Chương 22: Đồi Telegraph (2)

2.7K 211 8
                                    

A Phúc ngẫm nghĩ rồi nói, “Nợ tiền dễ giải quyết mà, có số tiền rõ ràng, bao nhiêu tiền là bao nhiêu; Nợ tình mới khó làm, không những không tính được mà sẽ luôn cảm thấy thiếu nợ cả đời.”

Ngụm cháo nghẹn trong cổ họng Hoài Chân, cô chợt cảm thấy nặng nề.

Qua một hồi, A Phúc nói tiếp, “Có điều nếu tốt thì cũng may, ở Mỹ đây, người ta rất thích ‘lợi dụng lẫn nhau’ rõ ràng; chú trọng lợi ích thực tế, không được nhân tình như người Trung Quốc. Mọi thứ rõ ràng, đổi chác công bằng, tất cả cùng vui.”

Nói rồi ông gặm hai miếng chân gà ướp tỏi, trả mười cent rồi phủi tay, nói với Hoài Chân: “Đi!”

Ra khỏi tiệm trà Quảng Đông, ông dẫn cô đi thẳng đến một cửa tiệm ở đường Jackson. Mặt tiền cửa tiệm rộng rãi, đi vào cửa có một tủ quầy, ở hai bên có lối đi có mấy hồ cá. Trong tiệm có một tiểu nhị cùng một chưởng quầy, chân trần bẩn thỉu đi lui đi lại trên mặt đất, cầm một cái túi lưới trong tay cho khách. Đã quá trưa nên khách không nhiều, tất cả đều đứng trên lối đi nhầy nhụa bốc mùi, chỉ điểm tiểu nhị cạo vảy trên thớt; cùng lúc đó, những chiếc vảy bay vèo vèo tán loạn.

Một con ruồi bay qua dưới mắt Hoài Chân. Cô đứng ngoài cửa hắt xì một cái rồi đi theo A Phúc vào sâu trong tiệm.

“Một lạng vi cá.” A Phúc nói.

Lúc này ở phòng sau có người vén rèm lên, một người phụ nữ luống tuổi đi ra. Tóc bà ướt nhẹp, cầm khăn che đầu, chén sứ trong tay xới đầy cơm, vừa thấy A Phúc lập tức đặt chén xuống, đi đến nói, “Anh A Phúc, cũng nhiều năm rồi không thấy anh lại mua vi cá, còn nấu được súp vi cá không?”

Nói đoạn bà cầm lấy một sợi dây thừng vi cá treo cao, nghiêng đầu đi ra đưa cho A Phúc, rồi lại đi vào lấy túi giấy đựng tôm khô làm đồ tặng. A Phúc thuận tay đưa cho Hoài Chân cầm, sau đó lấy ra năm mươi cent từ trong túi tròn trả bà chủ.

Ra khỏi tiệm cá, trên đường về phố Grant Ave, ông lại tạt vào tiệm tạp hóa mua bình rượu hoa điêu đưa cho Hoài Chân xách. Tiệm tạp hóa này chỉ là tiệm tạp hóa vô cùng bình thường, không phải kiểu “đầu dê thịt chó” như ở bên kia.

Ra khỏi cửa, Hoài Chân không nén nổi hỏi: “Đều treo cùng một bảng tiệm tạp hóa, vậy có khi nào có người đi nhầm không ạ?”

A Phúc bật cười không đáp. Đợi đi ra xa, không còn trông thấy tiệm tạp hóa trong con hẻm kia nữa, A Phúc mới đưa tay chỉ: “Con có thấy thứ sơn trên tường không?”

Hoài Chân nhìn lại theo hướng ông chỉ, chỉ thấy ở một góc tường bên ngoài tiệm, không biết dùng loại sơn gì xịt nên hình vẽ graffiti màu xanh lá cây – là thứ bình thường chỉ có thể dễ dàng trông thấy ở thế kỷ hai mươi mốt. Cô cẩn thận ngẫm nghĩ, vào thời đại này mà trông thấy văn hóa đường phố ở đây thì đúng là kỳ lạ.

Đi đến gần hơn, A Phúc giải thích, “Hơn bốn mươi năm trước, trên phố người Hoa có rất nhiều nghề kinh doanh không hợp pháp, giờ ngoài mặt thì không thấy, thực chất lại rất tệ hại, chẳng qua là bị chuyển vào trong tối thôi. Lúc này con nhìn thì cùng là tiệm tạp hóa đúng không, tuy nhiên lại kinh doanh khác nhau.”

Kim Sơn Hồ Điệp - Duy Đao Bách Tích [Hoàn]Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ