21.

29 4 0
                                    

Chuyện hôm nay bắt đầu bằng một câu: dường như mẹ mình luôn thấy thời gian quá ít, còn một ngày của mình lại quá trống trải.

Có lẽ do khác nhau về độ tuổi và trải nghiệm, hay ti tỉ thứ mà ai cũng liệt kê được nên khi đối diện với cuộc đời, mẹ và mình nhìn nhận khác nhau. Lắm khi mình cũng tò mò mẹ làm gì, nghĩ gì những năm mười bảy mười tám - mình hỏi - câu cửa miệng của mẹ luôn là "cũng giống như con thôi".

Những khuất tất đằng sau phải khác chứ. Có nhiều điều do tư tưởng thời đại chi phối nên mình không giống mẹ, và nhiều bí mật giữa hai người lớn trong nhà làm mình bất ngờ, lắm khi kinh hoảng, hoặc buồn cười dã man.

Bởi vậy nói sao, mình với mẹ giống nhau mà điều hai mẹ con nhận lại đều khác hết. Mẹ ngày xưa khổ nhiều. Có lẽ vì vậy mẹ không để ý những gì mẹ đã cho và đã nhận, nhưng mình quá rỗi rãi để nghĩ rằng mình khổ. Mình vốn lười nhưng làm việc nhiều: lúc nằm mình cũng để não nghĩ vu vơ tò mò, cũng xem là làm việc. Nên, mình luôn thấy so với những gì mình cho đi, mình nhận lại nhiều lắm.

Đọc đến đây nhiều người chắc nghĩ mình cao cả bao dung vị tha. Không đâu. Làm gì có ai không vị kỷ. Việc mình đong đếm giữa cho và nhận vốn đã là vị kỷ, và suy tính cho con đường của bản thân mà thôi.

Rất may, mình không vị tha nhưng mình muốn bản thân dễ sống và dịu dàng (theo nghĩa nội tại, hoặc tự dịu dàng với chính mình ấy). Mình để bụng lắm, và cũng đang cố để "để bụng" chỉ đơn thuần là để đó không quên.

Nên, châm ngôn của mình, câu cửa miệng của mình luôn là "không nhớ không quên".

Lúc được hỏi cụm từ nào đẹp nhất trong lòng bạn, mình suýt đề cử nó, nhưng nó chỉ đẹp với mình mà thôi.

Trở lại chuyện mình và mẹ, đi xa quá rồi.

Mẹ mình không để bụng gì, hiếm lắm mới có. Mình thì hoàn toàn trái ngược. Cũng may mẹ cho mình trái tim khùng điên dễ gây suy nghĩ nhiều cho não, chứ không mình sẽ chết chìm trong cái bụng của bản thân! Nhiều khi mình không nghĩ bản tính này giúp mình đi xa, nhưng xem ra có thật.

Mình cũng học được nhiều, nhiều lắm. Ví như nỗi buồn cũng có nỗi buồn đẹp. Ví như nỗi sợ cũng làm người ta tốt lên. Ví như bản chất của yêu đương là cuộc chiến của lý trí (không phải mình không có trái tim nhưng thật sự mình suy tính quá nhiều).

Bạn mình nói được trang bị quá kĩ sẽ không có trải nghiệm. Bạn nói đúng, bởi vậy ai đến hỏi xin kinh nghiệm từ mình đều bỏ chạy sau lần đầu nói chuyện vì mình... nhiệt tình quá. Bởi vậy, bạn thả cho mình tự tung bay, mình mệt rồi mới về kể với bạn bằng vô vàn tiếc nuối "ngày xưa phải chi tao nghe lời mày...".

Nếu nghe lời bạn mình, mình đã không có trải nghiệm. Một cách tương đối mà nói, vài việc không có đúng sai vì nó không có quy chuẩn làm cơ sở và cũng không có đối tượng so sánh. Hơn nữa mình là người thích xoa dịu bản thân (sau khi tự hành hạ), vậy nên bao giờ mình cũng thủ phận mà nghĩ "như bây giờ là tốt rồi".

Chắc vì thế mà mình luôn cảm giác mình nhận được nhiều, nhiều lắm dù mình chẳng cho đi bao nhiêu.

Mình của bây giờ khác mẹ ngày xưa, nhỉ? Rỗi rãi hơn nên cảm nhận nhiều hơn, cũng có khi trái tim của mẹ không sướt mướt như của mình. Mình không muốn thay đổi nhưng nếu thay đổi, mình nghĩ bản thân rồi sẽ ổn cả.

Vì sao tụi mình phải thấy ổn? Vì ổn là từ khóa cho việc bước tiếp, vì ngoài bản thân ra không ai tin mình hơn, vì mình tin, mình chỉ có chính mình mà thôi.

Cảm ơn vì mình có não để nghĩ, thậm chí não còn được biết về sự tồn tại của chính nó, mỗi tội không cảm nhận được thôi. Vậy cũng đã thần kì lắm rồi. Vì sao? Vì nhờ não hoạt động mà mình luôn rỗi. Mình không bị thiếu thời gian dù mình lười thật lười.

Hình như đến một lúc nào đó, một ngày thôi cũng đủ để sống. Ngưỡng đó ai sẽ chạm được nhỉ?

Cần Thơ,

03.09.2020

Lê Bình Chi.

[Tạp Bút] NĂM THÁNG DƯỚI CHÂNWhere stories live. Discover now