8.

47 6 0
                                    

Vài suy nghĩ về sách.

Hôm nay tôi xài chín mươi ngàn, vào chuyện không đâu.

Nói thế thì không đúng lắm, bởi mua sách, với cả ba mẹ tôi hay tôi, đều là việc có ý nghĩa; tốt thì không hẳn vì mỗi lần mua là mỗi lần tiền cạn. Trước giờ tôi không xài tiền nhiều, mỗi ngày trực tiếp móc hầu bao không quá ba lần, có khi đi chơi chẳng thèm mua quà lưu niệm. Mẹ nói tôi keo kiệt trong tất cả mọi việc, vượt xa và làm tiêu cực hóa hai chữ "tiết kiệm".

Câu đó đúng, và nói cho chính xác, nó chỉ đúng là khi tôi chưa móc hầu bao vì sách.

Mỗi lần mua sách là một lần đánh cược, mạo hiểm. Review sách trên internet đầy rẫy ra, tôi cũng thường đọc lắm nhưng chẳng được bao nhiêu lần đúng. Góc nhìn người ta khác hẳn mình. Đừng đặt quá nhiều niềm tin vào những thứ có cơ sở cảm tính. Việc hiển nhiên còn có ngoại lệ, niềm tin chỉ nên dừng ở mức tương đối.

Chọn sách là cả một vấn đề lớn. Chọn được quyển có nội dung ưng ý rồi, nếu ưa sưu tầm hoặc thích bìa đẹp, còn phải chọn nhà xuất bản. Có lúc, sách được xuất bản ở những nhà xuất bản khác nhau sẽ khác nhau ở nội dung (giản lược vài phần, thêm bớt chú thích, văn phong của dịch giả... Như bộ Đông Chu Liệt Quốc, có loại có bản đồ, có loại không), hình thức (chất giấy, chính tả,... cả số quyển nếu là sách như Đông Chu Liệt Quốc (lại nó!) ) và quan trọng nhất chắc là giá tiền.

Để đến được nùi rắc rối, phức tạp và buộc người ta suy nghĩ, cân đo đong đếm nhiều như bên trên thì phải chọn được quyển sách có nội dung thích hợp, nên đọc và cần đọc.

Sau khi chọn tất tần tật rồi, nếu mua trực tiếp ở nhà sách tôi lại phải chọn quyển mới, không sứt mẻ, hư hỏng, rách bươm. Giấy ố hay không không nằm trong tiêu chí, vì có khi tôi cố tình mua quyển có giấy ngả vàng để... ngửi mùi thời gian!

Tôi chọn sách khá cẩn thận, dù là sách giảm giá, sách cũ càng cần phải thế. Sách cũ nhiều khi quý hơn sách xuất bản bây giờ, chạm một trang vàng màu nước trà, mỏng tang, những vết mực mòn mỏi, mờ phai, ý nghĩa phải biết. Tôi hay vừa đọc vừa mường tượng, trước khi đến tay tôi em nó đã được lật bởi tay ai, em nó nằm nơi nao và chứng kiến cảnh tượng, biến cố gì rồi. Mỗi quyển sách có một linh hồn riêng, mỗi linh hồn như thế cất giấu tiếng thời gian lặng lẽ, trong từng tiếng thời gian đó lại chất chứa nhiều thứ mà dù là chuyện vui hay buồn, người ta đọc rồi đều bất giác rơm rớm nước mắt.

Chết rồi tôi chẳng đem gì theo được, sách cũng thế. Tham lam mà đốt đi thì vừa ô nhiễm, vừa uổng. Thà tôi để lại cho đời sau, không ai đọc thì chúng nó lại đem đi bán. Chuyện tiền bạc còn phải tùy cảnh mà nói nghĩa lý, riêng ý nghĩa của việc này thì bất biến.

Có thể tôi viển vông quá và thi vị hóa cuộc đời. Dù sao, chạm vào một quyển sách, đọc vài dòng rồi ngừng lại để nghĩ đến ngày mai của nó, chủ nhân sau của nó, rõ là việc vui. Một thú vui tao nhã.

Mà thật ra, bắt đầu từ việc đọc giới thiệu, đi chọn sách và mua rồi đọc, đến mân mê, hôn hít sách mỗi khi hứng chí, không việc nào là không tao nhã.

Du Tử Lê có một quyển tùy bút, tên "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời". Tôi lắm lúc nghĩ, "người" ấy của tôi, có khi chỉ là một quyển sách đang lẳng lặng tiễn bước thời gian đi.

Cần Thơ,

19.10.2019

[Tạp Bút] NĂM THÁNG DƯỚI CHÂNWhere stories live. Discover now