5. Bửu Sơn Kỳ Hương

7 1 0
                                    

Sau khi Phù Nam diệt vong thì vùng đất này vẫn tiếp tục lưu dấu nhiều thăng trầm lịch sử. Nếu nói về thời kỳ đầu nhà Nguyễn lập quốc, một phần ba cuộc đời của Nguyễn Ánh chính là sống trên lưỡi đao trốn chạy lưu vong ở miền nam và Xiêm La, cả trên đất liền và trên mấy hải đảo ngoài khơi Kiên Giang. Hòn Nghệ trên vịnh Ba Hòn nay còn lưu ấn tích xưa.

Khi vua Gia Long trốn chạy quân Tây Sơn, người yếu thế cô, đã có một thời gian lẩn trốn trên núi Cấm nằm gai nếm mật. Thú dữ hung hiểm cỡ nào vẫn còn thua người thù khát máu, giữa hai cái xấu đành chọn cái tốt hơn. Núi thiêng che người trần, tai qua nạn khỏi lật ngược thế cờ. Người mang thiên mệnh lập ra triều đại cuối cùng, đã được mảnh đất miền nam bảo bọc bao nhiêu năm như vậy đấy.

Sau này khi Gia Long đã đăng vị liền trọng dụng Mạc Cửu khai khẩn đất nam, trấn dải đất phong Hà Tiên trải từ ven biển Cà Mau đến tận xứ Xiêm. Giai đoạn này cũng có nhóm người Minh Hương mất nước, vì bất phục Thanh triều mà từ bỏ quê hương qua xứ nam lập nghiệp, mang tài năng thương nghiệp của người Hoa hoà nhập làm vùng đất càng thêm nhộn nhịp. Chỗ này vốn sát biên giới nên là đầu tàu giao thương, thuyền to sóng lớn. Trong mấy chục năm liền hoá thành một nơi giao thoa gắn bó cả bốn dân tộc, đa dạng phồn vinh.

Về thời kỳ đầu chống Pháp lại có một nhà truyền đạo lập phái ở núi thiêng này, tên gọi Bửu Sơn Kỳ Hương. Người này khéo léo tinh lọc triết lý của Phật giáo, tinh giản đến tận cùng thật hợp với tính chơn chất mộc mạc của người miền nam, lễ nghi trọng bên trong bỏ qua hình thức, chỉ nước trắng bông hoa là đủ. Người này lại có lòng yêu nước đề cao đức Tứ Ân, một trong tứ ân chính là bảo vệ đồng bào, vậy nên hàng ngũ đệ tử lớp lớp đã thay nhau hy sinh chống thực dân từ những ngày đầu, mấy cuộc nổi dậy này còn lưu tên trong chính sử. Nhưng người tu đạo rốt cuộc không phải thần tướng, kết quả đau lòng.

Ngày nay nếu ai đi ngang vùng Bảy Núi, thấy nhiều người mặc áo quần vải đơn màu thô sơ, râu tóc để dài búi gọn đằng sau thì khả năng chính là theo đạo này, hoặc trong khối hoà hợp tôn giáo của mấy đạo thời sơ kỳ miền nam. Mấy người này có điểm giống nhau kì lạ, không chỉn chu nhưng nhìn lại có khí độ, chỉ làm việc đồng áng hay lao động chân tay, hoặc thanh bần ẩn tu cùng cốc nhưng lại làm người khác có chút cảm giác không nhìn thấu. Ngũ quan của họ thường lớn hơn người thường, ăn chay mà vẫn vai rộng sức dầy. Nghĩ lại, tinh khí thần như vậy mới báo được Tứ Ân, sáng làm quần quật chuyện đồng áng xóm làng mà tối vẫn còn sức mà tu tập giũa rèn, chứ người bình dân đi kiếm đồng ngân qua ngày đã mệt hết phần.

Nói qua mấy chuyện này là để quay lại buổi đêm trên núi Cấm, xứ này hội linh nhiều truyền thuyết điển tích như vậy nên là điện thờ, động thiêng lớn nhỏ nhiều không kể xiết, quỷ hay thần còn chưa biết, phúc hay hoạ còn chưa định. Mấy huynh đệ trong đoàn sau bữa cơm tối tụm năm tụm ba kể đủ thứ chuyện góp nhặt, có hồ hởi, có rùng rợn, có mê hoặc.

"Hình như em bị duyên âm..."

"Hôm bữa tui gặp con ma một giò ghê lắm!"

"Thôi đi cha già dịch, có ông một giò thì có, đang đêm tối om nói chiện gì đâu không."

Mà núi này đêm nay đâu chỉ có một đoàn tá túc, còn có mấy đoàn khác, có đoàn ở chợ Lớn, có đoàn ở tỉnh xa tỉnh gần, lặng lẽ đánh giá nhau, mỗi đoàn tập trung sinh hoạt một góc trông như cứ địa.

"Thật chẳng bỏ công lên đây, núi đêm heo hút mà người ta lên đông như vậy, phải thực là linh thiêng chứ làm sao mà sai được!"

Tám chín phần người ở đây nhắm chừng nhau mà nghĩ như vậy. Mấy người trưởng đoàn thì rất dễ phân biệt, như hạc trong bầy gà. Đi đứng nằm ngồi gì cũng có vài người kính cẩn hỗ trợ hoặc theo hầu, quần áo cũng khác biệt, thần thái lại càng không nói, người thường đâu vậy.

Mấy người này nam có, nữ có, tuyệt nhiên không chạm mắt tiếp xúc nhau một lần, nước sông không phạm nước giếng, đạo bất đồng bất tương vi mưu. Nghe đâu bà kia giọng nói ồm trầm chính là điển Vua Gia Long. Nghe đâu anh đó tướng nam mặt nữ là chân điển Mẫu. Còn cô áo đen, phái đoàn áo vải không phải điển Đức Thầy thì còn là ai. Mỗi đoàn còn có mấy trưởng lão là xác hội ai nhập cũng nhận, điển thú điển thần, mặt mày ngũ quan nổi cộm chắc tu đã nhiều. Mấy huynh đệ nhìn nhau, đêm nay đúng như là luận kiếm Hoa Sơn của Kim Dung vậy, mong chờ biến cố bộc phát vô cùng chứ ngồi không cũng chán. Nếu mà để so sánh, Rạp chiếu phim mấy năm này loạt phim siêu nhân nước Mỹ hồi hộp phấn khích cũng tầm đó mà thôi.

Mỗi phái đoàn lại có cách sinh hoạt riêng không ai giống ai, có nhóm thì ngồi nói đạo tại chỗ, suy diễn sanh tử, đêm điểm đến là dừng, chắc là có chỗ đặc sắc riêng. Có đoàn thì giữa đêm nổi lửa bắt đuốc không biết đi đâu, cứ người sau theo san sát người trước mà bước, chắc là tìm đến chỗ nào đó cúng bái mà đêm thâu mới linh, thần khuya mới hiện.

Có đoàn thì ra bãi đất trống đã lót gạch tươm tất, cúng bái mấy lượt rồi già trẻ thi nhau bước ra đi đường quyền múa may nhộn nhịp vô cùng, trông hơi hỗn loạn nhưng mà cũng bắt mắt. Không ngờ mấy người đó khi nãy còn đạo mạo nghiêm túc mà giờ đã như say mấy chầu bia. Cũng có người múa đẹp, hổ ra hổ hạc ra hạc, có khi lại trườn bò như rắn thật không tầm thường, cậu nhìn mà nghệch mặt.

Múa may một hồi xả điển ra ai nấy nằm xụi lơ thở hồng hộc, có kịp làm gì khởi động gì đâu, núi cao thoáng đãng bắt sóng nhanh quá, thời tới một phát là nhảy liên tục, xương khớp tuổi già chịu sao thấu.

Thoạt nhìn như chuyện nhảm nhí tào lao nhưng thử nghĩ suy cho cùng, cũng là do trong bộ não của mình suy diễn điều gì. Như kẻ say cắn thuốc bay lắc trong vũ trường, người ta cho rằng rượu cùng thuốc vào người thì não bộ hành xử như vậy là điều hiển nhiên, khoa học vô cùng. Như kẻ điên la hét trong bệnh viện, ai cũng đồng tình cho rằng điên thì phải vậy. Vậy mấy người ở đây có được tiếp xuống một loại năng lượng nào đó khiến não bộ thay đổi trong chốc lát không? Bởi thế cũng khó lạm bàn những điều chưa chạm đến.

Quan niệm xã hội, cũng thay đổi từng ngày theo đà tiến và nhận thức của con người, một ngày nào đó nó sẽ chạm đến một khí trường năng lượng mới, mở ra một kỷ nguyên mà trải nghiệm con người không dừng lại ở vật chất và thất khiếu cảm nhận.

Lại nói đến đoàn của cha cậu, là nhánh Bửu Sơn Kỳ Hương đương nhiên phải có chút đặc thù, ở đây có mấy người đã đứng tuổi, để tóc búi cột lên nhìn cũng rất tiên phong đạo cốt, mấy thanh niên Văn Hiến và mấy người còn đi làm như cha mẹ cậu thì chỉ dám để đầu tóc bình thường, chắc trong lòng rất ngưỡng mộ mấy huynh lớn này. Đêm khuya trên núi cao gió lồng lộng, mấy bộ đồ áo vải vừa thay phần phật theo gió lại trông hợp cảnh vô cùng, rõ nhìn không thấu.

Người Áo Đen lúc này cũng đã cho lệnh cả đoàn nổi lửa đốt đuốc khởi hành trong đêm.

Con Đường Bản NguyênWhere stories live. Discover now