5.

80 8 0
                                    

Người ta, hay chí ít là người như tôi, thường hay buồn cho những chuyện không đâu. Thì, cái buồn đấy cũng có cái hay; dẫu mang danh não nề nhưng nó lại choáng đi những cái não nề vô nghĩa khác trong cuộc đời. Một cách thình lình, người ta nghe chuyện. Chuyện gì cũng được, đông tây kim cổ, nhân thần quỷ yêu, khoa học văn hóa, và cứ thế, người ta buồn.

Tôi đã từng buồn vì môn Toán rồi, ngay khi học đường tiệm cận; hay năm ngoái vào giờ Lý, khi thầy nói về thuốc nổ và những loại vật chất, năng lượng có sức mạnh khủng khiếp mà con người tạo ra. Xưa nay tôi không quen hỏi, mà giáo viên dạy môn Tự nhiên chỗ tôi lý trí quá, trả lời thế nào mà ưng, thế là đâm bí. Tôi ngơ ngẩn cả tiết, hổng kiến thức không ít, bây giờ nghĩ lại thấy cũng đáng. Đáng cho cái sự nghĩ nhiều. Cái sự nghĩ nhiều rất đáng.

Chẳng thoát đâu được, học Văn, tôi lại buồn. Văn thì ai nói làm gì nữa, nó vốn thế, dù thứ mình học có vui, có thú vị, đâu đó vẫn ló đuôi cái buồn. Cả Sử cũng không hơn. Quá khứ xám xám mờ mờ đó tôi nghe kể mà nẫu ruột.

Những trai tráng vì vài đồng bạc mà đến chỗ mộ phu, vào làm công nhân đồn điền cao su, vào rồi như vào tù vĩnh viễn, gông có mọt cũng không thoát được. Chạy phải không? Bắn bỏ. Kiệt sức chết chứ gì? Chôn. Báo người nhà lấy xác chi cho mắc công, chôn đại dưới gốc cao su ấy, thịt rữa ra thì xanh cây tốt lá phải biết. Còn phải nói nữa sao, ồ, một công đôi việc.

Hay, khi nghe kể một nhóm mười một người thành lập đảng tư sản năm ấy bị bắt trọn, chém đầu và chôn tập thể, đến khi cách mạng thành công mới được đào lên chôn cất tử tế, tôi rờn rợn. Chân dung trong sách giáo khoa, hình trắng đen, một người râu chưa cạo, mắt trừng trừng, tôi chẳng đọc được gì trong đó. Có lẽ do ảnh mờ, hoặc mắt tôi mờ, mà chính xác nhất chắc là do quá khứ. Cái gì phủ bụi mà chẳng mờ phai.

Nhưng vẫn xót, xót mãi. Chuyện đồn điền cao su làm tôi nhớ Lão Hạc của Nam Cao, nhớ nhạc nền trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, não nề, bí bách và tù túng. Hình như những tối tăm xưa cũ ấy còn mãi đến tận bây giờ, trong tâm trí những kẻ lạc loài chỉ biết hoài niệm nỗi đau.

Có những cái buồn bất diệt, muôn thuở như thế giúp giải khuây, nghe cũng thích. Nhưng buồn mãi, thì làm gì đây? Tôi vẫn bước trên dấu chân của những kẻ lạc loài khác, liệu có ngày nào, vì quá khứ mà tôi đánh lạc tương lai?

Tôi đã chính tay "tế sống" nỗi buồn con con vì môn Sử ấy bằng một đoạn lục bát, dù nội dung không một chữ nhắc đến cao su, hay cái chết. Tôi lại lầm lũi vay mượn chuyện tình yêu để nói: cô gái lấy chồng, chàng trai buồn thảm. Nhưng dừng lại ở đó mất rồi, bởi, tôi chẳng biết phải kể về những mẩu xương trắng hếu dưới gốc cao su già miền đông ấy như thế nào. Ngay cả việc anh này đâm quẫn trí mà bỏ đi tìm bọn mộ phu tôi còn chả dám viết đến, huống hồ là khoảnh buồn phía sau.

Ừ thì thôi, cái buồn là lạ, nhè nhẹ ấy chỉ nên để giải khuây cho mình. Người ta hay kêu nhau chia sẻ nỗi buồn, niềm vui, nhưng cũng có những cái để lại trong lòng và chỉ nhắc đến nó me mé, thoáng qua, vậy là đủ.

Quá khứ ấy à, vàng son hay vấy máu, có khi chỉ giản đơn là một trời bình yên trong lòng, giữa phố thị đêm mưa.

Nửa đêm kể chuyện đồn điền,

Xương người trắng hếu đổi tiền ma chay.

Cần Thơ,

20.09.2019

[Tạp Bút] NĂM THÁNG DƯỚI CHÂNNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ