Chương 16

185 7 0
                                    


Năm mới

Người thời xưa tham gia khoa cử phải kinh qua bốn cửa ải: thi Đồng sinh, thi Hương, thi Hội và thi Đình.

Trong đó thi Đồng sinh gồm thi huyện, thi phủ, và thi viện. Đường Thận ba tháng nữa sẽ đối mặt với kì thi huyện.

Thi huyện cũng chia ra làm năm trường. Trường thi đầu tiên là quan trọng nhất, còn được gọi là "chính tràng", phải viết hai bài chế nghệ và một bài thơ thí thiếp ngũ ngôn lục vận. Kể từ ngày cá cược với Đường Vân về chuyện thi huyện, Đường Thận mỗi ngày đều viết hai bài bát cổ văn và làm một bài thơ thí thiếp1.

[1] Về trường/tràng mình đã chú thích chương trước. Ngũ ngôn lục vận là thơ Đường với năm cặp câu, sáu vần chân (vần gieo ở chữ cuối câu thứ 2 trong một cặp). Thơ thí thiếp là thơ làm theo đề cho sẵn.

Cách thi viết thời cổ còn khó hơn viết luận văn ở thời kì hiện đại. Chế nghệ rất khắt khe về tính ứng đối và kết cấu bài văn. Làm thơ thí thiếp thì càng gò bó hơn. Từ số lượng từ trong một câu đến luật bằng trắc hay việc gieo vần chân đều phải chính xác, không được sai một chữ.

Lương Tụng đọc hai bài chế nghệ, vê vê râu mép, cười: "Đầu voi đuôi chuột!"

Đường Thận: "...."

"Tiên sinh, so với nửa tháng trước đã tiến bộ lắm rồi mà!"

"Con không đặt mục tiêu cao một tí được à? Ta hỏi con, kì thi huyện chỉ còn cách ba tháng, chỉ đỗ đồng sinh một cách tạm bợ con có cam tâm không? Đến lúc thi phủ tiếp tục ngồi chen chúc ngoài sân nhé?"

Đường Thận nghe vậy thì ớn cả người: "Không ạ!" Nỗi khổ nhường ấy chịu một lần trong đời là đủ rồi, còn lâu mới có lần thứ hai!

Lương Tụng nói: "Vậy mình xem đề số một nào, 'thứ khí hạo nhiên ấy.' Câu này lấy từ chương Công Tôn Sửu trong sách Mạnh Tử chắc con đã biết, con xem xem mình phá đề thế nào?" Không đợi Đường Thận trả lời, Lương Tụng đã đọc lên: "Con phá đề là... Thứ khí hạo nhiên ấy, là anh hoa chính khí khắp trời, khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng2."

[2] Đề gốc là "kỳ vi khí dã", tức "cái khí (hạo nhiên" ấy". Đây là vế mở đầu câu trả lời của Mạnh Tử khi được người học trò Công Tôn Sửu hỏi "khí hạo nhiên là gì". Đoạn sau Đường Thận viết "thiên địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình", ý là chính khí có sẵn trong trời đất, giao hòa với nhau tạo ra muôn vật. Mình sử dụng bản dịch của Nguyễn Văn Thọ.

Đường Thận: "Lẽ nào con phá đề thế chưa hay?"

Lương Tụng cười: "Hay, hay lắm chứ! Nhưng sau đó con viết tiếp cái gì? Viết bài chế nghệ, con có thể mượn quan điểm của người khác để phá đề và thừa đề. Cái đó không sao, mười thí sinh thì chín người sẽ làm thế. Nhưng nếu làm thế, văn của con phải truyền tải được tối thiểu ba phần mười cái thần của người nói câu đó. Ta hỏi, với thái độ được chăng hay chớ như hiện giờ, sau câu mở bài có thể coi là thiên cổ tuyệt cú như 'anh hoa chính khí khắp trời, khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng', con đã viết nổi một áng văn với bút lực dồi dào như phần mở đầu chưa?"

Sơn Hà Bất Dạ ThiênWhere stories live. Discover now