi. Sau này người đời làm lễ đắp mặt bà theo nét Phật Mẫu văn hóa dân gian bấy giờ, rồi làm lễ thỉnh long trọng xuống núi để tín dân tiện bề khấn vái.

Rất nhiều người trong đoàn đều là lần đầu xuống đây, không biết hiển linh dữ không. Nhưng chứng kiến mấy người ở đây làm đủ các nghề xã hội tốt có xấu có, cầu khấn làm ăn thành khẩn vô cùng, cúng heo cúng áo, đút hàng cọc tiền mặt vào mấy chiếc thùng công đức khổng lồ xếp dàn trải đầy dài trước điện mà dân đây gọi là hoạt động cúng trả lễ.

Rất nhiều câu chuyện thành công kể mấy người nghèo túng, bần cùng vào đây dốc hết đồng ngân ít ỏi cúng bái xin được đổi đời một bước lên tiên mà được truyền miệng nhiệt tình. Mấy người kể lại mắt trợn mày chu lời lẽ vanh vách như tận mắt chứng kiến.

Thôi thì có tin có lành, cả đoàn vào khấn hòa vào dòng người tấp nập. Rồi thì câu chuyện sau đó đã trở thành một dữ kiện lịch sử để tham chiếu, mấy mươi năm sau trong đoàn chưa ai giàu lên cả, chỉ có điều là mỗi lúc thì cơm áo dễ dàng hơn theo đà đang lên của kinh tế Việt Nam. Quá nửa số đồng đạo năm ấy của cha cậu nay đã kéo nhau qua đời, kể cả ông. Bảng tên đã đề trong Đồng Đạo Phòng ở chùa Phước Long mỗi lúc một dài. Nửa đời người của họ có thể tóm gọn lại một câu: thành khẩn niệm kinh đợi thời tới, ngày mai thời tới tối đó qua đời. Thôi thì nước ta mưa thuận gió hòa ổn dần là được rồi. Cũng có khi là năm đó tất cả huynh đệ đều cầu xin sức khỏe và sự giác ngộ, chỉ có mỗi cậu bé quá xin tiền thì sao. Tuổi trẻ chưa trải sự đời.

Nhưng mà địa điểm chính còn chưa bắt đầu, chia tay điện Bà cả đoàn lại lên xe đi sâu vào tiếp vài chục cây số để đến trung tâm của vùng Bảy Núi - Núi Cấm mới là mục đích của chuyến đi lần này.

Chỉ riêng tính về tôn giáo có sắc màu của Phật ở miền nam, nhánh chính đã hơn mười đầu ngón tay, chưa kể đạo đi vào tâm mỗi người còn biến hoá muôn mình vạn trạng, riêng mỗi vùng núi ở An Giang, đạo tâm đã khác nhau rồi.

Xứ núi lạ lắm, vừa đến là trời nắng mây vần vũ thay đổi bóng râm liên lục, mấy chục năm sau này vẫn vậy. Nhưng mà sau năm 2000 khai thác du lịch, xây cáp, phóng đường lên đỉnh làm rất nhiều thứ thần bí trên núi đã dần rút đi, chỉ còn lại trong hồi ức vậy.

Con Đường Bản NguyênDonde viven las historias. Descúbrelo ahora