Chương 2: Cuộc gặp đầu tiên

19 1 0
                                    


Khi ấy Âu Kiêu mới chín tuổi. Bách Sá (百汊)- ông vú theo y từ thuở lọt lòng - đã nghe lấy lời chúa công mà bảo vệ lấy mạng vàng ngọc của ấu Lang. Đối với Lang, lão như là thày, là cha, là người mà y luôn có thể giãi bày tâm sự từ những chuyện nhỏ nhất. Mái tóc xoăn của lão được cắt tỉa gọn gàng không quá bả vai, bạc đi như màu nhuộm bị nắng làm cho phai tàn. Lão mang Âu Kiêu đi giữa cuộc loạn, khi Âu Nương gục ngã mà bỏ lại anh hài, nơi đất Lạc thấm đẫm những máu của những người con, những thành trì vững chắc bị thiêu rụi mà cha y đã bỏ mặc. Y chưa một lần được nhìn thấy cha mình. Trong suốt những năm tháng sau này, y ghét biển cả, ghét những cơn gió nồng nặc mùi muối mặn, mệt mỏi với tiếng chim hải âu trên bầu trời và âm thanh sóng rì rào xô vào bờ cát. Y đau đáu việc không thể nói với mẹ một lời sau cuối, không thể ghi nhớ khuôn mặt bà kỹ càng hơn, cũng không hay biết về số phận của mình. Âu Nương không dám nói với y về bi kịch năm xưa. Có lẽ nàng muốn cho con mình một tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ, nhưng đen đủi thay, ấu Lang sẽ chẳng bao giờ hiểu hết nỗi khổ Long Quân phải chịu đựng mà cảm thông cho chàng được. Âu Nương cứ thế ra đi mà chưa kịp phân trần sự việc với Lang cho ra lẽ, chỉ để lại cho y chiếc vòng cổ đính trên đó một viên ngọc lục bảo năm xưa Ngài Thượng Ngàn ban cho. "Đây là tấm bùa bảo vệ mà chàng hứa sẽ tặng con vào đúng ngày sinh nhật thứ mười tám."

Thế mà ngay cả khi thời khắc của Lang chưa tới, mẹ đã trao cho y món đồ ấy rồi. Mẹ phải đi. Lang cũng phải đi. Bách Sá bế ấu Lang xuống thuyền, chèo về phía Nam lánh nạn chiến tranh. Nơi ấy là cả một vùng xa lạ với người Xích Thuấn, tồn tại một dân tộc mà họ chưa cả đặt tên. Vương quốc Phồn Chân - Potapadesa - không trù phú như xứ Lạc mà hầu như chỉ có cỏ dại và cát bạc; những cánh rừng thưa có lẽ ở sâu phía trong thung lũng mà hiếm ai dám bén mảng tới. Bởi vậy người Phồn Chân không giỏi nông nghiệp mà thạo đi biển hơn cả. Họ có nước da nâu khỏe khoắn, mặc những tấm vải dài đến đất, khoác lên vai phải và để lộ vai trái, buộc lại ở eo gọi là Hurlaf. Là những kẻ ngoại bang đến vùng đất xa lạ, Bách Sá và Âu Kiêu dựng lều ở một bãi đá nhỏ cạnh bờ biển để sống cho tới khi Quan Lang sẵn sàng với sứ mệnh của y.

Một buổi sáng nọ, Âu Kiêu đã nhìn thấy chim lớn Laksu. Y nhận ngay bởi cái mào dài và bộ lông vàng óng mượt của nó. Chim bay lên từ mặt nước mà ngỡ tưởng vị nữ thần ánh dương đi kiệu vụt qua đường chân trời lấn át ánh nắng buổi hừng đông. Âu Kiêu nắm chặt trên tay đống vỏ sò vừa nhặt như một thứ để bấu víu, vừa đứng thẳng lên để chiêm ngưỡng hào quang sáng chói. Chim Laksu, con gái của Bloi và Deat, chớp mắt nhìn Âu Kiêu một lần rồi thong thả bay về phía mặt trời mọc. Y chưa kịp hoàn hồn, nhưng chân như có một lực đẩy, thúc y chạy về phía biển Đông. Kỳ lạ quá, mặt biển đang rẽ làm đôi, để lộ một con đường đi tới vô cùng của lòng biển. Con đường này dẫn đi đâu? Hải Quốc à? Y nghĩ. Laksu dẫn mình đi thăm cha chăng? Âu Kiêu cứ tiến về phía trước, ngày một sâu hơn vào lòng biển, nơi vương quốc của những sinh vật kỳ dị và xa lạ, nơi mà Long Quân gọi là nhà. Trăng vẫn chưa lặn, sao Mai vẫn chưa mọc. Bầu trời vẫn khoác trên mình chiếc áo đen kịt, còn đáy biển lại tối hơn thế nữa. Chim bay đằng trước chỉ dẫn y đi, sáng như một ngọn hải đăng giữa đáy bể; hóa ra Lang vẫn còn nhớ nó - là ân nhân cứu rỗi lấy linh hồn mẫu thân y.

Khúc Tráng Ca Âu KiêuWhere stories live. Discover now