Chương 45. Mưa to.

105 7 0
                                    

"Ngụy Dịch, đừng làm loạn."

...

Hơi lạnh đến Nghiệp Kinh muộn hơn mấy ngày, chỉ qua một đêm, những giọt mưa trên mái ngói đỏ tươi đều đã kết ra sương giá.

Trời hửng sáng.

Ngụy Dịch trắng đêm không chợp mắt, nghe tiếng mưa rơi đứt đoạn bên ngoài, cảm thấy khá phiền muộn. Hắn khoác áo bước từ bên bàn dậy, đi qua đi lại, cuối cùng dừng trước bậc cửa.

Lâm Kinh Phác vừa chợp mắt trên giường trong chính điện được một canh giờ, hẳn bây giờ cũng tỉnh rồi.

Mưa dầm triền miên, y nằm nghiêng nhìn bóng lưng mơ hồ của Ngụy Dịch, hoàng bào tăm tối, bất giác nhăn mày lại.

Ngụy Dịch nghe tiếng bước chân, quay đầu thoáng nhìn lại y, u sầu trên mặt nhất thời tan đi phân nửa, cười khàn nói: "Mới một canh giờ, bây giờ ai cũng chẳng nỡ ngủ."

"Ta cũng muốn ra ngoài hóng mát một chút." Lâm Kinh Phác dứt lời, đón gió ngáp một cái: "Năm nay nước mưa sung túc."

Ngụy Dịch không cản, cởi áo khoác choàng lên người y.

Lâm Kinh Phác đứng không nhúc nhích, tùy ý Ngụy Dịch ngang ngược nhét cả cổ áo y vào trong áo choàng rồi mới nói: "Nhai Tân đã tới Duẫn Châu cùng Phùng Ngọa. Y đi rất nhanh, nhiều nhất ba ngày là có thể truyền tin về lại. Phùng Ngọa am hiểu trị thủy, lũ lụt hai châu hẳn là sẽ nhanh chóng có chuyển biến tốt."

"Chuyện lần này, trẫm chưa từng sinh lòng nghi ngờ các ngươi. Trước mắt, trong lời của Ngũ Tu Hiền, tình hình tai nạn của Tam Quận và hai châu cũng không kém là bao." Ngụy Dịch cả giận xong mới lộ ra vẻ mỏi mệt, lại chần chờ nói: "Trẫm chỉ là đang nghĩ..."

"Ngươi đang nghĩ xem tại sao Yến Hồng phải che giấu tình hình tai nạn." Lâm Kinh Phác nhanh chóng tiếp lời của hắn.

Hai người cùng liếc mắt một cái, chẳng hẹn mà gặp. Lâm Kinh Phác cũng đang suy nghĩ về vấn đề này.

Những người che giấu tai nạn không chỉ có thứ sử, trạm dịch, còn có thị trung lang đến Tướng phủ, mỗi cửa ải đều vô cùng chu đáo, còn phòng bị nạn dân hai châu lan truyền tin tức đến những châu quận lân cận. Duẫn Châu ở phương Bắc liên kết với bốn châu là Kế Châu, Vi Châu, Tưu Châu, còn có Tuy Châu cũng phải thiết kế biên phòng, đảm bảo khóa kín những tin tức liên quan đến lũ lụt.

Người có bản lĩnh thông thiên đến thế, trừ Yến Hồng ra, trong Khải triều không còn ai khác.

Có điều tại sao Yến Hồng phải làm như vậy? Lâm Châu và Duẫn Châu là địa bàn Khải triều, những người kia đều là bách tính Khải triều, rốt cuộc thấy chết mà không cứu có chỗ tốt gì với thừa tướng?

Lâm Kinh Phác từng nghĩ, liệu Yến Hồng có muốn thông qua tai họa nước lũ mà nhân cơ hội phá hỏng Tam Quận, khiến Ngũ Tu Hiền và huynh đệ Tam Ngô chết không còn chỗ chôn, triệt để cắt đứt thế lực phía sau Lâm Ân không.

Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, y vẫn cảm thấy đạo lý này không đúng.

Tam Quận thống trị thủy vực đã mười mấy năm trời, đường thủy còn rộng rãi hơn nhiều so với Lâm Châu và Duẫn Châu. Nước hai châu lên một thước, nước Tam Quận mới có thể phồng lên một tấc. Nếu Tam Quận chìm xuống, Lâm Châu và Duẫn Châu tất sẽ trở thành một vùng biển mênh mông.

[ĐM/Hoàn] Công Ngọcحيث تعيش القصص. اكتشف الآن