#140. Re: Memorial

54 5 2
                                    

Tên truyện: Re: Memorial.
Tác giả: Shiromiya Shiori.
Thể loại: Siêu nhiên.
Độ dài: 3 chương.
Tình trạng: Chưa hoàn thành.


Chào bạn, dưới đây là suy nghĩ và cảm nhận của mình qua câu chuyện "Re : Memorial", có gì sai sót mong bạn bỏ qua nhé.

Trước khi review mình muốn lưu ý một điều rằng: mình chưa xem CLANNAD lẫn Fate/Zero nên nếu các bộ phim có vài ảnh hưởng nhất định tới cốt truyện thì có khả năng mình sẽ không cảm nhận được hết.

1. Diễn đạt:

- Vốn từ ổn, cần đầu tư vào cách hành văn để miêu tả sinh động hơn.

- Khi diễn đạt hội thoại, lúc thì xuống dòng gạch ngang, lúc thì mở ngoặc kép ghi liền, không nhất quán.

"Con bé tò mò hỏi :  

- Anh định đi đâu thế, cho em đi theo có được không??

Tôi tặc lưỡi bảo : " Đây là chuyện người lớn, trẻ con không nên xen vào." "

- Quá nhiều dấu câu.

"Tại sao mình không tức giận??? Tại sao mình lại không khóc?? Tại sao vậy??"; "...cách chủ quan bằng những cách thức khác nhau đúng không thưa giáo sư ??"

- "sảy ra" -> "xảy ra"

- "theo lập trường của tôi, Các trải nghiệm..",chú ý viết hoa nha.

- "Bóng dáng cô gái đó... ".

Chúng ta thường không gọi người quen mình như thế, chưa kể đây còn là em gái mà Haru rất yêu thương và muốn bảo vệ.

- "Tiếng rầm cửa" -> "Tiếng sập cửa" hoặc "Tiếng rầm của cánh cửa".

- "Bầu không khí trở nên căng thẳng đến lạ thường, tiếng sấm vang mạnh cùng làn mưa ào ào bên ngoài không làm tôi bận tâm."

Nếu đọc lướt qua câu này, mình nghĩ độc giả sẽ bị khựng lại ở chữ "không", vì hầu hết đã chắc mẩm rằng chi tiết "tiếng sấm" và "làn mưa" đều bổ nghĩa cho "bầu không khí căng thẳng" mà Haru đang chịu đựng. Mình hiểu ý của bạn, chắc là bạn muốn diễn tả rằng dù ngoài kia mưa to gió rét như thế nào cũng không đáng sợ bằng nỗi đau mà Ui đang gánh chịu bây giờ, theo suy nghĩ của Haru. Nhưng để câu văn trôi chảy hơn, mình nghĩ nên chỉnh lại một chút, đem vế phủ định ra đầu câu hoặc thêm từ nối giữa hai vế. Ví dụ :" Dù tiếng sấm vang rền xen lẫn với tiếng mưa rơi ào ào trên mái hiên, bầu không khí nơi đây vẫn yên tĩnh và căng thẳng đến lạ thường,...."

2. Nội dung:

- Diễn biến quá nhanh, không lột tả hết được nội tâm và suy nghĩ của nhân vật.

- "Nói đúng ra là tôi ghét được tổ chức sinh nhật, không phải vì nó làm phiền cuộc sống của tôi, mà là vì nó vô nghĩa đối với tôi."

Có nhiều khả năng xảy ra trong tình huống này mà mình nghĩ là nếu diễn đạt tốt hơn thì sẽ hé lộ được nhiều mặt của nhân vật.  Thường thì nếu sự việc đó thực sự vô nghĩa đối với nhân vật thì người ta sẽ không quan tâm tới nó luôn, có hay không có cũng không sao, nhưng ở đây nhân vật có một thái độ rất rõ ràng đối với việc tổ chức sinh nhật, đó là "ghét", thậm chí cậu ta còn tỏ ra khó chịu khi em mình nhắc đến việc tổ chức sinh nhật. Có thể Haru cho rằng sinh nhật của mình là "vô nghĩa"  vì ai đó đã đem lại ấn tượng đó cho cậu trong quá khứ, vân vân, thế nên đoạn này nên thêm vào một số chi tiết úp mở về nhân vật để làm dậy lên sự tò mò của độc giả. 

- Chi tiết "Đã nhiêu ngày trôi qua rồi nhỉ, tôi cũng chẳng thèm quan tâm nữa" và "14 tiếng cho 1 game"

Nhân vật vốn không còn quan tâm tới thời gian nhưng vẫn ý thức được số giờ mình đã chơi, tức là phần nào vẫn để ý sự hữu hạn của một quá trình nào đó. Theo mình, thông tin này không nổi bật bởi vì nhân vật hiện tại có quá nhiều thời gian nên việc lấy thời gian để đo thành tích "công việc" không phù hợp với bối cảnh lẫn tâm trạng hiện tại lắm, thay vào đó, bạn có thể liệt kê số game mà nhân vật đã chơi để bổ sung cho chi tiết "tôi không quan tâm tới thời gian hiện tại nữa" và chi tiết " số lượng game tôi chơi được và hoàn thành tăng lên gấp bội".

- "14 tiếng cho 1 game, có lẽ đó là cách mà tôi tự thỏa mãn bản thân."

Để nêu bật lên yếu tố khiến nhân vật cảm thấy thỏa mãn, mình nghĩ nên đưa thông tin cụ thể nào đó để làm rõ tính cách nhân vật hơn thay vì nêu lên yếu tố thời gian - mà độc giả đã biết nó không quan trọng đối với nhân vật. Ở trường hợp này, bạn có thể nêu lên thể loại game mà Haru yêu thích, từ đó dẫn đến việc cậu cảm thấy hài lòng như thế nào, hưởng thụ nó ra sao, vân vân.

- "Tại sao tuyết lại có màu trắng ?? Vì bản chất của nó là màu trắng hay vì nó quên đi màu của chính mình."

Trời đang mưa nhân vật bỗng đề cập đến tuyết, trong khi đó xung quanh không có bất cứ điều gì gợi mở về tuyết. Mình hiểu về những suy nghĩ bất chợt thoáng qua trong nhân vật, nhưng thường nếu suy nghĩ đó là một hình tượng thì nó phải có một hướng gợi mở ở đâu đó trước để dẫn đến nhận định này, một phần là để hợp với bối cảnh, một phần là để độc giả có thể đi theo mạch truyện một cách trôi chảy.

- Có sự xáo trộn nhẹ trong tình tiết sau khi Ui khóc trong phòng. Lúc đầu, Haru nghe Ui khóc và đoán lý do là do bản thân mình đã nói nặng em, cậu qua phòng em gái và nói lời xin lỗi. Nhưng chốc sau đó, cậu lại hỏi Ui liệu có phải là do bọn bắt nạt không. Không có thông tin cũng như dự báo nào từ đầu truyện cho thấy là Haru biết về bọn bắt nạt lẫn dấu hiệu của việc cậu biết về tình hình trong trường học của em gái (việc nghỉ học, đóng chặt của phòng, không còn giao du nhiều với Ui - em phải mang cơm lên tận phòng; lẫn việc chơi game quên thời gian ủng hộ cho giả thuyết này). Ngoài ra, Haru hoàn toàn có thể vịn vào những lý do khác như : Ui khóc vì nhớ cảnh gia đình êm ấm, nhớ cha, mẹ, và dĩ nhiên khả thi nhất vẫn là vì bản thân cậu hơn là dự đoán về bọn bắt nạt trong trường. Nếu bạn muốn nói về hiện trạng bị bắt nạt của Ui, bạn cần nêu thêm những biểu hiện cụ thể trong mắt Haru nảy sinh tới vấn đề bắt nạt thay vì đưa một giả định đúng hoàn toàn bất ngờ.

3. Nhân vật:

- Nhân vật chưa hình thành được khối tính cách hoàn chỉnh, phần nào cũng do truyện mới ra hai chương nên mình không thể đi vào chi tiết quá sâu.

- Để phát triển nhân vật Haru - góc nhìn chính của độc giả, bạn cần tập trung  miêu tả thế giới quan của Haru một cách kỹ lưỡng và chi tiết hơn thay vì chỉ đơn giản đi theo hướng kể chuyện và nêu tình huống như hiện giờ.

Nhìn chung:

- Truyện có chiều hướng phát triển ổn định nếu biết phát huy tâm lý nhân vật.

- Cố gắng đưa thêm những tình tiết bất ngờ có tính đột phá.

     

Chúc bạn thành công.


#Reviewer|T.C.

Makani ReviewWhere stories live. Discover now