Chương 19

161 5 0
                                    

Xà phòng

Phủ Cô Tô có hăm ba phường, mười sáu phố, chằng chịt dọc ngang. Hai mươi ba phường là nơi cư trú của hơn mười vạn hộ gia đình. Phần lớn các phường được quy hoạch men theo bờ con hào bảo vệ thành. Đan xen giữa các phường là hơn ba trăm nhánh sông nhỏ, tạo nên địa hình đặc trưng của vùng Giang Nam sông nước. Mười sáu con phố hầu hết là khu vực chuyển giao từ phường nọ sang phường kia.

Đại Tống không quản lí nghiêm ngặt phố phường như các triều đại trước. Ở trong phường cũng có thể mở hàng quán, nhưng cần phải có giấy phép của nha môn và phải nộp thuế cao hơn.

Đường Thận muốn có giấy phép của nha môn thì chỉ cần đến mè nheo thầy hai câu là tiết kiệm được ối thì giờ xếp hàng. Còn về đống thuế chưa nộp, kế toán Lâm sắp bứt trụi cả đầu rồi, nhưng ông khuyên mãi Đường Thận vẫn không chịu đổi ý.

"Tiểu đông gia, cứ thế này mình sẽ mất cả chì lẫn chài đấy!"

"Không vội, cứ từ từ rồi đâu sẽ có đó."

Trong một đêm, Hậu cần Đường thị mở trạm ở khắp hai mươi ba phường và mười sáu phố. Trạm khá đơn sơ, chỉ kê một chiếc bàn gỗ và một cái giá, với một cây gậy gỗ treo lá cờ đỏ đề bốn đại tự màu đen: Hậu cần Đường thị. Mỗi sạp có một ông cụ dáng dấp thư sinh ngồi trực, trông rất đáng tin cậy.

Mười ngày nay, bách tính Cô Tô đã quen với công việc chuyển phát đồ của các nhân viên hậu cần. Sau ba ngày chờ đợi, Hậu cần Đường thị cũng quay lại phục vụ người dân. Trong hẻm Trách Môn, có anh thư sinh nọ gọi một nhân viên chuyển phát lại: "Anh giúp tôi chuyển hai cuốn sách này đến Toái Cẩm Nhai nhé?"

Người nhân viên đáp: "Được thôi, phiền tiên sinh ra trạm viết giúp tôi cái đơn, ghi rõ cần giao hàng gì."

Anh thư sinh ngạc nhiên: "Đơn? Ý anh là sao?"

"Tiên sinh không thấy thông báo của Hậu cần Đường thị mấy hôm trước sao? Từ giờ, nếu anh đặt chuyển phát thì phải viết rõ địa chỉ nhận hàng và tên mặt hàng. Tiên sinh đừng lo, ở hẻm Trách Môn có một trạm dành riêng cho việc điền đơn. Chỉ cách đây mười mét thôi, để tôi dẫn anh đi."

Ở khắp phủ Cô Tô đều diễn ra sự việc tương tự.

Lúc đầu, người dân cảm thấy Hậu cần Đường thị là quá phiền phức và mất thời gian. Nhưng chỉ một vài hôm sau họ đã nhận ra rằng có hóa đơn trong tay, nếu như hàng bị thất lạc thì sẽ có bằng chứng để khiếu nại Hậu cần Đường thị. Sự xuất hiện của tờ hóa đơn khiến họ an tâm hơn nhiều, tùy phiền hơn đôi chút, nhưng độ tin cậy của dịch vụ cao hơn hẳn, khiến ai nấy đều bớt lo ngại.

Hậu cần Đường thị càng ngày càng nhiều mối làm ăn hơn, những người thích sử dụng dịch vụ cũng trở thành khách hàng thường xuyên, dần dà quen mặt các nhân viên hết.

Hôm đó trên Toái Cẩm Nhai, chủ một cửa hàng may nhờ nhân viên Hậu cần Đường thị giao quần áo đặt may cho khách của ông ta. Hai người đã biết nhau, người nhân viên bèn nói: "Ông chủ Vương à, cuối tháng này dịch vụ chuyển phát của chúng tôi sẽ tăng giá đó. Ông là khách quen, thường ngày vẫn tạo điều kiện cho công việc của tôi, nên tôi báo sớm cho ông hay."

Sơn Hà Bất Dạ ThiênWhere stories live. Discover now