4. Đốt Lửa Trên Núi Cao

9 1 0
                                    


Ngày nay đến chân núi Cấm mọi người sẽ thấy phóng đường đến tận 6 làn xe là khu kinh tế tâm linh trọng điểm đóng góp ngân sách. Cáp treo tối tân, gần đỉnh núi nơi lộ ra một dải đất bằng xây cất nguy nga được ví như tiên cảnh miền Tây. Chân núi còn có công viên nước hoành tráng. Tiền nào có thể lấy đều lấy, có thể định nghĩa gói gọn trong bốn chữ du lịch tâm linh.

Vậy nên cái cảm giác hoang sơ rừng thiêng nước độc của những ngày đầu hành hương chỉ còn trong bộ óc của những đoàn người rong ruổi phiêu lưu ngày ấy. Gian khổ mới trân quý, mất rồi mới hoài niệm.

Quay lại đường Trần Quang Khải một chút. Đường này dài non một cây số đi qua hai cây cầu Bông và cầu Kiệu, là đất phên dậu của quận 1 kết nối với ba quận còn lại. Với những địa danh nổi tiếng một thời như hẻm Văn Hiến, chùa xóm Cầu Tiêu... Đường này những năm 90s như một Sài Gòn thu nhỏ, tấp nập ngày đêm, có nhà cao tầng, có rác dưới chân, có phố trụy lạc, có hẻm không tên chứa bao phận đời tứ xứ. Nhắc đến đường này là vì dù đường lớn hay ngõ hẻm đều có đệ tử Thầy.

Hẻm Văn Hiến cắt ngang đường như một bát quái của sự bần cùng, lối nhỏ nhơ nhớp, kim tiêm phơi rãi. Gái bán hoa, người già bệnh tật, thanh niên giang hồ lêu lổng, lúc nào cũng có người ngồi dọc dọc trước thềm nhà vách tôn vì bên trong ẩm mốc tối tăm nóng nực, ti vi chẳng có. Người vô tình có việc bước qua hẻm cũng phải rợn người bởi ánh nhìn bất thiện. Nhóm cầu thị hơn thì có bộ phận làm thuê làm mướn ở đợ đủ độ tuổi.

Kết lại một câu, hẻm này loại người nào cũng có, chỉ không có người dư dả và được học hành trọn vẹn.

"Nhìn cái gì mà nhìn?"

"Đứng đó đọc đọc cái gì, đọc mặt tao nè!"

"Má, còn chụp hình nữa. Chán sống hả mày?"

"Ủa... anh là thầu hả, dạ, dạ tụi em đang rảnh lắm. Được được, làm liền, làm liền, giờ luôn cũng được."

Trong nhóm đệ tử của Người Áo Đen có hơn hai chục người từ khu Văn Hiến này, năm, bảy người sanh lúc giao thời chế độ, giờ đang ở độ tuổi thanh niên, số còn lại thì dàn trải từ ba mươi đến lục tuần, phần lớn là thợ hồ. Mấy người này cũng vì quá khổ mà theo đạo, xem như từ bùn lầy mọc được mấy lá sen vậy. Người Áo Đen cũng có đệ tử làm bác sĩ sở hữu cơ ngơi hoành tráng trên đường Trần Quang Khải, cũng có đệ tử từng làm luật sư, phi công. Đủ mọi tầng lớp xưng huynh gọi đệ nhau không màng xuất xứ, ai có dư thì trợ duyên người khác, ai còn sức thì bảo bọc người già, bây giờ nghĩ lại, hiếm có vô cùng. Ấy là cái hay của tín ngưỡng vậy, có thể kéo cái tâm của sĩ, nông, công, thương xích lại gần nhau.

Đường lên núi thời đó chỉ vài đoạn có bậc cấp chỉn chu, nhiều nơi vẫn còn là đất xen kẽ đá lớn, phần thì đang tô vữa, thanh niên dù thiếu ăn miễn cưỡng chút có thể leo được nhưng với người có tuổi thì khó đi vô cùng, mỗi một bước đều phải chiến thắng bản tâm. Nhưng trong mắt người cầu đạo thì vẫn là chuyện làm được, cái gì càng khó được lại càng khơi gợi.

Thời đó trên núi thiếu thốn mọi điều, cần gì cũng phải nhờ thanh niên bền sức mang vác từ chân núi. Mấy thanh niên Văn Hiến đang vác nồi vác gạo, mắm muối rau củ đồ chay của cả đoàn lên núi, chuẩn bị sinh hoạt trên đó vài ngày. Đi mấy điện, lạy mấy động. Dọc đường lên núi cứ cách chừng trăm mét là có một sạp bán nước dựng cất thô sơ, quy mô lớn nhỏ tùy lúc. Nhỏ nhất chỉ có cái ghế nhựa để bình nước, cột vài bọc bánh trông hơi phèn, sạp lớn thì ghế võng này nọ, có nơi đầu tư cả bánh xèo rau núi nấu củi, nghỉ được chục người.

"Sâm núi đá lạnh nè cô bác ơi, uống đi con miễn phí nhen."

"Bánh xèo rau núi nè cô cậu ơi! Năm ngàn một cái à, bự ăn no nhóc luôn. Ghé ăn đi cô bác có sức leo chùa nè!"

Gió núi mát rượi, sạp nào cũng miễn phí nước sâm núi cho khách đi đường, nước sệt như súp, vị ngọt thanh lạ đượm mùi gỗ rừng. ai có điều kiện thì mua ủng hộ sản vật của vùng treo lủng lẳng trong mấy bọc ni lông, đã sờn cũ vì thời đó mấy ai có tiền đâu. Cũng nhờ nghỉ mấy chụp chập, sâm thần độ sức, nghĩ đến đất Phật cận kề mà động lực nhóm lão thành còn vững vàng, ông già bà cả trong đoàn từ sáng leo đến chiều tà cũng thấy được mái ngói chánh điện của chùa Phật Lớn, cha mẹ cậu không phải dân lao động kiện cường nên mệt lả, hòa vào đám người cao tuổi ở phía cuối, còn cậu thì cứ chạy vùn vụt đu theo mấy anh thanh niên Văn Hiến trẻ khỏe.

Lúc này còn chưa có Ông Di Lặc kỷ lục châu Á đâu, cũng chẳng có hồ Thủy Liêm mát lạnh đầy ắp cá chép ở giữa, nhưng nói chung địa thế chỗ này gần đỉnh núi lắm rồi mà tương đối bằng phẳng chính là đất thịnh đạo, phong thủy vượng khí trợ duyên tu hành tinh tấn. Đã thấy chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh ngự hai bên, nhưng xây cất còn hạn chế vách vôi tường cũ, tượng phật chưa nhiều, độc mỗi ông Phật Lớn ngồi đấy, trong uy nghiêm lại có từ bi. Chỉ có chánh điện xây gạch, nhà ăn nhà nghỉ cho khách hành hương đều là vách gỗ mái lá, muỗi rừng bay hàng tá, kiến mối bu ánh đèn, mấy con cuốn chiếu sống thảnh thơi quá rồi, cuộn lại to bằng cả bàn tay nhỏ bé của cậu chẳng sợ ai.

Mấy cô pháp danh hàng Diệu đang sửa soạn đồ nấu cơm nhân lúc mặt trời chưa xuống, thanh niên chẻ củi gánh nước, thao tác thuần thục vội vã kịp bữa chay chiều để đêm nay còn cúng, kết nối với đất trời. Cha mẹ cậu chưa lên đến, cậu ngồi chống cằm mà nhìn thôi, ngẩn ngơ thu nạp thế giới xa lạ ngoài con hẻm.

Đời cậu ăn không biết bao nhiêu bữa cơm rồi, ngon có, dở có, mấy năm sau này chu du cũng nhiều, nếm trải nhiều thứ nhưng trong mấy bữa ăn mà nhớ như in cả đời thì có bữa tối nay. Nấu ăn dã chiến giữa núi rừng, cơm cháy đồ chay, rau củ mắm ruốc trong cơn đói lả. Trải nghiệm được thế này lúc mới năm, bảy tuổi thật là trân quý vô cùng.

Trên đời có một thứ gọi là tín ngưỡng lực. Di truyền từ cha, cậu học giỏi môn vật lý, mấy loại lực trong sách giáo khoa học vài bữa là nắm kỹ, nhưng mà tín ngưỡng lực này dù nhìn thấy từ nhỏ bao người hành hương khấn vái, lòng nhiều ngờ vực, mấy chục năm sau mới hiểu được một góc tản băng. Có người nói Phật tại tâm, tâm có Phật không cần ra khỏi cửa. Nói được làm khó, người đó nếu không cao ngạo thì chính là kỳ nhân.

Con đường tơ lụa bên Trung Thổ, phế tích núi đá hoang mạc tạc ngàn tượng Phật, nếu Phật tại tâm dễ dàng, cổ nhân chẳng đổ tâm huyết dời non lấp bể. Chùa đâu cũng có, lên núi chi cao. Nếu thế giới này còn có một chiều không gian, còn có thần sáng thế thì trụ sở tôn giáo là một cỗ máy kết nối với vĩnh hằng, năng lượng vận hành chính là hoạt động tín ngưỡng, chỉ nhận chân tâm thì sao.

Lại nói về Điển, nhiều người đã từng nghe từ này nhưng cũng rất nhiều người không. Nếu nói đơn giản thì như phía ngoài  đất bắc thường gọi là Hầu Đồng nhập xác. Thật giả chưa bàn, nhưng lúc bấy giờ thịnh hành vô kể. Người Áo Đen, đệ tử một tuần chỉ gặp được một hai lần, còn lại là xác nữ sinh hoạt như người thường, cũng có hỷ nộ ái ố, cũng có đời sống cá nhân.

Tối nay, Điển về.

Con Đường Bản NguyênWhere stories live. Discover now