12

158 12 1
                                    

Tác giả: Superpanda

Dịch: Mặc Thủy

Chương 12

Mua lại Med-Ferry (3)

Vài ngày sau, Phiếm Hải bất ngờ sửa đổi thư đề nghị, lần này ngoài cạnh tranh với giá của Thanh Huy, tập đoàn Phiếm Hải còn có một động thái khá bất thường: đổi từ chào mua công khai có điều kiện thành chào mua công khai vô điều kiện.

Trước đây, thư đề nghị của Phiếm Hải bao gồm điều kiện có hiệu lực là "đạt được ít nhất 50%+1 quyền biểu quyết", kiểu chào mua công khai có điều kiện này cũng là một hình thức chào mua phổ biến. Đối với bên mua, nếu muốn nắm quyền kiểm soát thì phải giành được ít nhất 50% quyền biểu quyết, vì việc đề cử thành viên hội đồng quản trị cần ít nhất 50% số phiếu bầu. Nói cách khác, chỉ khi đạt được trên 50% thì mới có thể cải tổ hội đồng quản trị, nắm quyền kiểm soát công ty. Ngược lại, nếu đến cuối cùng mà quyền biểu quyết vẫn không vượt quá 50% thì đúng là tốn một số tiền rất lớn mà không có quyền kiểm soát.

Hành động này hơi bất thường, Thanh Huy không đi theo Phiếm Hải.

Sau đó, còn bất ngờ hơn nữa, tập đoàn Phiếm Hải thông báo đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Med-Ferry từ 8,2% lên 18,2%, cũng có nghĩa đã giành được 33,5% quyền biểu quyết.

Tập đoàn Phiếm Hải không công bố cụ thể tên người bán, nhưng những người có liên quan nhìn thoáng qua đều biết: Một trong những nhà sáng lập Med-Ferry, cũng là người phụ trách thị trường đã "phản bội" ​​công ty, chấp nhận thư chào mua của tập đoàn Phiếm Hải trong khi hội đồng quản trị khuyến nghị chờ đợi và tạm thời không hành động. Người này đã bán cho Phiếm Hải tổng cộng 10% cổ phiếu loại B đang nắm trong tay.

Do pháp luật Thụy Điển cũng cho phép cơ cấu cổ phiếu đa quyền, cổ phiếu của Med-Ferry được chia thành hai loại: cổ phiếu loại A có một quyền biểu quyết trên một cổ phần, cổ phiếu loại B có 10 quyền biểu quyết trên một cổ phần, loại B hầu hết nằm trong tay ba nhà sáng lập Med-Ferry.

Cổ phiếu đa quyền nghe có vẻ rất nổi tiếng tại Mỹ, nhưng trên thực tế không có nhiều công ty Mỹ sử dụng cơ cấu này, chỉ chiếm từ 7% đến 8% số công ty niêm yết trên thị trường. Cơ cấu cùng cổ phiếu có quyền khác nhau này phổ biến hơn ở các nơi như Bắc Âu, trong đó Thụy Điển là nước có tỷ lệ cổ phiếu đa quyền cao nhất, đạt trên 80%.

Đối với Trung Quốc, hiện tại, cả cổ phiếu A ở Trung Quốc đại lục và cổ phiếu H ở Hồng Kông đều bị cấm "cùng cổ phiếu có quyền khác nhau". Về cơ bản thì tương đồng với Đức và các nước khác, luật pháp Trung Quốc cũng tin rằng miễn là một người sở hữu cổ phần thì người đó phải có các quyền tương ứng. Việc quy định 10 quyền biểu quyết trên mỗi cổ phần đối với một loại cổ phiếu, 1 quyền biểu quyết hoặc thậm chí là 0 quyền biểu quyết trên mỗi cổ phần đối với loại khác sẽ không công bằng đối với các cổ đông nhỏ.

Mà cổ phiếu đa quyền ở Thụy Điển cũng khác với cổ phiếu đa quyền ở Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, hầu hết các công ty đều quy định rõ ràng quyền biểu quyết ưu đãi là không được chuyển nhượng. Nếu chuyển nhượng, cổ phần ưu đãi biểu quyết tự động chuyển thành cổ phần có quyền biểu quyết thấp hơn. Trong số các công ty lớn, chỉ có Facebook cho phép chuyển nhượng cho người nhà, để chuẩn bị cho việc thừa kế sau này. Các cổ đông tin tưởng những người sáng lập, nhưng họ chỉ tin tưởng người sáng lập, không sẵn sàng trao quyền biểu quyết cho bất kỳ ai. Canada rõ ràng hơn trong việc khuyến nghị các công ty thiết lập các điều khoản hoàng hôn (sunset provision/sunset clause) có liên quan.

[2023-DỊCH XONG] NHƯ NƯỚC VỚI LỬAWhere stories live. Discover now